Đầu năm 2016, đi từ thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) xuống thị xã Hồng Lĩnh theo tuyến đê La Giang, chúng tôi thấy mặt đê vẫn còn ngổn ngang, bê bết. Nhiều đoạn dài hàng kilômét chưa hề có dấu vết của máy móc thi công, đường xuống cấp, lồi lõm, nước đọng, bùn lầy. Một số đoạn còn làm dở dang, chỗ cao, chỗ thấp. Thậm chí tại xã Bùi Xá còn đào hẳn cả thân đê để xe đi qua. Một số vị trí đã thi công xong nhưng nhìn bằng mắt thường có thể thấy được dấu hiệu xuống cấp, không đảm bảo chất lượng. Một số vị trí mặt đường không phẳng, nước đọng thành vũng, một số vị trí bị nứt. Thỉnh thoảng, thấy lác đác một vài công nhân, máy xúc đang thi công. Còn tại vị trí trạm trộn bêtông ở xã Bùi Xá, khung cảnh cũng im lìm. Theo số liệu của chủ đầu tư, phần đắp đất còn thiếu hơn 200.000m3, mặc dù đã được giới thiệu mỏ đất thuận tiện, nhưng đơn vị thi công là Cty Xuân Thành (trụ sở tại Ninh Bình) vẫn “án binh bất động”. Nhìn cảnh tượng đó, không ai nghĩ đây là một dự án quan trọng có số vốn lên tới gần 800 tỉ đồng và đã bắt đầu thi công từ cách đây 6 năm.

Thi công không đảm bảo kỹ thuật

Ngày 5.1, ông Nguyễn Xuân Hành – Trưởng BQL các dự án cơ bản ngành NNPTNT Hà Tĩnh – đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án nâng cấp đê La Giang được khởi công 2009, theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2011. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến nay chưa hoàn thành. Trong đó gồm bãi vật liệu phục vụ dự án bị hết hạn, chờ thủ tục cấp lại; vướng giải phóng mặt bằng khi 4 hộ dân ở Đức Yên (Đức Thọ) chưa chịu di dời; đơn vị thi công thiếu tập trung nhân lực, máy móc để thực hiện.

Tổng kinh phí dự án ban đầu là 970 tỉ từ nguồn trái phiếu chính phủ nhưng sau đó thực hiện cắt giảm đầu tư nên rút xuống còn 770 tỉ. Hiện nay đã giải ngân được trên 500 tỉ (70%). Khối lượng thi công đến nay được khoảng 650 tỉ. Năm 2015, nguồn vốn bố trí cho dự án là 23,8 tỉ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được 1,5 tỉ, còn 22,3 tỉ chưa giải ngân do vướng về công tác kiểm định chất lượng.

Về chất lượng, nhà thầu thi công là Cty Xuân Thành không tuân thủ nghiêm túc về quản lý chất lượng công trình. Vật liệu đất sử dụng đắp đê một số vị trí đắp đê không đảm bảo chỉ tiêu về cơ lý, đất lẫn đá và cỏ rác (K5+200 – K5+800, K10 – K10+500). Một số vị trí thi công chưa đảm bảo theo hồ sơ thiết kế, yêu cầu kỹ thuật như đắp đất hoàn trả móng tường chắn, hoàn thiện mái đê, vỉa hè… “UBND tỉnh gia hạn tiến độ lần 3 rồi. Hạn cuối của gia hạn lần 3 là 31.9.2015 nhưng đến nay dự án vẫn chưa xong. Nếu tỉnh không tiếp tục gia hạn nữa thì buộc phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng là rất khó…”, ông Hành nói. Cũng theo ông Hành, hiện tượng sụt lún, thi công chưa đảm bảo buộc nhà thầu phải khắc phục, nếu không sẽ không được nghiệm thu.

TRẦN TUẤN – QUANG ĐẠI / Lao Động