Giáo dục

Xử lý rác thải ở Hà Tĩnh

Những ngày cuối tháng 2 vừa qua chúng tôi có dịp "mục sở thị" bãi rác của thị trấn Đức Thọ (Đức Thọ Hà Tĩnh). Tuy còn cách bãi rác khá xa nhưng mùi xú uế đã bốc lên nồng nặc. Đây vốn là một thung lũng khá lớn nằm cạnh núi, huyện Đức Thọ quy hoạch làm bãi đổ rác cho thị trấn Đức Thọ và một số xã lân cận.

Tôi gặp hai mẹ con chị Minh ở xóm 10 (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ) vừa cắt cỏ từ bãi rác đi lên. Chị Minh bức xúc: ‘Hằng ngày có hàng chục xe rác đổ vào đây, nhưng nỏ thấy xử lý chi cả. Nước đen từ bãi rác chảy qua eo Tùng, về cầu Kênh Tàng, đổ thẳng ra sông La. Mùa hè, mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên nồng nặc, nhất là những ngày đốt rác…’.

Bãi rác của thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) cũng vậy. Nằm sau một nghĩa trang, cách trung tâm thị trấn Phố Châu chừng hơn một km, và cũng là một thung lũng tự nhiên để trở thành bãi rác. Rác ở đây đổ lấn ra cả đường vào chùa Nhiễu Long và cũng không hề được xử lý môi trường. Chúng tôi phải nín thở đi qua bãi rác để thị sát, nhưng hàng chục con ruồi đã ‘kịp’ bám đầy vào người. Giám đốc Công ty TNHH môi trường Nam Hải, Hồ Hữu Nhàn thừa nhận: Do người dân đóng góp quá ít (5.000 đồng/hộ/tháng) và hỗ trợ của huyện không nhiều, kinh phí chỉ vừa đủ lương cho bảy người thu gom rác cùng duy trì hoạt động xe vận chuyển nên không có điều kiện xử lý môi trường tại bãi rác. Được biết huyện Hương Sơn chỉ có hai bãi rác (một ở thị trấn Phố Châu và một ở thị trấn Sơn Tây). Bãi rác ở thị trấn Sơn Tây do được Nhà nước đầu tư nên quy chuẩn hơn, nhưng vẫn theo phương pháp cổ điển là chôn lấp. Còn rác ở các xã còn lại trong huyện đều do nhân dân tự xử lý, bằng cách chôn lấp hoặc vứt bừa ra dọc đường hay chỗ trũng (ao, hồ).


Theo quan sát của chúng tôi, dọc theo các tuyến quốc lộ đến các đường liên xã, liên xóm, hay dọc theo sông suối, ao hồ hễ cứ thấy ngổn ngang rác là đã gần đến khu dân cư. Đây là những bãi đổ rác bất đắc dĩ mà người dân tiện vứt ra mà thành. Rác mới chồng lên rác cũ; rác lâu ngày còn trơ lại ni-lông. Những bãi đổ rác này gây nguy hiểm cho cuộc sống người dân do sự ô nhiễm đất đai, nguồn nước. Sở dĩ có tình trạng này là do trước đây, Hà Tĩnh chưa thật sự quan tâm đến quy hoạch bãi rác và xử lý rác thải. Nên hiện nay, gần như 100% số xã ở các huyện không có bãi rác, hay bãi thu gom. Mới có sáu địa phương trong tỉnh có khu xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Còn ở các địa phương khác, rác thải đều thu gom về một điểm xa khu dân cư để xử lý (đốt). Rác ở từng hộ gia đình tự xử lý bằng chôn lấp và đốt trong vườn nhà. Việc phân loại rác thải tại các hộ gia đình chưa được thực hiện cùng với ý thức của người dân và các cơ sở kinh doanh chưa cao nên rác cứ việc xả bừa bãi… Hầu hết mỗi huyện chỉ có một bãi rác, chủ yếu phục vụ việc đổ rác cho khu dân cư của huyện lỵ, với diện tích nhỏ, xử lý sơ sài. Huyện Thạch Hà là một thí dụ. Vị trí bãi rác cách thị trấn Cày khoảng ba km về phía tây. Đây là bãi rác tạm bợ, rác đổ bừa bãi bên ngoài hàng rào và phát tán sang diện tích đất canh tác nông nghiệp. Hay bãi rác của xã Thạch Kim (Lộc Hà), rác được tập kết về bãi đất trống gần nghĩa địa và khu rừng phòng hộ ven biển Thạch Kim gây mất cảnh quan, vệ sinh môi trường…


Theo báo cáo của các ngành chức năng, trừ hai khu đô thị lớn (TP Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh), lượng rác được thu gom, xử lý đạt hơn 90%, huyện Kỳ Anh đạt 54%; chín huyện còn lại lượng rác thải thu gom chỉ đạt từ 10 đến 15%. Huyện Thạch Hà với 30 xã và một thị trấn, nhưng chỉ thu gom khoảng 1,5 tấn rác/ngày (tỷ lệ 1,4%). Bên cạnh đó, phương tiện và lao động tham gia công tác thu gom rác thải bất cập so với yêu cầu. Hiện Hà Tĩnh mới có 29 đơn vị (gồm 15 HTX, 9 đội, 2 tổ vệ sinh…) tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải với 399 lao động tham gia. Hầu hết các địa phương khác tự phát thành lập tổ thu gom rác tại thôn, xóm, nguồn kinh phí hạn hẹp, chủ yếu do người dân đóng góp và vận chuyển rác chủ yếu bằng xe thô sơ hoặc công nông.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Nhật cho biết: Trước thực trạng về rác thải, HĐND và UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa thông qua Nghị quyết và Đề án Quản lý chất thải rắn trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng những năm tiếp theo; đồng thời phân công lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt đề án này. Việc đầu tiên là ngay trong tháng 1-2011, TP Hà Tĩnh đã chính thức đóng cửa bãi rác Đập Chùa, và chuyển đến địa điểm mới ở xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên). Tại đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Dự án xây dựng nhà máy chế biến rác công suất 120 tấn/ngày để xử lý rác cho TP Hà Tĩnh và các huyện lân cận. Việc xây dựng được giao cho Công ty Cao-su Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Cao-su Việt Nam) làm chủ đầu tư với vốn hơn 100 tỷ đồng. Tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách 20 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện mua sắm phương tiện chở và thu gom rác; hỗ trợ kinh phí, cơ chế chính sách để các địa phương hình thành các đơn vị xử lý môi trường, rác thải. Với sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự nỗ lực của các huyện, thị xã, Hà Tĩnh nêu quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2011 đạt mục tiêu: Hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý rác trên địa bàn toàn tỉnh; tiến hành xây dựng các khu xử lý rác cấp huyện, thành phố, thị xã hoặc liên vùng theo quy hoạch điều chỉnh, bổ sung được phê duyệt; tiến hành xây dựng 70% số trạm trung chuyển tại các xã thuộc các huyện; trang bị phương tiện phù hợp để thực hiện công tác thu gom và vận chuyển rác về khu xử lý tập trung; xã hội hóa toàn bộ khâu thu gom và vận chuyển chất thải rắn tại các địa phương. Phấn đấu đến năm 2015, lượng rác thải đô thị được thu gom và xử lý hoàn toàn, bảo đảm môi trường, thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình… cùng nhiều tiêu chí khác được xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, cũng theo đồng chí Nguyễn Nhật: Khó khăn lớn nhất hiện nay là một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề xử lý rác thải. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ tỉnh Hà Tĩnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm tạo chuyển biến cơ bản nhận thức của người dân, cộng đồng. Cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo đứng đầu trong điều hành chỉ đạo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chế biến chất thải. Đưa công tác này vào thi đua – khen thưởng và tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, cá nhân. Gắn sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh: Hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý rác trên địa bàn tỉnh, từ quy mô cấp thôn xóm đến huyện, thị và liên vùng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đưa một số nhà máy chế biến rác vào hoạt động…

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP