Trong nước

Xóa ‘sân sau’ của bộ ngành bằng siêu ủy ban quản 2 triệu tỷ đồng

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN nắm hơn 2 triệu tỷ đồng của các tập đoàn nhà nước nhằm khắc phục tình trạng "vừa đá vừa thổi còi" của các bộ chủ quản trước đây.

Hôm qua, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị”.

Đây cũng là nội dung chuẩn bị cho hội nghị Thủ tướng với DNNN do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì vào ngày 28/9 tới.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. Ảnh: Nhật Bắc

Trao đổi tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chỉ ra thực trạng DNNN đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi về đất đai, vốn…

Không ít DNNN hoạt động không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, thua lỗ kéo dài không giải quyết được nên vẫn trông chờ Nhà nước hỗ trợ.

“Nhiều ý kiến cho rằng DNNN là 'sân sau' của các bộ ngành chủ quản. Các bộ ngành đó dựa vào DNNN để được lợi ích nhóm. Đó là một thực tế đã kéo dài nhiều năm”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh. Theo ông, chính điều này khiến cho cải cách DNNN còn nhiều lực cản.

Khắc phục tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi

Ông Lưu Bích Hồ bày tỏ vui mừng trước sự ra đời của “siêu uỷ ban” - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và cho rằng UB này phải tập trung quản lý được vốn, không vừa đá bóng vừa thổi còi như một số bộ, ngành trước đây.

“Đây là vấn đề tốt, nhưng cần chờ đợi vận hành ra sao. Giao quyền là quan trọng nhưng khi có quyền phải thực hiện cho tốt, làm đúng, rõ ràng minh bạch thì mới có uy chứ không chỉ có quyền”, ông nhận định.

Theo ông, với tầm mức UB thuộc Chính phủ, “siêu uỷ ban” quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng vốn nhà nước ở DN, giai đoạn đầu do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo, cần hỗ trợ mạnh, thực hiện đúng các quy định.

“Thông tin mập mờ, không làm đúng quy định là căn bệnh cố hữu của DNNN, lần này nếu không minh bạch, cải cách quản trị DNNN không thành công”, ông lưu ý.

Ông Phùng Văn Hùng, ủy viên thường trực UB Kinh tế của QH. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Phùng Văn Hùng, ủy viên thường trực UB Kinh tế của QH cho rằng khi lập UB Quản lý vốn Nhà nước quản lý lượng vốn lớn của các tập đoàn của nhà nước nhằm khắc phục tình trạng “vừa đá vừa thổi còi” mà trước đây, dư luận kêu các bộ ngành ban hành chính sách lại vừa đi quản lý DN.

Mục đích nữa là làm sao quản lý và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả.

“Trong quy định chức năng nhiệm vụ UB bảo đảm tính chủ động. Nếu không tạo cơ chế uỷ ban chủ động, chịu trách nhiệm thì khó. Cần quy định trách nhiệm rõ ràng, giao quyền phù hợp”, ông Hùng nói.

Chuyên gia Lưu Bích Hồ cũng lưu ý, phải ủng hộ UB, phải làm mới thành công như một số nước Singapore, Trung Quốc… đã làm tốt. Còn nếu ngồi đó sợ thì khó.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP