Chiếc cầu treo bắc qua khe Tây nối thẳng vào nhà Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ.
Theo phản ánh của người dân, chiếc cầu này (ảnh) là 1 trong số 188 cầu dân sinh do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 1/2015, hoàn thành vào tháng 6/2015, do Công ty CP Xây dựng 343 thi công, chưa phê duyệt dự toán, mới duyệt thiết kế bản vẽ cầu treo.
Điều đáng nói, cách cây cầu mới này khoảng 200m, một cây câu lớn được xây dựng trước đó vẫn phục vụ bà con đi lại bấy lâu nay, trong khi chiếc cầu mới chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại của hai hộ dân, trong đó có hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Hội, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ.
“Chiếc cầu này vừa được khởi công xây dựng vào đầu năm nay. Chúng tôi cũng không biết vì sao cây cầu này lại được xây dựng ở đây khi nó chỉ phục vụ vài ba hộ dân đi lại, bởi lâu nay, cầu Gãy (cầu cũ, cách cầu mới 200m – PV) vẫn đảm bảo cho việc đi lại của bà con. Chắc cầu xây vào lối nhà ông Chủ tịch xã nên được ưu tiên?!”, một người dân nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hội – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ quả quyết, chiếc cầu trên sau khi hoàn thành sẽ dẫn vào khu phát triển kinh tế của địa phương, phục vụ nhu cầu đi lại cho khoảng 40 – 50 hộ gia đình với 220 nhân khẩu. Ông Hội nói, xã chỉ là đơn vị hưởng lợi nên mọi kinh phí cũng như quá trình thực hiện xã không nắm được.
Ông Nguyễn Quý Trung, cán bộ kỹ thuật thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, người trực tiếp phụ trách quản lý dự án cho biết: Đây là cầu treo dân sinh phục vụ dân sinh do Bộ Giao thông vân tải phê duyệt. Hà Tĩnh lập đề án đề xuất xây dựng 5 cây cầu, nhưng 4 cái được phê duyệt, chiếc cầu ở Sơn Thọ là 1 trong số 4 chiếc cầu đó.
Về vị trí xây dựng cầu, ông Trung cho rằng, việc xây dựng một cây cầu cạnh một cây cầu đã có sẵn thì xã đã có tính toán quy hoạch nhằm xây dựng khu kinh tế ở đó và “có thể chiếc cầu này phục vụ bà con vào mùa lũ, khi chiếc cầu cũ có thể bị ngập”.
Những lý giải về mục đích và vị trí xây dựng cây cầu của cơ quan chức năng vẫn chưa làm thỏa mãn sự thắc mắc của người dân, bởi hiện tại chưa có khu kinh tế nào được phê duyệt để cây cầu này phục vụ như lời vị Chủ tịch xã giải thích hay cũng do địa hình thực tế, nếu mùa lũ xảy ra, hai cây cầu vẫn ngập nước, cũng không thể có cầu nào giúp được người dân qua lại như lời vị cán bộ kỹ thuật nói… Nghi vấn về vị trí xây dựng cầu chỉ phục vụ riêng cho một vài hộ gia đình, trong đó là gia đình ông Chủ tịch UBND xã là một vấn đề mà người dân Sơn Thọ đang mong muốn cơ quan chức năng Hà Tĩnh sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
400 tỷ đồng xây dựng cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh:
Chính phủ vừa ứng 400 tỷ đồng ngân sách trung ương cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng 188 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2014-2015.
Trước đó, Thủ tướng đã chấp thuận với đề án xây dựng cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở khảo sát thực tế và thống nhất với các bộ, ngành, địa phương. Theo đề án phê duyệt, nhà nước sẽ xây dựng trước 186 cầu dân sinh để đáp ứng yêu cầu cấp bách, đảm bảo an toàn giao thông ở vùng thuộc 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Còn theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay số lượng cầu treo triển khai là 188 (186 cầu trong danh sách và bổ sung 2 cầu Nam Công, tỉnh Hà Nam và cầu Thà Tò, tỉnh Lạng Sơn). Dự kiến, năm 2014 sẽ hoàn thành 86 cầu, 102 cầu còn lại sẽ hoàn tất trước tháng 7/2015.
Theo Diễm Phước – Trí Thức/ Đời sống & Tiêu dùng