Chăm sóc sức khỏe

Bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật gãy xương đùi

Người nhà bệnh nhân Là buồn rầu khi bà tử vong sau ca phẫu thuật gãy chân. Ảnh: Ngọc Trường.

Nhập viện 9 ngày mới được phẫu thuật, bà Là sau đó hôn mê và tử vong vào sáng 18/3. Người nhà cho rằng bác sĩ tắc trách nên không nhận thi thể về mai táng.
benh-nhan-tu-vong-sau-phau-thuat-gay-xuong-dui

4h sáng 18/3, bệnh nhân Trần Thị Là (47 tuổi, xã Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Quá bức xúc vì vợ nhập viện cấp cứu vì gãy xương đùi, 9 ngày sau mới được đưa đi mổ ghép xương và sau phẫu thuật lại bị hôn mê rồi qua đời, ông Đặng Thiện không đồng ý nhận thi thể, viết đơn cầu cứu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Trong cuộc họp tổ chức cùng ngày, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, đánh giá đây là “sự cố y khoa ngoài ý muốn”. “Bệnh nhân đang trẻ, chỉ gãy xương thôi, trước và sau mổ sức khỏe bình thường, được chăm sóc đặc biệt, nhưng bệnh trở đột ngột thì chúng tôi cũng bất lực”, ông nói.

Theo ông Thạch, nguyên nhân chính khiến bà Là tử vong là thuyên tắc phổi. Những trường hợp gãy xương dài như bà Là có nguy cơ thuyên tắc mạch phổi với tỷ lệ từ 1 đến 3%, và 30% người bị tai biến dạng này tử vong. “Mạch máu cung cấp máu nuôi phổi bị tắc do một cái gì đó như mảng xơ vữa, cục mỡ hoặc khối máu đông”, bác sĩ Thạch nói và cho biết nguyên nhân thứ hai có thể bệnh nhân bị sốc phản vệ khi truyền máu.

benh-nhan-tu-vong-sau-phau-thuat-gay-xuong-dui-1

Bác sĩ Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nói rằng việc phẫu thuật được tiến hành đúng quy trình. Ảnh: Ngọc Trường.

Trước việc bà Là gãy xương nhưng phải chờ đến 9 ngày mới được mổ, bác sĩ Thạnh khẳng định bệnh nhân đã được mổ đúng quy trình, thậm chí sớm hơn ca khác.

Lý giải thêm, bác sĩ lê Đức Nhân, Phó giám đốc bệnh viện, nói bà Là bị gãy liên lồi cầu xương bên phải, vết thương kín nên được xếp mổ chương trình. “Bình thường, thứ sáu hàng tuần bệnh viện sẽ có lịch mổ chương trình. Bà Là nhập viện vào chủ nhật và được mổ vào thứ hai tuần kế tiếp là sớm”, ông Nhân nói và cho biết theo quy trình phải làm các xét nghiệm, kiểm tra trước rồi xếp lịch mổ. Mỗi tuần bệnh viện chỉ mổ chương trình vào ngày thứ sáu.

Sau khi bà Là tử vong, lãnh đạo bệnh viện đã gặp gỡ người nhà để giải đáp khúc mắc. Tuy nhiên theo anh Đặng Thức (con trai bà Là), các bác sĩ nói quá nhiều từ chuyên ngành khiến gia đình không hiểu. “Nguyên nhân cái chết của mẹ tôi vẫn chưa được làm rõ nên gia đình chưa đưa thi thể về”, anh Thức giải thích.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết đồng ý với kết luận của hội đồng khoa học Bệnh viện Đa khoa về nguyên nhân khiến bà Là tử vong.

Đến gần 13h chiều 18/3, gia đình mới đưa bà Là về nhà lo hậu sự.

Trước đó ngày 6/3, bà Trần Thị Là bị té ngã, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân gãy xương đùi. Đến 9 ngày sau, bà được phẫu thuật ghép xương. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, tim đập rời rạc và qua đời.

Ngày 18/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng thành lập hội đồng chuyên môn xác minh nguyên nhân dẫn tới tử vong và xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tham gia trong quá trình chẩn đoán, điều trị cho người bệnh Trần Thị Là; tổ chức thăm hỏi, chia sẻ với gia đình người bệnh.

Bệnh viện cần xử lý nghiêm tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm) và công khai thông tin, kết quả xác minh, xử lý ban đầu cho cơ quan báo chí; báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 25/3.

Ngọc Trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP