Các trường thi ở Hà Nội đã bắt đầu rọc phách từ chiều 1/7, ngày thi đầu tiên để kịp tiến độ công bố điểm thi cho thí sinh. Tâm điểm của các trường hiện nay là tập trung vào chấm thi, khiến, theo một nhà tuyển sinh, những sai sót thuộc dữ liệu vẫn chưa dám sửa vì sợ làm loạn hệ thống.
Phó Thủ tướng thăm cụm thi ĐH Bách khoa, thăm hỏi và động viên phụ huynh và lực lượng tình nguyện. Ảnh: Hồ Thu. Phó Thủ tướng thăm cụm thi ĐH Bách khoa, thăm hỏi và động viên phụ huynh và lực lượng tình nguyện. Ảnh: Hồ Thu.

Đó là phản ánh của trường thi khi thực tế, giờ thi buổi sáng bị “lùi” thêm nửa tiếng so với giờ thi mọi năm. Số phòng thi năm nay nhiều hơn vì thí sinh rải rác các cụm thi; số thí sinh trong 1 phòng thi nhiều hơn trước rất nhiều do mọi năm tỷ lệ ảo cao (30-40%) so với năm nay (thường chỉ ở dưới 5%); đề thi cũng dễ thở hơn ở phần xét tốt nghiệp THPT khiến số bài làm của thí sinh tăng trang nhiều hơn…

Đó là những lý do khiến giám thị vất vả hơn trong việc thu bài thi và nhiều thầy thi xong chỉ kịp ăn vội xuất cơm hộp rồi làm buổi thi chiều luôn, nhiều thầy sợ muộn đã phải mang cơm hộp đến hội đồng thi cho kịp giờ.

Chiều 1/7 bắt đầu rọc phách

Ông Nguyễn Quang Kim, HT trường ĐH Thuỷ lợi cho biết, theo kế hoạch chiều 1/7, bài thi được rọc phách để kịp chấm luôn bởi năm nay, Bộ GD&ĐT quy định hạn chót nộp điểm thi lên Bộ là 20/7/2015.

Các trường ĐH Bách khoa HN, ĐH Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp VN… cũng có kế hoạch rọc phách bài thi song song với quá trình tổ chức thi để kịp thời hạn bởi số bài thi của thí sinh năm nay nhiều hơn những năm trước rất nhiều do năm nay số môn thi tăng gấp 3 lần.

Cân bằng người chấm thi

Một trong những mối lo ngại từ phía phụ huynh và học sinh là: đây là kỳ thi có 2 mục đích, tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, vậy ở cụm thi do ĐH chủ trì và giảng viên ĐH chấm thì có chặt điểm hơn không? Vậy lực lượng chấm thi là ai?

Ông Nguyễn Quang Kim, HT trường ĐH Thuỷ lợi cho biết: với 16.000 bài thi, gấp đôi năm ngoái, thời gian yêu cầu nhanh, trường này sẽ mời giáo viên các trường THPT chấm bài, môn văn mời 90 và môn Toán hơn 90 người. Ông Kim cũng cho biết, các thầy cô giáo THPT đã ký tên vào văn bản chịu trách nhiệm cao trước việc chấm thi giúp nhà trường.

Tương tự, ông Bùi Trần Anh Đào, trưởng Ban Đào tạo Học viện Nông nghiệp cho biết, học viện huy động giáo viên THPT huyện Gia Lâm và giáo viên THPT tỉnh Bắc Ninh tham gia chất với số lượng lớn vì nhiều môn học viện không có giảng viên như văn, sử, địa. Theo ông Đào, giáo viên THPT được mời là 120 người/180 người chấm. ĐH Công nghiệp sử dụng ½ giảng viên cơ hữu chấm thi, ½ huy động từ 3 trường THPT của huyện Đan Phượng.

Các trường đều dự kiến 15-17/6/2015 sẽ hoàn tất việc chấm điểm và nộp dữ liệu lên Bộ GD&ĐT trước hạn chót 20/7 để kịp thời gian xét tuyển đợt 1 vào 1/8/2015.

Mưa điểm 9-10 sẽ khó tuyển sinh

Đó là nhận xét của chuyên gia tuyển sinh khi mà đề thi môn Toán được giải mã vào sáng 1/7/2015.

Đề Toán, theo nhận xét của chuyên gia tuyển sinh N.P (Hà Nội) làm tốt phần 60% tốt nghiệp nhưng 40% để tuyển chưa được tốt vì tính phân hóa chưa cao- chỉ có 1 câu khó chiếm 1 điểm. Nhà tuyển dụng này nói: thí sinh đạt 9-10 điểm môn toán sẽ nhiều và nhà tuyển dụng sợ nhất điều này vì không chọn được người giỏi thực sự; đặc biệt,  trong hoàn cảnh năm nay, theo quy định mới, xét tuyển không được làm tròn điểm của thí sinh vì chỉ nhích 0,25 điểm đã có hàng nghìn thí sinh đạt điểm chuẩn.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển môn toán hệ số 2 cũng đang lo lắng về điều này, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo trường này bộc lộ băn khoăn.

Hà Nội: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý công tác chấm thi

Sáng 1/7,  khi làm việc với Ban chỉ đạo Thi THPT quốc gia cụm thi Hà Nội. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã  trực tiếp đi kiểm tra một số cụm thi trên địa bàn Hà Nội, ân cần thăm hỏi các phụ huynh, lực lượng CATP Hà Nội và thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Về kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: điều quan trọng mà xã hội quan tâm là làm sao phải đảm bảo việc coi thi  giữa hai cụm thi địa phương và đại học chủ trì phải nghiêm túc như nhau. Phó Thủ tướng căn dặn: nếu không làm nghiêm túc thì số thí sinh ở cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ có điểm cao hơn thí sinh xét tuyển vào các trường ĐH. Phó Thủ tướng nói: khâu chấm thi có dư luận băn khoăn rằng các cụm thi do trường ĐH chủ trì chấm chặt hơn các cụm thi khác, bản thân các cụm thi giữa các tỉnh, các trường cũng lỏng chặt khác nhau… Về điểm này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã quán triệt chấm chính xác theo barem để không lo chấm chặt, chấm lỏng khác nhau.

H.T

Thứ trưởng Ga nói về các ngày thi tiếp theo

Cả nước có 947.018 thí sinh (TS) dự thi môn toán (98.68%); 37 TS bị kỷ luật: khiển trách: 13; cảnh cáo: 2, đình chỉ 22. Môn ngoại ngữ chiều 1/7 có 737.723 TS dự thi (99.30%); 12 TS bị kỷ luật: khiển trách: 3, đình chỉ 9.

Cả 2 buổi thi, không có cán bộ coi thi bị kỷ luật. Thứ trưởng  Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngày thi đầu tiên đã diễn ra tốt đẹp, suôn sẻ. Tuy nhiên, Thứ trưởng đặc biệt cảnh báo về những ngày thi tiếp theo khi có nhiều môn thi khác nhau và thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng.

Ông Ga nói: Các trường cần tuân thủ quy trình mở đề thi một cách nghiêm ngặt đúng quy chế để tránh nhầm lẫn, đặc biệt những cụm thi nhận đề thi của 8 môn một lần. Ông Ga nhấn mạnh: thí sinh không được mang tài liệu vào phòng thi vì ngày thi đầu tiên đã có hơn 30 thí sinh bị kỷ luật; trong thời tiết nắng nóng bất thường, ông Ga nói, thí sinh cần giữ gìn sức khỏe thi và đến trường thi với tâm trạng thoải mái.

H.T