“Làm cầu treo để cho gia đình ông Chủ tịch xã đi, người dân ở đây không biết gì về chiếc cầu đó. Không nhẽ thuê người phát rừng, lội khe, lên rừng để đi cầu treo. Trong khi đường nhựa, bê tông rộng rãi từ bao đời nay chúng tôi đang đi ở đây”, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hòa, người có tên trong danh sách đi cầu treo Khe Tây, Sơn Thọ, bức xúc.
Đoàn kiểm tra thực tế cầu Khe Tây ngày 10/8. Ảnh: Minh Thùy Đoàn kiểm tra thực tế cầu Khe Tây ngày 10/8. Ảnh: Minh Thùy

Sau khi Tiền Phong đăng tải bài “Cầu treo dân sinh phục vụ Chủ tịch xã”, tại thôn 6, xã Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh, sáng 10/8, PV Tiền Phong làm việc với ông Bùi Đức Đại, Phó Giám đốc  Sở GTVT Hà Tĩnh. “Việc viết là của các anh, giờ tôi gửi các anh báo cáo của lãnh đạo huyện Vũ Quang”, ông Đại nói. Sau nhiều câu hỏi của PV về trách nhiệm của Sở GTVT Hà Tĩnh trong việc xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây, ông Đại bức xúc: “Thế thì chiều nay mời các anh đi với tôi cùng đoàn lên tận hiện trường để biết sự thật”.

Đúng 3 giờ, nhóm PV các báo gồm Tiền Phong, Vietnamnet và Bảo vệ Pháp luật có mặt tại UBND xã. Tại đây, ông PGĐ sở GTVT giới thiệu đi cùng đoàn vào hiện trường có hai cán bộ Ban quản lý dự án phát triển giao thông và quản lý vốn sự nghiệp Hà Tĩnh ( Ban QLDA, thuộc Sở GTVT Hà Tĩnh), Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Dũng và một cán bộ địa chính xã Sơn Thọ. Khi đoàn vừa bước qua cầu, vị cán bộ địa chính xã khẳng định: “Đi vào đó xa lắm, người dân sẽ sướng hơn khi làm con đường này”. Nói xong, vị cán bộ này dẫn đoàn đi qua một đoạn đường lầy lội vài chục mét được đào sẵn và khẳng định người dân hằng ngày đi qua đoạn đường này để ra cầu treo.

Khi đi được một đoạn khoảng hơn 200m đến nhà ông Nguyễn Văn Hoàn nằm trên ngọn đồi, cây cối rậm rạp. “Làm cầu treo đó làm gì cho hoang phí các chú. Gia đình tôi và người dân thôn 6 này có ai đi được ra đó đâu”, ông Nguyễn Văn Hoàn bức xúc trước sự chứng kiến của các thành viên trong đoàn. Tại nhà ông Hoàn, để qua được các hộ dân nằm trong danh sách do UBND xã lập nên gửi Tổng cục Đường bộ, phải qua một cái khe rộng khoảng 5m. Tuy nhiên, để chứng minh cho PV phía trong còn nhiều hộ dân như báo cáo nêu, hai vị cán bộ xã vào nhà mượn dao của ông Hoàn để phát rừng leo từng đoạn ven khe nước.

Sau khoảng 30 phút phát cây được gần 100 mét, ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh im lặng bỏ ra đường cũ để ra chiếc cầu treo, nơi để xe ô tô của đoàn và ngồi đợi. Lúc này, vị cán bộ xã chỉ tay về phía nam ngọn núi cao đồ sộ cho biết phía trong rất nhiều hộ dân sinh sống. Trong khi đó, vợ chồng anh Trần Huy Minh, Nguyễn Văn Hoàn, người có trong danh sách  khẳng định ở đây chỉ có 19 hộ dân, hằng ngày đi theo đường bê tông qua chiếc cầu cũ tên Cầu Gãy. “Không nhẽ 19 hộ dân ở đây vượt 2 cái khe leo lên rừng để ra cầu treo của ông Chủ tịch chọn điểm xây dựng? Khi xây cầu xong mới biết cầu làm vào nhà lãnh đạo xã, người dân không hề được cán bộ giới thiệu hoặc ký tá gì liên quan đến cái cầu treo này”, vợ ông Nguyễn Hữu Hòa nói.

Gian dối trắng trợn

Sau khi đi thực địa xong, một vị cán bộ Ban QLDA ngồi lên xe PV và nói: “Có gì các anh bỏ qua, chúng ta sống với nhau chỗ tình cảm mà”. Còn một cán bộ khác của Ban, phụ trách chiếc cầu treo Khe Tây thừa nhận trước đây mới đi cùng đoàn của Tổng cục Đường bộ vào thực địa nhưng chỉ đi cách nhà ông Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ chừng 200m. Thì ra, con đường đất được đào men theo núi hơn 200m từ nhà ông Chủ tịch xã Sơn Thọ đi vào núi là để che mắt các đoàn kiểm tra. Thực tế con đường này làm ra để làm “thủ tục” mỗi khi có đoàn kiểm tra vào.

“Để ra cầu treo dân sinh Khe Tây, các hộ dân ở đây phải qua hai lần khe nữa. Tại sao người dân ở đây ngàn đời rồi đi qua cầu cũ Cầu Gãy. Không nhẽ giờ bỏ đường bê tông rộng rãi leo lên rừng chặt cây, lội suối để lên cầu treo dân sinh Khe Tây”, bà Nguyễn Thị Minh bức xúc.

Xây cầu treo dân sinh để phục vụ chủ tịch xã: Sự ngụy biện trắng trợn - ảnh 1 Đường bê tông rộng rãi nối khu vực người dân thôn 6 ở với Cầu Gãy (ảnh lớn). Từ cầu cũ Cầu Gãy vào 20 hộ dân xóm 6 đang sinh sống mất hơn 500m đường nhựa, bê tông nhưng vị Phó Chủ tịch UBND xã đưa PV và lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh chui vào khu rừng rậm, phải phát từng cây để đi (ảnh nhỏ)

Như vậy là quá rõ, hơn 20 hộ dân nằm trong danh sách được hưởng lợi từ cầu treo dân sinh Khe Tây khẳng định họ không hề tham gia đi lại trên chiếc cầu này. Từ khu vực các hộ dân này sinh sống đi ra chiếc cầu cũ Cầu Gãy rất thuận lợi, đường bê tông và trải nhựa rộng rãi. Khi đang phỏng vấn người dân, một chiếc xe tải chở đá chạy qua, PV đặt câu hỏi với vị Phó Chủ tịch UBND xã tại sao lúc nãy không đưa đoàn đi con đường nhựa và bê tông (chỉ cách cầu treo Khe Tây và Cầu Gãy) khoảng vài trăm mét để vào đến nơi mà phải phát rừng để đi? Vị Phó Chủ tịch cho biết, đưa đoàn đi để biết con đường quy hoạch sẽ làm sau này. Vậy là con đường quy hoạch mà vị Phó Chủ tịch xã bao biện là con đường lên núi và phải đi qua hai cái khe?

Tại trụ sở UBND xã, khi được PV đề nghị Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ làm việc cùng đoàn, nhưng vị Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Chủ tịch đi vắng. Khi PV đề cập trách nhiệm và sự gian dối để hợp lý hóa thủ tục của lãnh đạo xã thì vị Phó Chủ tịch vẫn hồn nhiên: “Tôi thấy như thế là hợp lý, không có vấn đề gì cả. Tôi không có quyền phát ngôn, tôi mới lên vị trí này. Các anh cứ nói để tôi tổng hợp về báo cáo Chủ tịch”, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ nói.

Còn ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh, đùn đẩy cho hai cấp dưới báo cáo về dự án. Khi PV đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ban QLDA, vị cán bộ tên Trung cho biết, Ban chỉ được Tổng cục Đường bộ thuê tư vấn quản lý.

Sự thật quá rõ ràng, ấy vậy mà sau khi báo Tiền Phong và một số báo phản ánh, Tổng cục Đường bộ đã lập tức phản pháo lại rằng cầu treo dân sinh Khe Tây phục vụ 26 hộ dân trước mắt và theo quy hoạch là 42 hộ. “Tất cả đều có giấy tờ và chứng nhận của từng hộ dân”, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA 3, Tổng cục Đường bộ khẳng định. Chưa dừng lại đó, lãnh đạo Ban QLDA 3 khẳng định cầu Khe Tây mỗi ngày có 500 lượt người qua lại. Thì ra, những số liệu lãnh đạo Ban QLDA 3 đưa ra là những báo cáo của chính quyền địa phương, cụ thể là ông Chủ tịch UBND xã, một trong hai hộ dân đi trên chiếc cầu treo dân sinh Khe Tây.

Trả lời PV Tiền phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, Phạm Quốc Thanh, khẳng định: “Thực ra mà nói, nếu nói tính cấp bách thì chỗ này phải thừa nhận chưa. Tiền này không phải tỉnh cho, nếu cho tiền mà được chuyển đổi thì không làm ở đó. Người ta về cho mình, thế là mừng rồi, người ta ở ngoài kia đưa về, mình bàn giao mặt bằng cho họ thôi. Anh được hỗ trợ, cho thì nhận. Cái này toàn quyền của họ, huyện chỉ đề xuất, nếu huyện đầu tư, câu chuyện hoàn toàn khác. Họ giúp thì mình nhận”. Thế nhưng, tại báo cáo gửi Sở GTVT Hà Tĩnh sau khi báo Tiền Phong phản ánh, ông Phạm Quốc Thanh lại cho rằng: Cầu Khe Tây phục vụ 42 hộ dân trong đó 26 hộ dân đang sinh sống.

“Xây cầu phục vụ mùa lũ và tương lai”

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ vừa khảo sát hiện trường cho hay: 26 hộ dân bên kia cầu treo hiện có 3-4 đường đi, nhưng đều qua suối, ngày lũ không thể sử dụng. Cầu treo mới tiếp giáp với 2 hộ dân nhưng lâu dài, địa phương phải mở đường nối thông đến 24 hộ phía sau. “Tới đây, khu vực này có 42 hộ, tương đương với một xóm. Điều này phù hợp với tiêu chí làm cầu treo để khắc phục chia cắt vào mùa lũ cho một xóm (tối thiểu 50 lượt người qua lại/ngày) của Bộ GTVT hiện tại và tương lai. Làm đập tràn, không thể vượt lũ”, ông Vinh nói.

Về quy trình, ông Vinh cho biết, xã đề nghị lên huyện, huyện báo cáo tỉnh, lãnh đạo tỉnh trình Bộ GTVT. Tổng cục Đường bộ, trong đó có ông Vinh về khảo sát trực tiếp. “Căn cứ quan trọng nhất để xác định vị trí xây cầu là quy hoạch Nông thôn mới của xã, được huyện và tỉnh thông qua”, ông Vinh nói. Ông Vinh khẳng định, cầu Khe Tây và cầu Gãy (nằm trên đường liên huyện) không bắc qua cùng một suối.

* Về thông tin “cầu treo phục vụ 2 hộ dân” tại Hà Tĩnh (Tiền Phong đã phản ánh), tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Tổng cục Đường bộ ngày 10/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu sớm xác minh về tính chính xác của sự việc; công khai về quy hoạch, trách nhiệm của các bên liên quan trong chương trình xây dựng cầu treo dân sinh.

Sỹ Lực