Thạch Hà

Vụ 4 công an bị đánh: Đừng để thành vụ Đoàn Văn Vươn thứ 2

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Khi vụ việc đang nóng như vậy mà chính quyền lại giải quyết bằng những biện pháp nóng, bằng vũ lực như thế thì đúng là đổ dầu vào lửa”.

Theo GS Thuyết, vụ việc ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (đỉnh điểm là công an bị đánh, tài sản cán bộ bị phá) có 2 điểm giống vụ ông Đoàn Văn Vươn nhưng có 1 điểm khác, đó là sự phản kháng của một tập thể đông người.
Một người dân xã Bắc Sơn chỉ cho PV xem vết thương ở chân

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII chia sẻ với PV báo điện tử Infonet xung quanh vụ việc 4 công an bị đánh xảy ra ở Hà Tĩnh vừa qua.

Đề cập đến xung đột căng thẳng giữa người dân và chính quyền tại thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), GS Nguyễn Minh Thuyết cho đây là vụ việc rất đáng buồn, đồng thời có thể nói đó là vụ Đoàn Văn Vươn thứ 2.

Theo GS Thuyết, vụ việc này có 2 điểm giống vụ ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng): Một là, người dân đã khai hoang những vùng đất này từ khá lâu. Hai là người dân đã lên tiếng nhiều lần rồi nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn. Thậm chí, chính quyền xã cũng đã phản ánh, nhưng chính quyền cấp trên vẫn áp đặt dự án, làm cho người dân bức xúc.

Một dự án xây dựng nghĩa trang, công viên vĩnh hằng (Bắc Sơn), thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà đang thai nghén, chưa hình hài một viên gạch, nhưng đã có người đổ máu, dân bức xúc mất đất, kéo nhau vây đánh, phá nhà cửa, tài sản của cán bộ, khiến vùng quê tưởng chừng người dân chân đất, hiền hòa, bỗng chốc trở nên náo loạn… 

Tuy vậy, vụ ở Thạch Hà có 1 điểm khác vụ Tiên Lãng: Sự phản kháng của ông Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng chỉ là của một gia đình nông dân. Còn sự phản kháng ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà là của một tập thể đông người.

“Giả sử có chuyện ai đó ném đá vào nhà cán bộ thì trước hết phải gặp người ta nhắc nhở đã, chứ không nên vội bắt người. Khi vụ việc đang nóng như vậy mà chính quyền lại giải quyết bằng những biện pháp nóng, bằng vũ lực như thế thì đúng là đổ dầu vào lửa” – GS Thuyết nhìn nhận.

Đề cập đến chủ trương triển khai thực hiện, GS Thuyết cho rằng, dự án nghĩa trang Vĩnh hằng Bắc Sơn phục vụ lợi ích công cộng, theo quy định của Luật Đất đai thì chính quyền có quyền thu hồi đất.

Tuy nhiên, những dự án động chạm đến quyền lợi cơ bản của người dân như thế này trước hết phải đúng quy hoạch và phải lấy ý kiến người dân.

GS Thuyết cho rằng, tới đây phải tìm cách “tháo ngòi nổ” cho vụ việc vốn dĩ đang trở nên hết sức căng thẳng hiện nay.

Xe máy của cán bộ bị đốt
Tài sản của cán bộ bị phá…

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình với quan điểm, để xảy ra sự việc này, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh phải quan tâm, vào cuộc.

Qua ý kiến trao đổi của những người có trách nhiệm ở huyện Thạch Hà cũng như xã Bắc Sơn thì dường như họ phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định đã được ban hành của UBND tỉnh. Trường hợp Trưởng Công an xã xin từ chức rất đáng để cấp trên của ông ấy suy nghĩ.

Theo GS Thuyết, ông Trưởng Công an xã phải xin từ chức vì vụ việc đã trở nên quá căng thẳng. Ông ấy phải chịu sức ép từ cấp trên và từ những người cùng thôn xã “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thậm chí, an ninh của gia đình ông ấy cũng không được đảm bảo.

Nói cách khác, trường hợp này chính quyền cấp trên đã làm khó cho anh em chính quyền cấp xã.

“Tỉnh phải có người đứng ra giải quyết, tổ chức đối thoại với người dân để tháo gỡ tình hình. Cấp tỉnh phải xuống tận nơi, xem vấn đề khúc mắc nằm ở chỗ nào để tìm cách tháo gỡ. Chứ cứ ngồi ở trên mà chỉ đạo xuống  sẽ không thể giải quyết được vấn đề một cách êm thấm” – GS Thuyết nói.

Để giải quyết những việc có liên quan đến dân, theo GS Thuyết thì phải có quan điểm thật dân chủ. Nếu như dân chưa tin tưởng thì phải đến tận nơi vận động. Nếu quyền lợi của dân chưa được đảm bảo (ví dụ giá đền bù đất thấp, nghĩa trang ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân) thì cần nghiên cứu để có cách giải quyết thỏa đáng.

“Nếu có giải pháp thỏa đáng, tôi nghĩ người dân cũng sẽ chấp hành thôi. Còn nếu cậy có lực lượng trong tay mà áp đặt cho dân thì đó không phải là phương pháp của chính quyền do dân, của dân, vì dân.”

“Đã lâu rồi, tôi thấy mối quan hệ giữa người dân với chính quyền ở nhiều nơi không được suôn sẻ. Khi tôi tra trên mạng cụm từ dân đánh công an, lập tức hiện lên hàng loạt thông tin. Nhưng nói thực là thông tin công an đánh dân lại nhiều hơn.

Như trường hợp ở Phú Yên, nửa đêm, công an đến bắt người mà không có lệnh bắt nào hết, rồi tra tấn người ta đến chết, ra tòa, tòa xử nhẹ hều thì thật khó chấp nhận”.

GS Thuyết cho rằng, trong kỳ họp sắp tới các vị ĐBQH cần phải chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về việc này và những vụ việc tương tự.

Nguyễn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG