Thạch Hà

Vụ 4 công an bị dân đánh: Vì sao đặt Công viên nghĩa trang ở xã Bắc Sơn?

“Mỗi lần giải thích cho dân thì đều bị dân phản đối kịch liệt. Chắc quá trình tuyên truyền chưa rõ cho dân, hoặc dân hiểu sai vấn đề”, ông Nguyễn Thế Nam, Phó giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Hà Tĩnh cho biết.

Chiều 15/4, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển, thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chiều mai UBND tỉnh sẽ phối hợp với các Sở, Ban, Ngành địa phương tổ chức họp báo, trả lời vấn đề quy hoạch, xây dựng nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng Bắc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Ông Nguyễn Thế Nam, Phó giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, giái thích, vì sao chọn địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà để xây dựng nghĩa trang chuẩn mẫu của TP. Hà Tĩnh. Ông nói, khi phát triển KT-XH-VH của một tỉnh thì phải có bãi rác, có nghĩa trang…

Ông Nam nói thêm, việc chọn xây dựng nghĩa trang mới phác thảo trên giấy tờ, còn thực thi cụ thể phải chờ quyết định của tỉnh. Quỹ đầu tư, chỉ có trách nhiệm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào dự án. Ban đầu, mới dừng lại trao đổi bằng miệng, còn văn bản pháp lí về chủ đầu tư chính là chưa có.

Bản đồ hiện trạng quy hoạch công viên Vĩnh Hằng Bắc Sơn

Khi PV hỏi về việc xây dựng nghĩa trang trên khu đất nông nghiệp thì ông Nam giải thích: Việc xây dựng nghĩa trang chuẩn TP là theo nghị quyết 12/2013 của HĐND tỉnh. Trong cuộc họp HĐND, một đại biểu TP đã đưa ra ý kiến: TP phải có một khu nghĩa trang để phục vụ chôn cất người chết.

“Khi dự án xây dựng nghĩa trang TP đưa ra, chúng tôi áp dụng tiêu chí xây dựng nghĩa trang chuẩn Việt Nam. Theo đó, nghĩa trang phải cách trung tâm TP 20km, hợp với phong thủy và địa thế. Khi đó, 7 địa điểm đã được lựa chọn, trong đó 3 địa điểm ưu tiên hàng đầu là: Khu vực đồi Hồ Kẻ Gỗ, đồi Ngã Ba Đồng Lộc và cánh đồng Cù Lao (Bắc Sơn). Tính toán khoảng cách địa lí phù hợp, cuối cùng chọn Cù Lao”, ông Nam nói.

Để giải thích thêm, ông Nam cho biết, “Cù Lao là địa thế cách trung tâm TP hơn 20km, đất hoang hóa nhiều, cách dân khu vực dân sinh đến 50km. Hơn nữa Bắc Sơn là xã chiếm đất nông nghiệp nhiều nhất huyện Thạch Hà, mà người dân huyện này có vị trí địa lý bao trùm toàn quanh TP. Còn diện tích đất nông nghiệp, dự án lấy là 13,5ha, trong đó đất sản xuất 2 vụ trên 8ha, còn lại là đất hoang hóa”.

Ông Nguyễn Thế Nam, Phó giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Hà Tĩnh đang trao đổi với báo chí.

Việc dân cho rằng, họ phải di dời phần mộ của ông, cha, người thân. Ông Nam giải thích: Khi triển khai dự án, chúng tôi đưa ra 3 phương án về việc có hay không di dời nghĩa trang nhân dân chỉ nhất trí khi có trên 50% ý kiến đồng tình. Thứ 1, 3 nghĩa trang sẽ giữ nguyên; thứ 2, quy tập 3 nghĩa trang thành một, thành khuôn viên mới; thứ 3, quy tập theo nghĩa trang mới thoe tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để xẩy ra vụ việc vào đêm 10/4, theo ông Nam là do một số người kích động nhân dân phản đối. Chứ bản thân quỹ đất đai có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết công viên Vĩnh Hằng, để làm căn cứ cho việc cắm mốc quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, mỗi lần giải thích cho dân thì đều bị dân phản đối kịch liệt. Chắc quá trình tuyên truyền chưa rõ cho dân, hoặc dân hiểu sai vấn đề.

Khi hỏi về dự án có tiếp tục triển khai không, ông Nam thẳng thắn, sẽ triển khai nếu có sự chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên hiện tại đang trong quá trình căng thẳng giữa dân và chính quyền, nên chúng tôi tạm ngừng một thời gian.
Còn ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, thuộc Sở TN&MT trao đổi đổi, nếu dự án được triển khai, đất nông nghiệp chỉ quy hoạch là trên dưới 8ha. Bản thân ông Thành cũng ý kiến, một TP buộc phải có nghĩa trang chuẩn mẫu và vị trí xã Bắc Sơn là phụ hợp nhất, cách trung tâm TP 20km và nằm trên vùng đất hoang hóa là chính, xa dân cư.

Trương Hoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP