Vụ “kiện đất” mà TAND huyện Phước Long đưa ra xét xử năm 2003 vẫn chưa có hồi kết có tình, có lý bởi đằng sau kết luận của Tòa án vẫn có những con người chịu hàm oan đau đớn! Liên quan đến “nỗi oan” kêu chẳng thấu trời của bà Lê Thị Ái (trú tại khu 5, thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước giữa năm 2000 vẫn khiến dư luận vừa thương vừa giận. Thương cho nỗi oan của bà Ái và giận cho những điều khoản tôn nghiêm của pháp luật bị lấy làm coi nhẹ, giận những người thi hành pháp luật tỏ ra “vội vàng”, quá trình thụ lý, xét xử còn nhiều vấn đề thiếu minh bạch mà vẫn cho kết luận.
Hơn 10 năm qua bà Ái đã cầm lá đơn gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm lại công lý cho chính mình
Giữa năm 2000 bà Lê Thị Ái mua của ông Nguyễn Hoàng Hải một mảnh đất tại xã Đức Hạnh với diện tích 101.501m2, đất này có giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) do ông Trương Duy Điểu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cấp cho ông Hải ngày 10/2/1997.
GCNQSDĐ của ông Hải do UBND huyện Phước Long cấp
Ngày 23/6/2000 ông Nguyễn Hoàng Hải sang nhượng đất cho bà Lê Thị Ái có lập hợp đồng theo mẫu quy định của nhà nước và có sự xác nhận của UBND xã Đức Hạnh, Phòng địa chính huyện Phước Long xác nhận vào 28/6/2000, ngày 5/7/2000 UBND Phước Long xác nhận GCNQSDĐ nói trên.
Ngày 17/8/2000 bà Ái được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ diện tích trên. Việc mua bán được tiến hành theo thỏa thuận hai bên, đúng quy định pháp luật.
UBND huyện Phước Long ký giấy chứng minh QSDĐ cho bà Lê Thị Ái
Trớ trêu thay, hơn 2 năm sau 8/2002 bà Ái “bỗng” bị bà Phí Thị Thanh (trú cùng thôn) kiện ra tòa đòi trả lại vườn với lý do hết sức trời ơi: Diện tích ông Nguyễn Hoàng Hải sang nhượng cho bà Ái do ông này “tự ý kê khai xin cấp giấy CNQSDĐ”, diện tích này nằm trong phần đất thuộc sở hữu mà vợ chồng bà đã canh tác trước đó.
Ngày 4/11/2002 UBND huyện Phước Long ra Quyết định số 6868/QĐ-UB thu hồi GCNQSDĐ của bà Ái với lý do: “Một phần diện tích đất 39883m2 được cấp trong GCN quyền sử dụng nói trên là do ông Nguyễn Hoàng Hải tự kê khai gian dối để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ông Hải tự ý chuyển nhượng diện tích này cho bà Ái”.
Quyết định số 6868/QĐ-UB ngày 4/11/2002 về việc thu hồi GCNQSDĐ của bà Ái
Một bản án mà ở đó trong hơn 15 năm “Bị cáo” vẫn phải cầm lá đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng tìm công lý cho bản thân, một vụ án mà ở đó còn rất nhiều vấn đề khuất tất cần làm minh bạch.
Thực hiện mua đất đúng quy định pháp luật, nắm giấy CNQSDĐ trong tay nhưng bà Ái đành phải ngậm ngùi nhận phần thua trong phiên tòa do TAND huyện Phước Long thụ lý, xét xử. Trong bản án số 04/DSST ngày 18/7/2003 TAND huyện Phước Long đã buộc bà Ái phải giao trả cho bà Thanh 1824 cây cao su (927 cây trồng năm 1995, 14 cây năm 1997, 190 cây năm 1998) trên diện tích 32.796m2, 193 cây cao su (trong đó: 152 cây trồng năm 1996, 41 cây năm 1997) trên diện tích 7.078m2 – Tổng cộng 2017 cây trên diện tích 39.874m2. Đồng thời bà Ái phải nộp án phí 5.422.000 đồng.
Thứ nhất, khi Tòa vừa ra quyết định thụ lý vụ án UBND huyện liền ra quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ của bà Ái, đồng thời Tòa án huyện Phước Long vội vàng ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để kê biên và cấm chuyển dịch, cấm khai thác mủ cao su đối với diện tích mà bà Ái đã bỏ mồ hôi nước mắt chăm bón lâu nay. Nghịch lý là trong lúc vụ việc đang trong quá trình tranh chấp thì Tòa án đã “tạm giao quyền sử dụng đất cho bà Thanh”, và sau đó bà Thanh được quyền khai thác trên diện tích mà bà Ái canh tác đúng pháp luật! Điều này có hợp lý? Trong quá trình thụ lý vụ án, UBND huyện Phước Long đã ra Quyết định thu hồi GCNQSDĐ của bà Lê Thị Ái vì vậy thẩm quyền giải quyết vụ việc này không còn thuộc thẩm quyền của TAND huyện Phước Long, chính vì vậy việc Tòa án huyện này đưa vụ án ra xét xử là không đúng thẩm quyền, vụ án được đưa ra xét xử như vậy cũng không đúng trình tự thủ tục.
Thứ hai, đối tượng xét xử của vụ án rất có vấn đề, bà Ái thực hiện giao dịch mua đất của ông Hải theo đúng quy định của pháp luật, thời điểm mua được chính quyền xã, huyện cấp giấy CNQSDĐ, như vậy mọi hoạt động của bà Ái hoàn toàn ngay thẳng, đúng pháp luật. Lẽ ra khi nhận được đơn khiếu nại của bà Phi Thị Thanh Tòa án phải hướng dẫn bà Thanh khởi kiện ông Hải – về tội “chiếm đoạt tài sản” song không hiểu vì lý do gì TAND huyện Phước Long lại nhanh chóng thụ lý, đưa một người dân làm đúng pháp lý ra tòa?
Kết luận của thanh tra tỉnh Bình Phước
Tại Báo cáo kết quả xác minh đơn khiếu nại của bà Lê Thị Ái của Thanh tra tỉnh Bình Phước nói rõ: “Việc UBND huyện Phước Long cho rằng ông Nguyễn Hoàng Hải tự kê khai gian dối để được cấp GCNQSDĐ là không chính xác và không có cơ sở”, quá trình sang nhượng đất giữa ông Nguyễn Hoàng Hải và bà Lê Thị Ái có lập hợp đồng theo mẫu quy định của nhà nước và có sự xác nhận của UBND xã Đức Hạnh ngày 23/6/2000, xác nhận của Phòng địa chính huyện Phước Long ngày 28/6/2000, xác nhận của UBND huyện Phước Long ngày 5/7/2000 và ngày 17/8/2000 bà Ái đã được UBND huyện Phước Long giao và cấp GCNQSDĐ. Do đó việc UBND huyện Phước Long cho rằng ông Hải tự ý chuyển nhượng diện tích đất cho bà Lê Thị Ái là không có căn cứ”.
Cơ quan Thanh tra tỉnh Bình Phước cho rằng có nhiều điểm trong vụ kiện UBND huyện thực hiện thiếu căn cứ
Đặc biệt, kết luận vụ án dân sự giữa bà Ái và bà Thanh mà Tòa án ND huyện Phước Long đưa ra hoàn toàn thiếu căn cứ pháp lý. Không dựa vào hồ sơ, những chứng cứ pháp lý như Giấy CNQSDĐ của bà Ái cũng như ông Hải mà chỉ căn cứ vào lời khai của các nhân chứng. Như vậy, người có giấy tờ sang nhượng, có GCNQSDĐ thì tòa nhận định không có cơ sở pháp lý còn người không có giấy tờ gì thì tòa lại cho rằng có chứng cứ!
Liên quan đến vụ kiện ngày 5/8/2006 HĐND tỉnh Bình Phước có văn bản kiến nghị lên Ủy ban pháp luật Quốc hội, TAND tối cao, VKSND tối cao đề nghị xét lại nội dung và trình tự thủ tục của bản án, kiến nghị xem xét, giải quyết vụ việc theo trình tự giám đốc thẩm.
Đề nghị của HĐND tỉnh Bình Phước đối với vụ kiện còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ
Tuy nhiên, phướt lờ đề nghị của Thanh tra tỉnh, HĐND tỉnh TAND huyện Phước Long vẫn tiến hành xét xử và tuyên án dựa trên những căn cứ mà các cơ quan Thanh tra, HĐND tỉnh cho rằng “thiếu căn cứ” và bà Ái – một công dân làm ăn chân chính, đúng pháp luật lại bị đưa ra tòa xét xử! Không chỉ mất đất, mất đi quyền lợi kinh tế mà quan trọng nhất là bà Ái – một người dân chân chính lại phải đối diện trước tòa như một công dân vi phạm pháp luật.
Xung quanh vụ án “kiện đòi đất” còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ, trước hết theo UBND huyện việc ông Hải tự ý nhượng diện tích đất cho bà Lê Thị Ái là không có căn cứ” vậy cái sai ở đây thuộc trách nhiệm của đạo địa phương lúc bấy giờ – những người đặt bút ký quyết định cấp GCNQSDĐ cho bà Ái và ông Hải, những cán bộ này phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật chứ không phải bà Ái và ông Hải. Thứ hai, việc kiện đất – trả cây, quyết định thu hồi GCNQSDĐ, những căn cứ để Tòa án kết luận vụ án còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ kính đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc, lật lại vụ kiện, trả lại công bằng cho người dân, trả lại sự tôn nghiêm của pháp luật.
Hải Đăng – Thiên Phú/VTOTO