Giáo dục - Đào tạo

Ấn định ngày chấm dứt hợp đồng với gần 200 giáo viên ở Kỳ Anh

Hàng trăm giáo viên tại Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sẽ  chính thức bị chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng 9 tới.

>> Tạm hoãn việc cắt hợp đồng của hàng trăm giáo viên ở huyện Kỳ Anh.

hatinh24h hatinh24h 01

Trao đổi với PV, ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Huyện Kỳ Anh cũ có khoảng hơn 200 giáo viên trong diện bị cắt hợp đồng theo Quyết định của Sở Nội vụ. Hiện nay, riêng Thị xã Kỳ Anh có 72 giáo viên sau khi chia tách huyện. Vào ngày 30.9 tới, số giáo viên này sẽ chính thức bị chấm dứt hợp đồng”.

Ông Đinh Sỹ Quân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh cũng cho biết: “Số giáo viên hợp đồng sau khi tách huyện sẽ chính thức bị chấm dứt hợp đồng vào ngày 30.9. Còn chủ trương sau đó thế nào, chúng tôi phải chờ chỉ đạo của Tỉnh và Sở Nội vụ chứ hiện giờ chưa có phương án cụ thể”.

Văn bản số 570/ UBND – NV ra ngày 23/4/2015 do ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (cũ) ký, yêu cầu các trường lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký Quyết định hợp đồng vào làm việc.

Như Tầm Nhìn đã đưa tin, ngày 23/4/2015, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh cũ) đã ký văn bản 570/UBND – NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng.

Văn bản yêu cầu, đối với các phòng chuyên môn  của huyện thì bàn giao toàn bộ hợp đồng cho công chức, viên chức hiện tại và lập danh sách gửi chủ tịch huyện để chấm dứt hợp đồng khi có quyết định của tỉnh về chia tách bộ máy cán bộ huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh.

Đối với các đơn vị sự nghiệp thì rà soát nhu cầu sử dụng cán bộ hợp đồng và lập danh sách đề nghị UBND huyện cho chủ trương để thủ trưởng đơn vị hợp đồng theo quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (UBND huyện sẽ chấm dứt hợp đồng do UBND huyện đã ký trước đó).

Đối với các trường THCS, Tiểu học, Mầm non thì giao cho Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường lập danh sách đề nghị chấm dứt hợp đồng gửi về UBND huyện. Đồng thời, rà soát nhu cầu sử dụng để lập danh sách đề nghị UBND huyện cho chủ trương để Trưởng phòng GD&ĐT huyện đứng ra hợp đồng lao động theo quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thực hiện theo nội dung này, ngày 24/4/2015, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh ký văn bản 44/PGD&ĐT – TCCB gửi các trường yêu cầu lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký hợp đồng vào làm việc tại trường. Đồng thời, yêu cầu các trường làm văn bản đề nghị UBND huyện cho chủ trương để Trưởng phòng GD&ĐT tự hợp đồng theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.


Văn bản 44/PGD&ĐT-TCCB của Phòng Giáo dục và đào tạo Kỳ Anh.

Quyết định trên của UBND huyện Kỳ Anh được thực hiện theo Văn bản số 343/SNV-TCCB của Sở Nội vụ Hà Tĩnh gửi Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh về phương án bố trí nhân sự ở huyện này.

Thời điểm vừa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với các trường hợp như trên đã gây xôn xao xư luận.

Báo Tầm Nhìn trước đó cũng đã có loạt bài về vụ việc này. Theo như lời ông Phan Duy Vĩnh thì ở thời điểm đó, đáng ra các giáo viên trong diện trên đã chính thức bị chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh nên việc này được tạm thời hoãn lại.

“Đây là chủ trương của Tỉnh và Sở Nội vụ. Số nhân viên hợp đồng khác tại các phòng chuyên môn, đơn vị hành chính của huyện Kỳ Anh đã bị cắt hợp đồng trước khi tách huyện. Riêng các giáo viên, trước sự phản ánh của báo chí và dư luận nên huyện quyết định để đến thời điểm hết hạn là ngày 30.9 tới mới chấm dứt hợp đồng”, ông Vĩnh cho biết.

 Việc này được thực hiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến miếng cơm manh áo và đời sống của hàng trăm giáo viên, nhất là khi cuộc sống của họ vốn đã eo hẹp.

Đau lòng hơn, đã có rất nhiều giáo viên có kinh nghiệm phải về hưu trước tuổi để “nhường” cho con mình được ký hợp đồng với UBND huyện khi được huyện “hứa” sẽ cho vào biên chế. Hiện tại có người vừa mất, con của họ lại sắp chính thức mất việc.

Bên cạnh đó, theo dư luận quá trình ký gần 200 hợp đồng giáo viên này có rất nhiều tiêu cực. Để có được “một suất”, không ít giáo viên phải mất một khoản tiền không nhỏ bôi trơn (?!)

Mai Nguyễn – Đình Sơn/ Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP