Vùng đất chịu nhiều tiếng “oan” mà chúng tôi nhắc đến là xã Hậu Lộc (xã Ích Hậu bây giờ), huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng đất trù phú với nhiều đổi thay từng ngày. Thế nhưng hàng chục năm qua người dân ở xã này vẫn chịu nhiều tiếng xấu như “làng ăn xin”, tay bị tay gậy…
“Ăn xin” đã đi vào dĩ vãng…
Cách đây hàng chục năm về trước do hệ thống thủy lợi chưa phát triển, nước ở các con sông lên xuống thất thường làm cho việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ cấy được một vụ mùa. Người dân xã này quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thế những vẫn không đủ ăn, cuộc sống túng quẫn nhiều người tìm đến nghề tha hương hành khất để “ăn xin”.
Tìm gặp cụ ông Nguyễn Văn Nhoãn (85 tuổi) trú thôn Ích Mỹ cụ cho biết: “Vào năm 1978 do cuộc sống khổ cực và đói kém, gần như cả làng này đi ăn xin, chỉ còn lại vài hộ là không đi, nhà tui cũng đi ăn xin các chú à, tui đi ra tận các tỉnh phía Bắc vào các ngôi chùa để ăn xin. Vào những năm đấy công việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, các chú coi chứ khi bắc (gieo giống lúa- PV) 40 tạ lúa nhưng khi thu hoạch được có 15 tạ, thế thì bảo sống sao được. Sản xuất nông nghiệp trước đây chỉ dựa vào thiên nhiên, năm nào mưa nắng đúng vụ thì có ăn, năm nào mưa gió thất thường thì đói kém, đến củ khoai không có ăn chứ nói gì đến gạo”. Cụ Nhoãn nói rồi đưa ánh mắt đượm buồn nhìn ra phía xa.
“Giờ nhìn xóm làng đổi thay, chúng tôi vui mừng lắm. Nhưng ngặt một nỗi xã chúng tôi vẫn còn mang tiếng là “Làng ăn xin”, mỗi khi ai đó nhắc đến chúng tôi buồn lắm” cụ Nhoãn nói thêm.
Tâm sự với chúng tôi ông Trần Quốc Thủy trưởng thôn Lương Trung xã Hậu Lộc nói: “Trước đây do hạn hán và lũ lụt một số người bỏ nhà đi ăn xin, một thời gian họ quay trở về làng đưa theo anh em họ hàng đi tiếp, những người khác thấy vậy cũng kéo nhau theo. Thế nhưng nói cả làng đi ăn không đúng đâu, có những người ở các xã khác như Tùng Lộc (Can Lộc) họ cũng đi ăn xin, khi được hỏi về quê quán thì họ bảo là quê Hậu Lộc (Xã Ích Hậu bây giờ). Hàng chục năm trở lại đây nạn ăn xin đã được chấm dứt hoàn toàn rồi, giờ người dân ở đây ăn nên làm ra, các nhà tầng mọc lên như nấm, phương tiện đi lại cũng vào hạng sang rồi”.
Làng Hậu ngày ấy và bây giờ…
Nhờ được sự quan tâm nhà nước vào đầu năm 2000 hệ thống thủy lợi nơi đây được phát triển, việc sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng hơn, trước đây một năm được một vụ mùa, thì sau khi hệ thống thủy lợi phát triển diện tích đất trồng trọt được mở rộng gấp nhiều lần. Một năm người dân nơi đây sản xuất 2 đến 3 vụ mùa cuộc sống người dân như “thay da đổi thịt” từng ngày.
Con đường lớn dẫn vào các thôn thuộc xã Hậu Lộc đã được rải nhựa, dọc 2 bên đường những ngôi nhà tầng mọc san sát nhau, quán hàng mỗi ngày mọc nhiều hơn, cuộc sống người dân làng Hậu như đang bước sang trang mới.
Chia sẻ với chúng tôi anh Nguyễn Quốc Chung trú thôn Lương Trung cho biết: “Gần chục năm trở lại đây, cuộc sống người dân xã Hậu Lộc đổi thay hoàn toàn, có được như thế là nhờ vào việc xuất khẩu lao động sang các nước như Thái Lan, Lào…đấy các chú à”.
Đã qua rồi cái thời vì cái đói mà phải tha phương cầu thực, nhưng bao nhiêu năm qua, người đời vẫn không thể quên cái tên “làng ăn xin” để nói về người dân xã Hậu Lộc. Trẻ em ở xã này đi học đều bị trêu chọc là “dân ăn xin” hay “Hậu đùm”… Người dân Hậu Lộc đi làm ăn xa thì bị coi người “làng cái bang”. Những lời đồn thổi về “làng ăn xin”, những câu chuyện được thêu dệt vẫn không được dập tắt mà ngày một được nối dài thêm.
Khi được hỏi về người dân nơi khác nói người dân mình là ‘làng ăn xin” hay “Hậu đùm” thì em nghĩ thế nào, em Trần Thị Hoài (SN 1997) trú tại xã Hậu Lộc cho biết: “ Em thường thấy mọi người hay gọi người dân quê em là Hậu đùm, em không biết họ nói thế theo nghĩa nào. Nhưng với em thì “Hậu đùm” có nghĩa là đùm bọc lẫn nhau trong lúc hoạn nạn. Với thế hệ trẻ như chúng em, thì mong muốn lớn nhất là được học hành đến nơi đến chốn để sau này quay trở về xây dựng, làm rạng danh quê hương, để không còn những tiếng xấu kia nữa”.
Trải lòng với chúng tôi ông Hồ Thế Báu – Phó chủ tịch xã Hậu Lộc nói: “Việc xã mang tiếng xấu là “làng ăn xin” cũng do hàng chục năm trước đây cuộc sống người dân trong xã nghèo đói cùng cực, đất chẳng thương người, thiên tai mất mùa. Không còn cách nào để sống, họ đành phải hành khất tứ xứ ăn xin, cũng có nhiều người ở xã khác đi ăn xin, nhưng khi ai đó hỏi quê ở đâu thì họ tiện đường bảo rằng quê ở xã Hậu Lộc. Vậy là từ đó người ta cứ nghĩ rằng người Hậu Lộc chỉ là xã ăn xin”.
Năm 2014, xã Hậu Lộc có 2.000 hộ và trên 8.000 nhân khẩu với mức thu nhập bình quân 28 triệu đồng/ người/ năm. Nghề nghiệp chính của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu lao động. Đặc biệt trong phong trào thực hiện chủ trương nông thôn mới. Xã đã gần cán đích 19 tiêu chí, cuộc sống người dân ngày càng cải thiện rõ rệt, trong xã chẳng còn ai hành khất ăn xin nữa, nên cái tên “làng ăn xin” bây giờ là nỗi oan cho những con người nơi mảnh đất quê hương này.
Anh Tấn – Tiến Hiệp / Dân Trí