Bà Trần Thị Nhị Hà trả lời báo chí về vụ việc
Đây là thông tin được bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết vào trưa 26/12. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội vừa kí quyết định đình chỉ hoàn toàn hoạt động phẫu thuật, thủ thuật có liên quan đến sử dụng thuốc gây mê tại BV Đa khoa Trí Đức (đường Lê Duẩn, Hà Nội).
Nghi ngờ do sốc phản vệ
Trả lời câu hỏi của báo giới “chất lượng thuốc gây mê cho hai bệnh nhân có vấn đề hay không?”, bà Hà khẳng định: Ngay sau khi xảy ra sự cố, đoàn cán bộ của Sở Y tế đã có mặt tại bệnh viện, cùng phối hợp với cơ quan công an để làm việc. Báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cho biết, lô thuốc sử dụng cho hai bệnh nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến.
Bà Hà cũng bác bỏ thông tin buổi sáng cùng ngày xảy ra hai bệnh nhân tử vong có 1 bệnh nhân khác được gây mê, sốc và đang được cấp cứu.
“Đoàn kiểm tra chuyên môn đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại bệnh viện cho thấy điều kiện đảm bảo phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm của thuốc. Toàn bộ số thuốc còn lại của bệnh viện cũng đã được niêm phong. Sở Y tế cũng đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê trên, xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về thuốc đã sử dụng cho bệnh nhân thì đây là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện”, bà Hà cho biết.
Trước câu hỏi, hai kíp mổ liệu có thông tin, khi ca phẫu thuật của chị P. bắt đầu trước, sau đó có tai biến, ca thứ hai mới bắt đầu? Bà Hà cho biết, hai ca phẫu thuật được thực hiện gần như song song, tại hai phòng mổ, với hai kíp mổ khác nhau. Không có chuyện ca mổ trước xảy ra tai biến, ca sau mới bắt đầu.
“Cả hai bệnh nhân được thực hiện tiền mê tại bệnh viện cách nhau 20 phút. Sau tiền mê 30 giây bệnh nhân tím tái, khó thở, tụt huyết áp, lú lẫn, lơ mơ. Thuốc bệnh nhân sử dụng là giống nhau, chỉ khác nhau liều lượng (phụ thuộc vào cân nặng), là loại thuốc sử dụng phổ biến tại các bệnh viện; bệnh nhân xuất hiện cùng triệu chứng huyết áp tụt, vã mồ hôi, ngừng tim; cùng xảy ra tại Bệnh viện Trí Đức, một thời điểm cách 20 phút… và để tìm ra nguyên nhân vụ việc, Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình gây mê, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân”, bà Hà nói.
Tuy nhiên, bà Hà cũng nhấn mạnh, đó chỉ là những nghi vấn ban đầu, còn kết quả cuối cùng phải phụ thuộc vào khám nghiệm tử thi của hai bệnh nhân. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khám nghiệm tử thi, làm pháp y với hai bệnh nhân này và sẽ có kết quả sau 4 tuần. Trong thời gian này, phòng mổ, thuốc đã dùng cho hai bệnh nhân, những thuốc còn lại tại Bệnh viện Trí Đức để khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân.
Bà Hà cho biết thêm, Sở Y tế cũng sẽ thành lập hội đồng chuyên môn của ngành để xem xét hồ sơ đã niêm phong.
Sự cố nghiêm trọng
Liên quan đến sự việc, sáng 25/12 tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê sau đó đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các thuốc ở giai đoạn hai.
Bệnh viện Trí Đức nơi xảy ra 2 cái chết ngày 25/12
Benh nhân Q.T.M.P. (SN 1979, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) được Bệnh viện Trí Đức chẩn đoán đa u 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật vô cảm bằng gây mê nội khí quản. Kíp phẫu thuật có 5 người. Khoảng 8h15 phút, bệnh nhân P. được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg, (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân thứ hai là anh H.V.T. (SN 1982, Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đẩy vào phòng phẫu thuật sau ca của chị P. khoảng 30 phút để phẫu thuật nội soi xoang – cắt amidal – chỉnh hình vách ngăn – nạo sùi vòm và cũng gây gây mê nội khí quản. Kíp mổ cũng gồm 5 người. Bệnh nhân T. bắt đầu được tiêm Atropin 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê) vào khoảng 8h40 phút. Sau 15 phút, bệnh nhân được sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron. Cũng sau 30 giây tiêm thuốc, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, các phẫu thuật cho hai bệnh nhân trên tại BV Trí Đức đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Yêu cầu xác định trách nhiệm Liên quan đến sự việc, ngày 26/12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã gửi công văn cho Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Sở này tiếp tục phối họp chặt chẽ với cơ quan liên quan đế xác định nguyên nhân tử vong của 2 người bệnh trên; kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ mất mát của gia đình bệnh nhân tử vọng. Đồng thời xác định trách nhiệm của tập thế, cá nhân liên quan, kịp thời theo đúng quy định hiện hành (nếu có vi phạm). Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phẫu thuật theo chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại công văn số 847/KCB-QLCL ngày 28/7/201 về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phẫu thuật. Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về diễn biến quá trình, xác định nguyên nhân tử vong, giải quyết vụ việc tử vong của 2 người bệnh để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ. |