Chăm sóc sức khỏe

Vĩnh Lộc: Ám ảnh “thần chết” ở khu đồi thuốc độc

(Ảnh: Ông Phạm Đức Luân đang phải nằm ở nhà chờ chết)

Ám ảnh “thần chết” ở khu đồi thuốc độc

Nằm giữa thôn Chiến Thắng (xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), có một ngọn đồi mà từ lâu nó là nỗi ám ảnh đối với hàng trăm người dân sinh sống xung quanh. Năm nào cũng vậy, “tử thần” cũng ghé qua, “nhờ” căn bệnh ung thư đến và mang đi vài người.

Nhiều người phải chịu cảnh ly hương, số còn lại hoặc không có điều kiện ra đi hoặc buộc phải ở lại giữ làng, để rồi hàng ngày phải sống trong nỗi ám ảnh và sợ hãi…
Ám ảnh bệnh ung thư
Ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết: “Đã có hàng chục người dân tại thôn Chiến Thắng chết dần, chết mòn và số này ngày càng tăng lên”.
Nguyên nhân của việc này xuất phát từ ngọn đồi giữa thôn đã bị nhiễm chất độc DDT&666 từ hàng chục năm trước.
Các cao niên trong thôn cho biết khoảng những năm 1965, trên đồi này có một kho hóa chất có diện tích khoảng 20 m², bên trong chứa một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật mang tên DDT&666.

Bà Nguyễn Thị Mận bên di ảnh người chồng  

Một thời gian sau, do chiến tranh ác liệt nên Bệnh viện huyện Can Lộc được chuyển về ngọn đồi này, số thuốc được chôn tạm xuống đất.

Sau khi đất nước thống nhất, bệnh viện được di dời đi nơi khác, kho thuốc trên vẫn nằm lại giữa khu dân cư.
Thời gian trôi qua, số thuốc trừ sâu này thẩm thấu ra ngoài và phát tán dần ra không khí, ngấm xuống nguồn nước ngầm. Vào những ngày động trời, mùi thuốc thuốc bốc lên nồng nặc.
Một xét nghiệm trước đó cho thấy, hầu hết các giếng nước trong vùng đều bị ô nhiễm với hàm lượng hóa chất cao hơn nhiều lần so với tiểu chuẩn cho phép (đặc biệt là DDT vượt 202,5 lần).
Một số người dân cho biết nước giếng nhiễm độc nặng đến mức ai có chấy rận chỉ cần dùng nước là hết!
Theo ông Trần Xuân Bình, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Vĩnh Lộc, toàn thôn Chiến Thắng có 143 hộ/530 nhân khẩu. Từ năm 2000 đến nay, trong thôn đã có 23 người/20 hộ gia đình bị chết do bệnh ung thư. Riêng những người đang sống nhưng bị nhiễm bệnh thì vẫn chưa thể thống kê được do người dân không có điều kiện đi khám.
“Chỉ riêng trong năm nay, trong thôn đã có 3 người chết vì ung thư, con số này chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục có nguy cơ tăng”, ông Bình cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mận có chồng là ông Nguyễn Đình Quyền (62 tuổi) vừa mới qua đời vì bệnh ung thư nói: “Nhà tui ở gần kho thuốc, không những mùi thuốc nồng nặc bay vào quanh năm mà cái giếng nước cũng ô nhiễm. Ông ấy mất vì bệnh ung thư, tui đây cũng đang có triệu chứng. Con cái tui phải di tản đi nơi khác kiếm sống cả, không biết bị nhiễm bệnh không bởi từ nhỏ chúng đã sống ở đây”.
Nằm phía dưới dốc đồi, ông Phạm Đức Luân (56 tuổi) cũng đang bị căn bệnh ung thư thực quản hành hạ nhiều năm nay và đang chờ chết. Mặc dù mới được phát hiện hồi đầu năm nhưng bệnh ông Luân phát nhanh do thời gian ủ bệnh lâu.
Gia đình đã đưa ông ra tận Hà Nội cứu chữa nhưng cũng không khỏi. Kinh tế kiệt quệ nên người thân buộc phải đưa ông về nhà nằm chờ chết. Được biết, trước đó không lâu, cha của ông Luân cũng đã qua đời vì ung thư gan.
Trong số những người bị “thần chết” để mắt đến còn có bà  Phạm Thị Tâm bị ung thư vú đang điều trị ở nhà, bà Phạm Thị Đào đang đi chữa trị tại Hà Nội, bà Phạm Thị Mận bị ung thư dạ dày…

Thôn nghèo kêu cứu

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết: “Trước tình trạng kho thuốc DDT & 666 gây ô nhiễm nghiêm trọng, năm 2000, tỉnh đã đầu tư xây dựng hai hầm bê tông (thể tích gần 100 m³) để gom thuốc và đất nhiễm độc để chôn vào đó. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí và đất xung quanh chưa hết, chất độc vẫn ảnh hưởng nặng đến sức khỏe người dân”.
Để hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc với chất độc, năm 2004, chính quyền đã cho xây dựng một hệ thống cấp nước sạch. UBND tỉnh cũng di dời khoảng 13 hộ gia đình ra xa khỏi khu vực đồi Chiến Thắng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người ở lại vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của chất độc.

Một giếng nước nhiễm độc nặng từ kho thuốc bị bỏ hoang. 

Cũng theo chính quyền địa phương, từ những năm 2000, nhiều đoàn cán bộ của trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành khảo sát, kết luận nồng độ chất độc chết người ở đồi Chiến Thắng ở mức cao. Tuy nhiên, những biện pháp đưa ra vẫn chưa khắc chế được tác hại của loại chất độc này.

Ông Phạm Đức Hướng mong mỏi: “Điều mà người dân chúng tôi mong muốn nhất trong lúc này là làm sao cải thiện môi trường trong khu vực, để sức khỏe người dân hiện tại và các thế hệ sau được sống khỏe”. Ông cũng mong muốn được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện hơn hệ thống nước sạch phục vụ người dân.
Tuy  nhiên, đó là chuyện chiến lược. Còn trước mắt, người dân ở cái thôn nghèo này mong muốn là được quan tâm, hỗ trợ về mặt bảo hiểm y tế để họ có điều kiện khám phát hiện và chữa trị bệnh ung thư đang phát tán”.
DTT là một loại thuốc trừ sâu. DDT  chính thức ngừng sản xuất và sử dụng trên toàn thế giới vào năm 1974 sau 30 năm được đưa vào sử dụng. Thuốc DDT ở trong không khí phải sau 10 năm mới giảm nồng độ xuống tỉ lệ ban đầu là 1/10. Ở trong nước biển, thời gian tan của DDT còn phải mất thời gian lâu hơn.
Về tác động đối với con người,chất  DDT xâm nhập vào cơ thể con người thông qua nước, không khí. Sau khi vào cơ thể con người nó sẽ phá hủy nội tiết tố giới tính, gây ra các bệnh về thần kinh, ảnh hưởng tới công năng của gan.

Thạch Châu

(MTG)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP