Thay van động mạch chủ và van 2 lá
Thấy chúng tôi hỏi chị Võ Thị Thu Chi để tìm hiểu hoàn cảnh để giúp đỡ, người nhà lẫn bệnh nhân trong phòng ai cũng tỏ vẻ vui mừng. Anh Nam, người nhà của một bệnh nhân nói: "Anh (PV) xem có cách nào giúp đỡ cho cô ấy có tiền mổ đi. Mổ lần này nữa cho trọn vẹn cho khỏi dứt luôn. Nghèo thế mà mổ 3 lần thì làm gì còn tiền. Nghe bác sĩ nói chuẩn bị cả 100 triệu đồng, ông chồng khóc khóc mếu mếu đòi xin về. Mà giờ muốn về, tiền xe họ cũng không có để đi nữa. Vợ bệnh nặng thế về thì làm sao sống nổi”.
Chồng chỉ còn chiếc xe máy cũ nát trong khi vợ cần 120 triệu mổ tim. |
Chị Võ Thị Thu Chi (sinh năm 1982 ở thôn Tân Lợi 2, xã Ea Uy, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) bị bệnh tim kẹt van 2 lá và van động mạch chủ cơ học do huyết khối, suy tim độ II.
Năm 1999, chị mổ thay 2 van lần thứ nhất, đến năm 2015 chị phải mổ lại để sửa chữa, mọi chi phí tiền bạc đều phải vay mượn. Số tiền nợ nần trả bao nhiêu năm vẫn chưa dứt vì sức khỏe không cho phép chị làm được nhiều như trước.
|
Cách đây chừng nửa tháng, chị luôn cảm thấy mệt và khó thở, thậm chí nấu bữa cơm không xong. Chị đến BV kiểm tra sức khỏe thì bác sĩ yêu cầu nhập viện. Sau khi theo dõi, bác sĩ có chỉ định phẫu thuật thay hai van động mạch chủ và van 2 lá để cứu nguy tính mạng cho chị. Nếu để lâu tình trạng nặng thêm, dẫn tới suy tim và bệnh nhân có thể tử vong.
Tuy nhiên, anh Trần Đình Thỏa không còn cách nào để có tiền cho vợ phẫu thuật. Bởi trước đó, họ đã mượn một số tiền lớn hiện giờ vẫn chưa trả hết, vợ bệnh tật chồng đi chăm không ai dám cho vay mượn.
Tài sản lớn nhất là chiếc xe máy trị giá 1,5 triệu đồng
Chị Võ Thị Thu Chi nhập viện cả tuần nhưng vẫn chưa có tiền đóng tạm ứng viện phí. Anh Thỏa, chồng chị gọi điện về nhà nhờ vay mượn không được, anh nhờ bán chiếc xe duy nhất dùng để đi làm thuê. Anh chỉ mong bán được 1,5 triệu đồng, nhưng vẫn chưa có người mua.
Bao nhiêu năm nay vợ anh sức khỏe yếu, chỉ làm được những việc vặt và ở nhà nấu nướng, giặt giũ cho chồng con. Mọi chi phí trong nhà đều trông vào tiền công làm phụ hồ của anh Thỏa.
Anh Trần Đình Thỏa không biết làm cách nào cứu vợ đành xin về. |
Cuộc sống của gia đình anh luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau làm tới đâu ăn tới đó. Lần này chị Thu Chi đi viện anh ứng được của chủ thầu vài triệu, sau một tuần ở viện chỉ còn vẻn vẹn 132 ngàn đồng.
Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Thỏa bị ngắt quãng, bởi tiếng nấc nghẹn. Thỉnh thoảng, anh lại đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn từ trong khóe mắt, nói: “Tôi hết cách rồi mới phải xin bác sĩ cho vợ về. Ở đây thì không có tiền mổ, về nhà thì sợ… Mà tôi biết làm gì hơn bây giờ. Nhà tôi còn mẹ già, con nhỏ, một mình tôi làm hồ tiền công có được bao nhiêu, tiền làm không đủ còn ứng trước của người ta nữa. Bác sĩ nói ca mổ cần số tiền lớn quá. Tôi có mơ cũng không có đủ”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, người trực tiếp điều trị cho chị Võ Thị Thu Chi: “Bệnh nhân đã bị tắc van lần thứ hai, sau khi theo dõi, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật thay 2 van. Đây là ca phẫu thuật khó vì lần này là lần phẫu thuật thứ 3 rồi. Nếu không phẫu thuật thay van thì diễn tiến sẽ dẫn tới suy tim nặng hơn và có thể tử vong. Chi phí dự kiến khoảng 120 triệu đồng. Chúng tôi cũng kêu gọi giúp đỡ, nhưng cần sự chia sẻ rộng rãi để có tiền mổ sớm cho bệnh nhân”.
Gia đình anh Thỏa, chị Chi đang lâm vào cảnh khốn cùng, rất mong được các nhà hảo tâm giang tay giúp đỡ.
Mọi đóng góp có thể gửi về 1. Gửi trực tiếp: Bạn đọc có thể liên hệ Phòng công tác xã hội BV Chợ Rẫy để được hướng dẫn đóng tạm ứng viện phí cho chị Võ Thị Thu Chi hoặc gửi anh Trần Đình Thỏa, thôn Tân Lợi 2, xã Ea Uy huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk
|
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet