TP Hà Tĩnh

Công an TP. Hà Tĩnh chấn chỉnh các cơ sở dịch vụ cầm đồ

Thời gian qua, hoạt động dịch vụ cầm đồ ở TP Hà Tĩnh phát triển mạnh về số lượng lẫn quy mô, hình thức hoạt động, đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận tiện về kinh tế thì các cơ sở dịch vụ cầm đồ quản lý không chặt chẽ sẽ là nơi phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn.

img_7101

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, có hồ sơ quản lý; tuy nhiên chỉ có khoảng 40 cơ sở cầm đồ là treo biển hoạt động thường xuyên, số còn lại là đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng trá hình lấy cơ sở để vay vốn ngân hàng, một số cơ sở hoạt động cầm chừng, đăng ký hoạt động cầm đồ nhưng chỉ cho vay tiền mà không nhận cầm cố tài sản nên không treo biển hoạt động, một số cơ sở hoạt động trá hình nhằm trốn tránh hoạt động kiểm tra của lực lượng Công an, một số cơ sở hoạt động không có hiệu quả trong thời gian dài nhưng chưa làm thủ tục trả lại giấy ANTT do đó gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thanh tra xử lý của cơ quan chức năng.

Kiểm tra thủ tục hồ sơ pháp lýKiểm tra thủ tục hồ sơ pháp lý

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, là dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn số lượng các cơ sở dịch vụ tài chính tăng lên, hoạt động của các cơ sở này có đăng ký dịch vụ cầm đồ nhưng người vay không cần phải thế chấp tài sản như trước đây mà chỉ cần có giấy tờ hợp pháp là được vay tiền với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện cho nên nhiều cá nhân, tổ chức đã có xu hướng chuyển đổi sang vay tiền tại các cơ sở dịch vụ tài chính, đây là hình thức mới phát triển mạnh trên địa bàn thành phố trong năm 2016 trở lại nay; tại các cơ sở cầm đồ có thế chấp tài sản, pháp luật quy định rất chặt chẽ, còn tại các cơ sở dịch vụ tài chính, các văn bản pháp luật quy định rất ít cho nên việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm tại các cơ sở dịch vụ tài chính gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

anh-bia-bai

Đây là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt nhạy cảm về an ninh trật tự, bởi tội phạm thường lợi dụng sơ hở của chủ cơ sở để hoạt động phạm tội, nhất là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động đòi nợ thuê, hoặc vay tiền nhằm mục đích đánh bạc, vay “nóng” với lãi suất cao… Các đối tượng cầm đồ rất đa dạng phức tạp, trong đó có cả đối tượng hình sự, các loại tội phạm xâm phạm sở hữu, nghiện ma túy, cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá, thanh niên, học sinh, sinh viên hư hỏng, chơi bời…Cũng không ít những trường hợp mượn tài sản của bạn bè, người quen, của gia đình đưa đi cầm cố. Khi khách hàng không đủ khả năng trả nợ hoặc một số chủ cơ sở cầm đồ, dịch vụ tài chính trong quá trình hoạt động cạnh tranh lẫn nhau đã móc nối với các đối tượng hình sự bên ngoài để đòi nợ thuê dẫn tới nhiều vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Qua một số vụ án hình sự mà Công an thành phố bóc gỡ thời gian qua, khi cơ quan Công an điều tra tiến hành thu hồi tài sản, nhiều tài sản trong các vụ án này được các đối tượng đem cầm cố tại các hiệu cầm đồ, chủ các cơ sở cầm đồ có thể biết đó là tài sản vi phạm, nhưng vì lợi nhuận nên vẫn thực hiện giao dịch. Hầu hết các trường hợp cầm cố tài sản xe máy, điện thoại di động, máy tính…chủ các cơ sở đều không thu hoặc ghi số CMND hoặc các giấy tờ hợp pháp khác. Đây chính là kẻ hở để bọn tội phạm lợi dụng làm giả các loại giấy tờ hoặc sử dụng một số tài sản giả mạo để đi cầm cố nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chính chủ cửa hiệu cầm đồ. Ngoài ra nhiều chủ cơ sở cầm đồ khi nhận tài sản cầm cố chỉ trưng bày các tài sản chấp hành đúng tại cửa hiệu, còn những tài sản vi phạm thì tìm cách cất giấu cách xa cơ sở để tránh hoạt động kiểm tra của Cơ quan Công an.

Trong thời gian qua, nhất là thời điểm Công an thành phố mở đợt cao điểm ra quân tấn công, truy quét các loại tội phạm, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo quyết liệt các đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã mà chủ công là Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, qua kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ cầm đồ; một số cơ sở còn vi phạm các lỗi không ghi chép vào sổ quản lý, không thu hoặc ghi số CMND hoặc các giấy tờ hợp pháp khác, nhận cầm cố tài sản không chính chủ, bố trí sai kho bảo quản… Các cơ sở cầm đồ hiện nay chủ yếu cho vay tiền bằng thế chấp giấy tờ hợp pháp với thủ tục đơn giản, các cơ sở cầm đồ cầm cố có nhận tài sản thế chấp như trước đây đang giảm dần về số lượng, nên khi đối chiếu với pháp luật hiện hành rất khó phát hiện các cơ sở vi phạm. Trong đợt kiểm tra lần này, Công an thành phố kiểm tra phát hiện, xử phạt vi hành chính 05 trường hợp, phạt tiền gần 10 triệu đồng; tạm giữ 07 xe máy, 20 điện thoại di động các loại cầm cố không đúng quy định để xác minh làm rõ.

suaKiểm tra thực tế tại các cơ sở cầm đồ

Để siết chặt, chấn chỉnh các cơ sở dịch vụ cầm đồ trên địa bàn hoạt động có kỷ cương, nề nếp, trong thời gian tới đây, Công an thành phố đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cầm đồ; tổ chức ký cam kết cho các chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ cầm đồ; tăng cường công tác phối kết hợp đồng bộ giữa các đội nghiệp vụ và Công an các phường, xã; soát xét, thống kê, lên danh sách các cơ sở để kiểm tra nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động, đặc biệt là tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ tài chính, các cơ sở cầm đồ cầm cố nhiều tài sản để phát hiện vi phạm, từ đó có kế hoạch chấn chỉnh kịp thời tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động kinh doanh thuận lợi nhưng phải đúng quy định của pháp luật./.

Cao Cường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP