Tin Hà Tĩnh

Cận cảnh quy trình điều trị F0 tại nhà ở huyện miền núi Hà Tĩnh

Nhờ tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, sức khỏe của các F0 không có triệu chứng điều trị tại nhà ở Hương Khê, Hà Tĩnh diễn biến tốt.

Nắm bắt mọi diễn biến sức khỏe bệnh nhân

Đã thành thường lệ gần 1 tuần nay, ngày 2 buổi sáng chiều, y sĩ Lê Thái Thanh Huyền - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn huyện Hương Khê điện thoại lên liên lạc với bệnh nhân Covid-19 N.T.M (36 tuổi, ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Y sĩ Lê Thái Thanh Huyền điện thoại cập nhật tình hình sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.

Sáng 25/11, cũng như mọi ngày, sau lời thăm hỏi, chị Huyền bắt đầu hỏi thăm các chỉ số sức khỏe như: nhiệt độ, nhịp thở, mạch, chỉ số SpO2… cho đến các triệu chứng mệt mỏi, ho, ớn lạnh/ gai rét, mất vị giá hoặc khứu giác…

Các số liệu này được chị Huyền ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác vào hồ sơ bệnh án.

Trước khi cúp máy, chị Huyền không quên động viên bệnh nhân giữ vững tâm lý và lưu ý một số nguyên tắc chăm sóc bản thân và phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và hàng xóm…

“Bình thường là như thế, nhưng có ngày gọi điện, nhắn tin đến 3 - 4 lần để vừa nắm tình hình sức khỏe, vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân.

Thậm chí như sáng nay (25/11), sau khi điện thoại hỏi thăm tình hình xong, đến 8h sáng tôi lại tranh thủ chạy lên nhà của bệnh nhân để vừa kiểm tra trực tiếp vừa giám sát thêm việc chấp hành cách ly, điều trị của bệnh nhân thông qua gia đình, hàng xóm”, chị Huyền cho biết.

Cũng theo chị Huyền: Chị N.T.M là trường hợp dương tính với Covid-19 không có triệu chứng đầu tiên của cả tỉnh thí điểm điều trị tại nhà.

Là người đứng đầu cơ sở y tế địa phương, lại trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân nên chị Huyền khá áp lực.

“Hiện tại việc lấy mẫu xét nghiệm cho F0 không có triệu chứng điều trị tại nhà đều do lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng huyện phụ trách.

Thế nhưng, từ hồ sơ thủ tục hành chính đến việc giám sát, theo dõi bệnh nhân tại nhà đều là những công việc rất mới, chưa có tiền lệ.

Nếu để xảy ra sai sót, không những bệnh nhân khó khỏi bệnh mà còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra bên ngoài.

Vì vậy, ban đầu chúng tôi khá áp lực, nhưng nhờ sự quan tâm của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện và cấp ủy chính quyền nên đến nay cũng đã quen việc. Việc điều trị cũng đã sẵn sàng nếu số ca F0 điều trị tại nhà nâng lên”, chị Huyền cho biết.

Bệnh nhân cần phối hợp tốt trong điều trị

Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Trường Lâm - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Hương Khê cho biết: Trước đây, các ca mắc Covid-19 ở địa phương đều được đưa đi điều trị ở các bệnh viện dã chiến (ở Kỳ Anh, Hương Sơn hay Bệnh viện Phổi ở TP Hà Tĩnh).

Bên cạnh điện thoại, y sĩ Huyền còn đến trực tiếp nhà bệnh nhân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như giám sát việc chấp hành cách ly, điều trị tại nhà của bệnh nhân.

Sau khi Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Tĩnh có hướng dẫn, đầu tháng 8/2021, huyện Hương Khê được chọn thí điểm thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Là địa phương ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng với cách làm bài bản, giám sát chặt chẽ của ngành chức năng và ý thức tuân thủ tốt của người dân nên việc cách ly F1 tại nhà được thực hiện an toàn, hiệu quả.

Đến giữa tháng 11/2021, công dân N.T.M (36 tuổi, ở thị trấn Hương Khê) làm việc ở miền Nam về cách ly y tế tại nhà. Sau đó, kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Trên cơ sở "Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà" của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện đã báo cáo sở và xin thí điểm cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0) không có triệu chứng tại nhà.

Cũng theo bác sĩ Lâm, sau khi được Sở Y tế đồng ý, trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định.

Đồng thời tham mưu cho UBND huyện thành lập Trạm Y tế lưu động nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó với các cấp độ của dịch COVID-19.

Trạm gồm 5 cán bộ y tế, trong đó 1 phó giám đốc trung tâm y tế huyện làm trạm trưởng và 1 bác sĩ chuyên khoa I của Bệnh viện Đa khoa huyện làm phó.

Trạm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/11 và hoạt động 24/24h, bất kể ngày lễ, ngày nghỉ.

Trạm có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên địa bàn được phân công.

Để nâng cao hiệu quả điều trị tại nhà, nhân viên trạm y tế lưu động thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc chấp hành của bệnh nhân.

Hàng ngày, nhân viên của trạm sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách theo dõi sức khỏe hằng ngày như: Đo thân nhiệt, đo chỉ số SpO2, sử dụng túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, xử lý rác thải và các quy định khác mà người cách ly phải thực hiện.

“Hiện tại trên địa bàn huyện có 3 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng được điều trị tại nhà.

Cả 3 bệnh nhân đang có sức khỏe ổn định, tâm lý bình thường, các chỉ số đều có tiến triển tốt

Việc điều trị bệnh nhânh Covid-19 không có triệu chứng tại nhà khiến cán bộ, bác sĩ cơ sở vất vả hơn. Thế nhưng, lại giúp tiết kiệm cho chính bệnh nhân và giảm áp lực cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Để cho kết quả tốt nhất thì bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cấp ủy chính quyền thì một phần phụ thuộc vào ý thức, sự nỗ lực của chính bệnh nhân”, bác sĩ Lâm cho biết thêm.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP