Chúng tôi tìm về nhà em Nguyễn Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 9A2, trường THCS Chu Văn An, xóm 3, xã Phú Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh) để chia sẻ niềm vui khi em vừa giành được giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ Văn lớp 9.
Nổi bật bên trong căn nhà cấp 4 tồi tàn, dột nát, quét vôi trắng là những tấm giấy khen học sinh giỏi được dán kín tường. Ngồi trò chuyện với Hằng, em để lại ấn tượng là một cô bé hồn nhiên, thân thiện nhưng rất đỗi tình cảm.
Có hoàn cảnh khó khăn nhưng Hằng luôn phấn đấu học giỏi, lạc quan trong cuộc sống |
Hằng sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bố em là thầy giáo Nguyễn Kim Đường (sinh năm 1964). Cách đây hơn 20 năm, sau một cơn tai biến, sức khỏe thầy giảm sút, buộc phải từ bỏ việc dạy học.
Trong nỗi đau khổ, người vợ đầu đã bỏ lại hai đứa con thơ cho thầy chăm sóc để đi tìm cuộc sống mới. Năm 2002, qua người thân mai mối, thầy Đường kết hôn với cô Nguyễn Thị Dần (sinh năm 1974). Năm 2003, em Nguyễn Thị Thúy Hằng chào đời trong niềm vui sướng của cả nhà.
Nhưng cũng từ đấy, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn bởi bệnh tình người bố cứ nặng dần lên. Bị bại liệt nhiều năm nay, bệnh tật khiến thầy Đường không thể nói chuyện. Xót xa hơn, những ký ức về việc giảng dạy suốt nhiều năm cũng bị bệnh tật vùi lấp. Người thầy giáo hiền từ, nhân hậu năm nào giờ đây nửa tỉnh, nửa mê, không còn nhớ được chút gì.
Vừa lo thuốc thang cho chồng, vừa tìm cách trang trải chi phí học tập của người con đầu đang học Đại học năm 3, việc học của Hằng, thêm chi phí sinh hoạt gia đình…, cô Dần trở nên gầy yếu, xanh xao, sức khỏe suy giảm.
Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, Hằng luôn tự nhủ bản thân phải nỗ lực cố gắng. Năm nào em cũng đạt học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt năm nay, Hằng vừa giành được giải nhì học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ Văn lớp 9.
Những tờ giấy khen là niềm động viên to lớn với Hằng |
“Em học Văn thế nào?”, chúng tôi hỏi. Đáp lại, cô bé cười bẽn lẽn: “Em tập trung nghe cô giảng, nắm vững kiến thức cơ bản. Về nhà em tìm thêm tài liệu để đọc, cảm nhận bằng tâm hồn và tình cảm của mình. Trang văn là trang đời mà…”.
Nhắc đến nỗi vất vả, cực nhọc của gia đình và động lực nào khiến em có thể sống vui vẻ, học giỏi như vậy, mắt Hằng chợt ngân ngấn nước, nghẹn ngào không nói nên lời. Em gục đầu xuống bàn học, cố che đi những giọt nước mắt đang chực rơi. Học giỏi là thế, yêu đời là thế nhưng Hằng luôn nơm nớp lo sợ trước bệnh tình của bố, sợ việc học của em phải bỏ giữa chừng.
“Thực sự em cũng không biết vì sao mình có thể sống tốt như vậy. Em chỉ biết cố gắng mỗi ngày, sau này đi làm có tiền đưa bố đi chữa bệnh, để bố mẹ luôn tự hào về em”, Hằng tâm sự.
Thầy Đường, bố Hằng mắc tật khó nói từ khi bị tai biến mạch máu não. Trước đây thầy là một giáo viên dạy giỏi. Nếu như thầy khỏe mạnh, quay lại nghề dạy học thì có lẽ gia đình cũng vơi bớt nỗi khó khăn.
Hàng ngày, Hằng cùng mẹ chăm sóc mấy thước hoa màu. Cuộc sống hằng ngày thiếu thốn trăm bề, bữa cơm cũng thiếu trước hụt sau. May mắn hàng xóm, họ hàng sống xung quanh giúp đỡ được chút ít.
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, em rơm rớm nước mắt |
Khi được hỏi về ước mơ, Hằng thật thà: “Em yêu nghề công an. Sau này em muốn làm cảnh sát để đấu tranh chống kẻ xấu. Hơn nữa, nhà em nghèo, học công an em sẽ đỡ lo chi phí học tập và ra trường có việc làm ổn định. Tuy nhiên, em sợ mình không đủ cân nặng và chiều cao theo quy định để sau này làm hồ sơ dự thi”.
Cô giáo Phan Thị Muôn, giáo viên dạy văn của em cho biết: “Gia đình Hằng thuộc diện hộ nghèo nhưng hoàn cảnh không làm em bi quan, buồn chán. Em học giỏi toàn diện, đặc biệt là môn Văn”.
Giấc mơ đậu vào Học viện cảnh sát của cô học trò nhỏ cứ chấp chới trước mắt, khi một bên là những tờ giấy khen tiếp thêm động lực, một bên là người cha bệnh tật, người mẹ yếu đuối. Hoàn cảnh của em rất cần sự sẻ chia của những tấm lòng thơm thảo, giúp em nuôi tiếp giấc mơ đến trường.
Mọi đóng góp có thể gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Em Nguyễn Thị Thúy Hằng, xóm 3, xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. SĐT: 01626155222
Tác giả: Thiện Lương
Nguồn tin: Báo VietNamNet