Với những biện pháp sáng tạo, cách làm hợp lòng dân của cấp ủy, chính quyền xã Thạch Hạ, sự đồng thuận của nhân dân, được lồng ghép với các phong trào thi đua khác đã góp phần thay đổi diện mạo của một địa phương đang từng bước hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Trung – Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ phấn khởi cho biết: “Nếu nói về mặt tinh thần thì mô hình “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa” đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nếp nghĩ và cách làm của bà con, còn nói về hiệu quả thì mô hình đã đem lại cho địa phương nhiều kết quả khá rõ nét”. Ông Chủ tịch xã nhấn mạnh: Trước khi triển khai thực hiện mô hình, toàn xã có 46 em học sinh bỏ học, đến nay 100% học sinh trong độ tuổi đến trường; 100% tiệc cưới không hút thuốc lá; gần 400 hộ/11 thôn tự nguyện hiến gần 13.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng …
Từ trụ sở UBND xã, đi trên những con đường làng được bê tông và nhựa hóa rộng rãi, thoáng đãng đưa chúng tôi về xóm Trung, một điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng mô hình: “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa” của Thạch Hạ. Tiếp chúng tôi, anh Lê Anh Xuân – Công an viên xóm Trung cho biết: Toàn xóm có 115 hộ, 573 nhân khẩu đều theo đạo Thiên Chúa giáo. Những năm về trước, bà con sống chủ yếu bằng nông nghiệp, ruộng canh tác ít, đời sống luôn gặp nhiều khó khăn, chật vật. Nhưng giờ đây đã qua những ngày khó khăn khi người dân trong thôn được áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng. Bà con vừa cấy lúa, vừa làm hoa màu và chăn nuôi. Bên cạnh đó còn có hàng chục người chuyên làm nghề thợ xây, gò hàn, buôn bán dịch vụ nhỏ nên đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Huy Phổ. Là một cán bộ mặt trận kiêm trưởng ban Thú y của xã, ông Phổ đã tìm tòi nghiên cứu các tiến bộ của khoa học vào áp dụng thực tế của gia đình, bươn chải trang trải cuộc sống hàng ngày nên đến nay trở thành hộ khá giả, nuôi dạy 3 con trưởng thành, tốt nghiệp đại học và đã có việc làm ổn định.
Không riêng gì xóm Trung mà các xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Đông Đoài … đều trở thành những điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mà cụ thể là mô hình “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”. Anh Võ Tá Hoàng – Trưởng Công an xã, cho chúng tôi biết: “Là địa bàn cửa ngõ phía Bắc của Thành phố Hà Tĩnh, xã Thạch Hạ có 6.447 nhân khẩu; trong đó gần 4.000 người là giáo dân, có 6/12 xóm theo đạo toàn tòng. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết lương – giáo và vận động người dân trong các thôn xóm có ý thức xây dựng nếp sống văn hóa. Các vướng mắc trong nhân dân được được giải quyết bằng phương pháp hòa giải tại gia đình và cộng đồng dân cư. Vì vậy, đến nay những chuyện xích mích nhỏ, cờ bạc, rượu chè bê tha không còn, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong ốm đau, hoạn nạn được mọi người quan tâm. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình trong xã đã xây dựng được các mô hình kinh tế như: Mộc, nhôm kính, gò hàn, vận tải, thương mại dịch vụ, nuôi trồng thủy hải sản … ngày càng được đầu tư theo hướng phát triển quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã tăng từ 5 triệu đồng/năm 2007 lên 8,5 triệu đồng hiện nay.
Cán bộ CA TP Hà Tĩnh kiểm tra mô hình giáo xứ an toàn văn hóa tại một gia đình tiêu biểu
Điều đặc biệt ở các thôn xóm mà chúng tôi đến, khi nhắc đến chuyện xây dựng “gia đình văn hóa” thì hầu như các giáo dân đều nói về phong trào xây dựng gia đình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ, mạnh khỏe, hạnh phúc”. Các gia đình công giáo đã giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những yếu tố lỗi thời, lạc hậu hình thành nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số ngày càng được bà con giáo dân nhận thức sâu sắc, xem đó là yếu tố cơ bản để xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Theo những người dân ở đây, phong trào “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa” đã thuyết phục họ bởi các phong trào hoạt động rất thiết thực và cụ thể đối với cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình. Những mâu thuẫn trong nhân dân quanh đi quẩn lại vẫn là những chuyện vườn tược, hàng rào, con gà con lợn, rồi rác thải … đều được giải quyết kịp thời, có lý có tình. Nhờ vậy, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, tình hình ANTT được đảm bảo. Ban Công an xã Thạch Hạ từ năm 2007 đến nay liên tục được Bộ Công an, UBND tỉnh và Thành phố tặng bằng khen, nhiều lượt công an viên được các cấp khen thưởng.
Hồng Phú – Sỹ Quý
CAHT