Nông thôn mới

Xã Kỳ Đồng: những mô hình kinh tế tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới

Nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình cho nhân dân.. Thời gian qua, xã Kỳ Đồng đã xây dựng được nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là địa phương có nhiều lợi thế về chăn nuôi, nên gia đình anh Trần Đình Thắng và chị Thiều Thị Luật đã tìm hướng đi cho gia đình bằng cách đầu tư nuôi gà thả vườn, kết hợp trồng dưa hấu cho thu nhập cao. Không cam chịu đói nghèo lạc hậu, gia đình anh Thắng ngoài mấy sào ruộng khoán được xã cấp cho, anh chị đã bàn nhau đầu tư chăn nuôi gà cỏ thả vườn, đây là giống gà dễ nuôi và dễ tiêu thụ. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu chưa có vốn, anh chị chỉ nuôi vài chục, vài trăm con. Qua thực tế nuôi thả thấy có hiệu quả nên hiện gia đình anh đã mở rộng mô hình lên 1.700 con gà thả vườn phát triển tốt. Song song với mô hình gà thả vườn, Anh Thắng còn trồng dưa hấu và dưa nứt cho hiệu quả kinh tế cao.

“Tuổi cao chí khí càng cao”, câu nói này rất đúng với gia đình các cụ Phạm Tạo và gia đình Cụ Trần Huỳnh ở thôn Đồng Trụ Đông. Tuy ở tuổi xưa nay hiếm nhưng các cụ vẫn say sưa với cây cối, gà vịt. Gia đình cụ Phạm Tạo đã đầu tư trồng các loại cây ăn quả đặc sản phù hợp đồng đất kỳ Đồng như ổi, bưởi Phúc Trạch… Chỉ trên mảnh đất vườn ít ỏi, gia đình ông đã trồng hơn một mẫu lạc, 60 gốc bưởi Phúc Trạch, 100 gốc ổi cùng các dưa hấu, dưa nứt. Đối với gia đình ông Trần Huỳnh thì ngoài trồng cây lạc và dưa hấu, dưa nứt, dưa lê, năm nay, gia đình ông đã mở rộng qui mô nuôi 1.200 con gà thả vườn. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa túi mưa”, nhưng những người nông dân tuy ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn miệt mài chăm từng gốc cây, con gà, con vịt để tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Với họ, còn sức là còn làm việc để cùng góp sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đây không chỉ vì lợi ích của quê hương đất nước mà còn vì tương lai của con cháu sau này.

Còn ông Hoàng Nhật Sinh ở thôn Tân Thịnh xã Kỳ Đồng, ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi lợn, ông đã tìm hướng đi cho gia đình bằng cách nuôi gà thả vườn. Để mô hình thành công, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng qui trình kỷ thụât khép kín, đồng thời, tìm mua con giống đảm bảo chất lượng và tìm hiểu kỷ thụât chăn nuôi gà qua các mô hình và sách báo. Nhờ vậy, đến nay, sau gần 3 tháng nuôi thả trên 1.000 con gà thả vườn của gia đình ông đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao. Với ông Sinh, còn sức khỏe thì phải cố gắng làm việc để phát triển kinh tế gia đình. Ở xã Kỳ Đồng còn có những mô hình tiêu biểu về đa cây, đa con, đó là mô hình trang trại của Ông Nguyễn Trọng Sâm và bà Thiều Thị Lai. Trên diện tích 5 ha, gia đình đã đầu tư trồng lúa, lạc, dưa hấu, nuôi trâu bò, gà thả vườn. Sau gần 5 năm lập nghiệp ở vùng này, nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, trang trại của ông Sâm bà Lai đã trở nên trù phú, thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Từ một gia đình nghèo khó, nhưng biết tính toán làm ăn nên gia đình ông bà đã vươn lên làm kinh tế giỏi. Qua thực tế từ mô hình trang trại của gia đình ông Sâm đã khẳng định với ý chí quyết tâm, chịu khó thì có thể biến những vùng đất hoang trở thành vùng đất trù phú.

Nhắc đến cái tên ông Trần Đăng Niên ở xã kỳ Đồng thì ai cũng biết, ông là chủ trang trại tổng hợp trù phú nhất vùng. Trên 10 năm về trước, gia đình ông đã lên vùng đất xứ khe bưởi khai hoang lập nghiệp, ban đầu chưa có vốn gia đình ông đã trồng các loịa cây công nghiệp ngăn ngày như đậu, lạc, vừng. Có chút vốn liếng gia đình ông đầu tư trồng keo tràm, đào ao thả cá, nuôi gà thả vườn. Nhờ cần cù chịu khó, đất đã không phụ lóng người, đến nay, trang trại của ông Niên đã có 8 ha keo tràm, trầm gió xanh tốt, 60 gốc cam bưởi, 40con bò và hàng trăm con gà thả vườn. Thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. ông Trần Đăng Niên là một điển hình về phát triển kinh tế theo hướng đa cây đa con. Học tập ông, đến nay nhiều hộ dân ở xã Kỳ Đồng đã vươn lên làm ăn khá giả từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Tuy nhiên, các mô hình phát triển kinh tế, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ở đây phần lớn còn mang tính tự phát, qui mô nhỏ lẻ không mang tính liên doanh liên kết và không đảm bảo tỉnh lâu dài bền vững. Để nhân rộng các mô hình trên diện rộng và mang tính bền vững thì địa phương cần có sự liên kết để tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm mang tính bền vững. Với tiềm năng lợi thế sẵn có về đất đai, nguồn lao động dồi dào, sự chỉ đạo sát đúng của cấp uỷ chính quyền địa phương. sự đồng thuận của người dân. Tin rằng, trong thời gian tới Kỳ Đồng sẽ xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu cho thu nhập cao góp phần thực hiện thắng lợi vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Mai Dung- Quỳnh Nga- Thuý Nga

Kỳ Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP