Em Mến là con của anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Thanh. Năm nay, Mến đang học lớp 3, Trường Tiểu học Hương Thọ. Mến được phát hiện bệnh khi mới lên 5 tuổi. Lúc đó, Mến đã có những dấu hiệu khác thường nên mọi người trong gia đình hết sức lo lắng. Đưa em vào bệnh viện T.Ư Huế thì mọi người tá hóa khi các bác sỹ cho biết em đã dậy thì.
Chị Thanh cho biết, gia đình chị sinh được 3 người con. Mến là con gái út. Khi Mến sinh ra chỉ nặng chưa đầy 1 kg, đến 4 tuổi em mới tập tểnh biết đi. Lúc lên 5 tuổi, mặc dù cơ thể còn non yếu so với các bạn cùng trang lứa nhưng được sự động viên của mọi người, gia đình cũng cho em đi học mẫu giáo.
Sau đó, em phát triển một cách nhanh chóng và có nhiều biểu hiện khác lạ. “Lúc đó mới đi mẫu giáo được một thời gian mà cháu phát triển quá nhanh. Cơ thể phát triển đầy đặn, da mịn, thỉnh thoảng xuất hiện khí hư. Tui lo lắm, đi hỏi những gia đình có con gái thì mọi người khuyên nên đưa đi bệnh viên để kiểm tra. Nhà nghèo, vay mượn mãi mới được 5 triệu để đưa cháu vào Bệnh viện T.Ư Huế khám. Các bác sỹ cho biết, cháu bị bệnh dậy thì sớm. Khi đó nhà tui mới hốt hoảng. Các bác sỹ khuyên để cháu ở lại bệnh viện để chưa trị nhưng nhà nghèo lấy đâu ra tiền. Các bác sỹ nói giờ phương pháp điều trị là tiêm thuốc để hạn chế sự tăng tiết các hooc-môn tuyến sinh dục. Nhưng mỗi mũi tiêm giá 2,4 triệu đồng/mũi tiêm và tiêm trong vòng 4 năm thì lấy đâu ra tiền hả chú”” chị Thanh cho biết.
Từ khi biết mình có những biểu hiện khác trong người, Mến trở nên trầm tư, sống khép kín, ít nói cười với bạn bè. Năm nay, em đã 8 tuổi và hơn 2 năm nay em đã phải sống cuộc sống như của một thiếu nữ. Tuy đã được mẹ hướng dẫn nhưng em vẫn lúng túng trong việc vệ sinh thân thể.
Chị Trần Thị Hương, một người hàng xóm của chị Thanh sửng sốt: “Trước tui có từng nghe đến chuyện dậy thì sớm, nhưng mà 6 tuổi đã dậy thì thì lần đầu tiên. Tội thân con bé, đang tuổi ăn, tuổi chơi mà giờ phải học cách sống của một thiếu nữ khi còn quá nhỏ”.
Cô Đường Thị Xuân Thu – Giáo viên chủ nhiệm của em Mến cho biết: “Trước đây, em Mến học tương đối tốt. Khi biết mình có những thay đổi trong người em trở nên trầm lặng hơn, ngại tiếp xúc với các bạn. Nhà trường, thầy cô đều hết sức quan tâm, giúp đỡ, động viên em”.
Gia đình chị Thanh có 3 người con. Đứa lớn nhất hiện nay mới học lớp 7. Là một trong những hộ nghèo nhất của xã Hương Thọ. Chị Thanh thì bị khớp mấy năm nay, anh Tuấn lại không biết chữ nên cuộc sống càng thêm cơ cực, bế tắc. Dù biết đứa con gái bé bỏng đang chịu nhiều thiệt thòi, nếu chữa trị thì vẫn có thể chữa khỏi cho em nhưng cả gia đình đều bất lực vì không có tiền. Giờ đây, cả 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào những chuyến đi rừng lấy măng, những buổi đi làm thuê của anh Tuấn. Ngày khá cũng chỉ kiểm được dăm ba chục, chỉ đủ để lo cho các con ngày 2 bữa cơm, lấy đâu ra hàng chục triệu để chữa bệnh cho con.
Cuộc sống của em giờ đây là những chuỗi ngày sống trong sự mặc cảm, tự ti. Giờ đây mỗi lần nhìn con đứng xép nép trong nhà nhìn những đứa bé hàng xóm nô đùa ngoài sân là chị Thanh như bị dao cứa trong lòng.
Hơn bao giờ hết, em Mến đang rất cần sự chia sẽ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bạn đọc trên toàn quốc để em được sống cuộc sống của 1 đứa trẻ bình thường.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 995: Chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 2, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Dân Trí