Ông Trương Tiến Lương đã thành công khi mang lợn rừng nuôi ở vùng biển. |
Quyết định mạo hiểm
Phải hẹn nhiều lần, tôi mới có dịp gặp chủ nhân trại lợn rừng đóng tại vùng ven biển độc nhất ở Hà Tĩnh vào một ngày cuối tháng 10. Ít ai nghĩ rằng, ở vùng đất hẻo lánh vốn là vùng đất đang bỏ hoang (thôn Liên Hải, xã Thạch Hải, H.Thạch Hà) lại mọc lên một trang trại rộng chừng 4 héc ta, được bố trí bài bản từ khu trồng cây đến khu chăn nuôi.
Kể về mô hình trang trại có một không hai ở Hà Tĩnh, ông Lương cho biết, cuộc sống của người dân xã bãi ngang Thạch Hải còn gặp nhiều khó khăn vì diện tích đất nông nghiệp ít, người dân chủ yếu bám biển mưu sinh. Nhiều năm qua, khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tạm ngừng hoạt động, người dân địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề những hệ lụy từ dự án. Hàng chục héc ta đất của dự án bị bỏ hoang trở thành vùng “đất chết”, nhưng cũng không có ai đủ dũng cảm để đầu tư vào vùng đất này vì việc đóng cửa hay tái khởi động lại mỏ sắt vẫn đang được cơ quan chức năng xem xét.
Từng có thời gian là cán bộ kỹ thuật nông trường, ông Lương phần nào nắm bắt được các kỹ thuật về cây trồng và giống vật nuôi. Mỗi lần trở về quê, ý định phải làm một việc gì đó để đánh thức vùng sa mạc cát lại bùng lên trong ông. Vì thế, bắt đầu từ năm 2012, dù bận rộn với công việc nhân viên kỹ thuật ở Nông trường cao su Hương Sơn (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh), nhưng hễ có thời gian rảnh là ông lên mạng tìm hiểu về các cây, con hợp với vùng đất cát và loài lợn rừng đã thu hút ông bởi khả năng kháng bệnh và thịt đạt chất lượng cao. Dự định về quê mở một trang trại chăn nuôi thuần chủng loài động vật hoang dã trên của ông Lương cũng bắt đầu từ đó.
“Từ trước đến nay, lợn rừng thì người ta nuôi trên rừng nơi có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Nhưng mình lại muốn nuôi ở vùng cát trắng ven biển, không biết có thích hợp hay không. Vì thế, phải mất đến 4 năm ấp ủ, tôi mới quyết định bắt tay vào làm”, ông Lương nhớ lại. Cẩn trọng hơn, trước khi thực hiện dự án, ông Lương đã hỏi ý kiến 10 người bạn thân thì có 8 người lắc đầu, 1 người lưỡng lự không đưa ra lời khuyên, chỉ duy nhất 1 người đồng ý.
Dù vậy, ông vẫn quyết định mạo hiểm và tiến hành làm các thủ tục mượn hơn 4 héc ta đất hoang của dự án để khởi nghiệp. Mất hơn 3 tháng xây chuồng trại và cải tạo đất, đầu năm 2017, với số tiền 400 triệu đồng vay mượn được, ông Lương mua hơn 70 con lợn rừng về nuôi.
Nhiều người làm theo
Chuồng trại 1.000 m2 được ông Lương phân thành nhiều ô dành riêng để chăm sóc lợn mẹ, lợn con mới sinh. “Tôi vừa thả vừa làm chuồng cho ăn theo hướng bán hoang dã. Rừng tràm bóc vỏ mọc trên cát đã tạo ra “sân chơi” yêu thích của loài lợn rừng. Nhờ vậy, lợn rừng tăng trọng rất nhanh, không hề mắc bệnh tật gì, thịt săn chắc.”, ông Lương phấn khởi nói.
Ông Lương kể, thông thường lợn rừng ở các nơi khác, người ta cho ăn chuối, các cây cỏ trồng trên vùng đồi núi hoặc cho ăn cám công nghiệp. Còn riêng ông, khi đưa lợn rừng về vùng biển, ông lại ép chúng ăn các phụ phẩm nông nghiệp của địa phương như bã đậu, vỏ lạc và hải sản kém chất lượng. Điều khiến ông bất ngờ là loài lợn sống trên rừng này lại thích nghi nhanh chóng với thức ăn và điều kiện khí hậu khắc nghiệt nơi cửa biển. Chỉ sau khoảng 2 tháng, 4 con lợn mẹ bắt đầu đẻ lứa đầu tiên, trung bình mỗi lợn mẹ đẻ từ 6 -10 con/lứa.
Tiếng lành đồn xa, người dân địa phương đã tìm đến trang trại ông Lương để học hỏi mô hình và đặt mua con giống. Đến nay, ông đã xuất bán được 30 con lợn giống với giá 180.000 đồng/kg và 10 con lợn thịt giá 160.000 đồng/kg. “Tôi hướng đến cung cấp lợn sạch cho các nhà hàng và người dân ở thành phố. Đây là những khách hàng sành ăn và nếu thịt sạch, ngon thì dù có đắt mấy họ cũng bỏ tiền ra mua. Đến bây giờ, ngoài 30 con lợn giống, lợn đẻ trong chuồng thì 70 con lợn thịt gần như được người dân tìm đến đặt hàng cho dịp tết sắp tới”, ông Lương nói.
Thấy tiềm năng lớn, ông Lương vay mượn để đầu tư nuôi gà cỏ ri, bò lai lùn, dê… và trồng thêm các loại cây cối. Giờ đây, sau gần một năm thực hiện dự án, trang trại của ông Lương đã cho nguồn thu ổn định vài ba chục triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, trang trại còn tạo việc làm 2 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức 7 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Trung Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải, cho biết nhiều năm qua chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân và doanh nghiệp vào đầu tư ở vùng đất hoang hóa ven biển nhưng không có ai mạnh dạn. Chỉ duy nhất ông Trương Tiến Lương mới dám nghĩ, dám làm khi đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi và bước đầu đã có hiệu quả. Từ mô hình này, nhiều người dân địa phương cũng có nguyện vọng được thuê đất để làm theo. |
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên