Xã Minh Châu có 1.435 hộ dân, với 6.700 nhân khẩu. Hiện Minh Châu vẫn còn tới 215 hộ nghèo, chiếm 18,7% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015). Đặc thù của Minh Châu là xã đảo duy nhất của Hà Nội với toàn bộ diện tích đất tự nhiên khoảng 563ha nằm giữa bãi nổi sông Hồng, vì thế việc canh tác, vận chuyển và tiêu thụ nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn.
Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy hiệu quả đầu tư hạ tầng, ứng dụng quy trình kỹ thuật tạo ra vùng sản xuất rau an toàn tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, năm 2012 huyện Ba Vì đã triển khai dự án trồng rau an toàn tập trung tại 3 xã, thị trấn là Chu Minh, Minh Châu và thị trấn Tây Đằng.
Theo dự án, xã Minh Châu có quy mô 20ha, xã Chu Minh 25ha và thị trấn Tây Đằng 45ha. Riêng tại xã Minh Châu, địa phương đã quy hoạch được 3 vùng trồng rau an toàn với tổng diện tích 34ha và được người dân đào 325 giếng khoan tại ruộng để lấy nước phục vụ cho việc trồng trọt.
Một cán bộ xã Minh Châu cho biết, năm 2012, dự án rau an toàn tại 3 xã thuộc huyện Ba Vì được rót tiền đầu tư xây dựng trạm bơm nước, nhà sơ chế với số vốn hơn 60 tỷ đồng. Theo đó, UBND huyện Ba Vì sẽ hỗ trợ 11 tỷ đồng để lắp đặt hoàn thiện đường ống dẫn nước, tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trong 3 năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn T., một người dân xã Minh Châu cho biết, việc xây dựng hệ thống bơm nước và nhà sơ chế đã hoàn thiện từ cách đây hơn một năm nhưng không hiểu sao các công trình này lại bị bỏ hoang. Một gia đình khác là chị Trần Thị H. cũng đã bỏ ra gần 30 triệu đồng để lắp điện, khoan giếng lấy nước bơm tưới tiêu cho hoa màu, trong khi hệ thống bơm nước do dự án đầu tư đã bỏ hoang.
Rau sạch bao giờ có?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Dần – Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết, dự án vẫn đang triển khai xây dựng hạ tầng cơ bản, nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như trạm bơm, bể chứa nước, kênh lấy nước vào bể, nhà thu gom, nhà sơ chế và bảo quản, đường giao thông nội đồng, xây dựng xong hệ thống điện trung thế và hạ thế, lắp đặt trạm biến áp và kéo dây hạ thế…
Dự án vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống kênh tiêu, lắp đặt thiết bị trạm bơm, thiết bị điện, hệ thống chiếu sáng nhà thu gom, lắp đặt hệ thống máy bơm tại các trạm bơm. Các hạng mục còn lại như nhà lưới, đường ống nhánh do ngân sách địa phương và huy động nhân dân đóng góp.
PV đặt câu hỏi, dự án đã được đầu tư bao nhiêu tỷ đồng? Ông Dần trả lời, vấn đề này UBND TP Hà Nội đã về kiểm tra và đã có ý kiến. Cũng theo ông Dần, dự án được khởi công từ năm 2012, dự kiến năm 2015- 2016 có sản phẩm rau an toàn. Hiện các công trình được giao UBND xã quản lý, sau đó sẽ bàn giao cho các hợp tác xã tiếp nhận.
Ông Nguyễn Văn T., một người dân xã Minh Châu, cho biết, việc xây dựng hệ thống bơm nước và nhà sơ chế đã hoàn thiện từ cách đây hơn một năm, nhưng không hiểu sao các công trình này lại bị bỏ hoang.