Trước thông tin việc xây dựng cầu treo Khe Tây (Hà Tĩnh) chỉ phục vụ 2 hộ dân trong đó có nhà chủ tịch xã, Tổng cục Đường bộ vừa “lên tiếng” khẳng định, việc xây cầu treo trên là phù hợp và cần thiết.
hatinh24h hatinh24h 01

Trước sự việc trên, Tổng cục Đường bộ vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về việc đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh giai đoạn 1.

Theo báo cáo, cầu treo Khe Tây và cầu Gãy nằm trong phạm vi ngã ba các dòng suối. Cầu Gãy bắc qua suối Khe Trôi, cầu treo Khe Tây bắc qua suối Khe Trươi, là hợp lưu của 2 dòng suối Khe Trôi và suối Khe Tiên. Tính theo đường thẳng 2 cây cầu này cách nhau khoảng 250m, nằm trên 2 nhánh suối và phục vụ đi lại cho người dân ở 2 vùng khác nhau.

Cầu Gãy nằm trên tuyến đường đi vào xã Hưng Điền, còn cầu treo Khe Tây phục vụ dân cư vùng Khe Bùn – Eo Nâm thuộc thôn 6, nằm trên sườn núi Khe Tây, xã Sơn Thọ.

Cầu treo Khe Tây. (Ảnh: VnExpress)

Theo Tổng cục Đường bộ, nếu đi qua cầu Gãy để vào vùng dân cư Khe Bùn – Eo Nâm thuộc thôn 6, người dân phải lội bộ qua dòng suối Khe Tiên, điều này chỉ thực hiện được trong mùa khô, còn về mùa mưa lũ khi nước suối dâng cao và chảy xiết không thể qua lại, dân cư khu vực này bị cô lập hoàn toàn bởi suối Khe Tiên và Khe Trươi.

“Việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây để phục vụ trước mắt cho 26 hộ dân sinh sống và 16 hộ có đất sản xuất nông nghiệp của vùng dân cư Khe Bùn – Eo Nâm thuộc thôn 6, xã Sơn Thọ là cần thiết và phù hợp với tiêu chí của đề án”, Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Theo Tổng cục Đường bộ, hiện tại việc kết nối cho 26 hộ dân sinh sống vùng dân cư Khe Bùn – Eo Nâm thuộc thôn 6, xã Sơn Thọ qua cầu treo Khe Tây, ngoài 5 hộ có vị trí gần cầu (2 hộ cách cầu khoảng 50m và 3 hộ cách cầu khoảng 300m) đã có đường đất rộng 2m, còn 21 hộ còn lại phía trong đi theo đường mòn.

“Việc quy hoạch tuyến đường để kết nối vùng này qua cầu treo Khe Tây (tuyến từ thôn 6 ra trung tâm xã Sơn Thọ) đến nay đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt với tổng mức đầu tư là 6,1 tỷ đồng. Tổng cục Đường bộ đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm bố trí vốn để triên khai xây dựng đảm bảo hiệu quà khai thác cầu treo Khe Tây”, Tổng cục Đường bộ cho biết.

Theo đơn vị này, việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây được thực hiện theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các tư vấn thiết kế phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, điều tra tại vị trí dự kiến xây dựng cầu.

Căn cứ hồ sơ khảo sát thiết kế của đơn vị tư vấn thiết kế, tờ trình của Ban Quản lý dự án 3, Tổng cục Đường bộ đã chấp thuận hồ sơ thiết kế. Đến nay, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã có các văn bản khẳng định về sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây.

Cầu treo dân sinh Khe Tây được khởi công vào tháng 1/2015, hoàn thành vào tháng 6 với kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, do UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) là chủ đầu tư. Cầu nằm trong đề án xây hơn 4.000 cầu treo dân sinh trên toàn quốc.

Cầu dài khoảng 200 m, rộng 1,9 m, tải trọng 0,5 tấn, bắc qua Khe Trươi chảy qua xóm 6, xã Sơn Thọ. Thiết kế toàn bộ cầu là sắt thép được neo bằng dây văng.

Mục đích khi xây cầu treo Khe Tây là để 26 hộ dân thuộc xóm 6 xã Sơn Thọ lưu thông qua các xóm 1, 2, 3, 4 và đi sang các huyện lân cận như Hương Sơn, Đức Thọ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số tờ báo, trên thực tế, điểm đặt cầu từ ngoài đường liên thôn thuộc xóm 5 (xã Sơn Thọ) vào bên trong khu vực thuộc xóm 6 chỉ có hai hộ dân sinh sống. Còn 24 hộ dân bên kia suối lại không chọn con đường này. Họ đã quen đi lại qua cầu Gãy, nằm song song và cách cầu Khe Tây khoảng 500 m.

Tuấn Minh/ Infonet.vn