Tin trong nước

Vinasun kêu thiệt hại vì Uber, Grabtaxi

Đại hội cổ đông thường niên 2016 của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, Mã CK: VNS) một lần nữa nóng lên khi hầu hết cổ đông đưa ra câu hỏi liên quan tới hoạt động kinh doanh của Uber và Grabtaxi tại Việt Nam. Trong đó, có cổ đông cho rằng, Vinasun nên đối mặt và đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn khi các đơn vị trên đã hoặc có thể được Chính phủ chấp nhận cho hoạt động.

Chịu chi phí đầu tư cao, áp lực cạnh tranh lớn trước các đối thủ như Uber, Grabtaxi nên Vinasun quyết định đặt kế hoạch lợi nhuận 2016 giảm 20% so với 2015.

Đáp lại thắc mắc của cổ đông, ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasun cho hay, công ty luôn theo dõi từng ngày từng giờ hoạt động của các đối thủ.

“Chúng tôi cũng đang phải chịu áp lực lớn. Trong 2015, việc tham gia bất hợp pháp của các hãng nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn khiến chúng tôi đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Mặt khác, công ty cũng gặp nhiều thách thức khi giá xăng dầu thay đổi 18 lần, chi phí đầu tư tăng mạnh, giá vật tư bảo dưỡng xe tăng”, ông Thành nói.

vinasun-keu-thiet-hai-vi-uber-grabtaxi

Vinasun đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình taxi kiểu mới.

Trong khi nhiều cổ đông cho rằng Vinasun nên chấp nhận sự thật rằng Uber hay Grabtaxi được hoạt động tại Việt Nam, ông Thành vẫn kiên quyết khẳng định các mô hình nêu trên là bất hợp pháp, còn việc Nhà nước cho các hãng thử nghiệm lại là vấn đề khác. Trong khi Vinasun phải đầu tư xe, xin giấy phép hoạt động, nộp thuế… thì các hãng nước ngoài mang tiếng là công ty công nghệ nhưng lại tham gia vào điều hành và kiểm soát taxi.

“Chúng tôi đóng thuế lớn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động… thì các hãng trên dường như ít chịu áp lực này. Hiện nay, Vinasun đóng 18-20 tỷ đồng tiền thuế, còn 2 công ty trên không phải đóng khoản thuế này rất có lợi thế. Chúng tôi cũng muốn phục vụ khách hàng nhưng mỗi lần thay đổi giá là phải điều chỉnh và thực hiện các quy trình thủ tục rườm rà, khiến chi phí tăng cao, xe phải chịu thời gian chết lớn”, ông Thành giải thích.

Chia sẻ thêm về việc đặt kế hoạch lợi nhuận 2016 giảm tới 20%, lãnh đạo Vinasun cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào của công ty tăng cao, cạnh tranh gay gắt. Sự xuất hiện của Uber và Grab và sự thâm nhập của họ gây thiệt hại cho kinh doanh taxi của công ty. Theo đó, trong quý I, mặc dù là tháng cao điểm nhưng doanh thu chỉ đạt 26,23%, lợi nhuận 26,5% kế hoạch của công ty.

Để vượt qua khó khăn và sức ép của các loại hình taxi kiểu mới, theo lãnh đạo Vinasun, công ty sẽ tái cấu trúc mọi hoạt động, đưa ra nhiều mô hình kinh doanh phù hợp, đa dạng để người dùng lựa chọn.

Năm nay, Vinasun đặt mục tiêu đầu tư thêm tối thiểu 1.150 ôtô, bao gồm 350 chiếc 4 chỗ và 800 chiếc 7 chỗ. Doanh nghiệp cũng thanh lý 850 chiếc đã quá hạn. Mục tiêu của công ty là nâng tổng số xe lên 6.441 chiếc, trong đó hơn 2/3 là xe 7 chỗ (4.421 chiếc). Mặc dù mở rộng quy mô nhưng kế hoạch kinh doanh 2016 của đơn vị này lại thụt lùi khi doanh thu dự kiến chỉ nhích nhẹ đạt 4.325 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế là 264 tỷ đồng, giảm 20% so với 2015.

Bên cạnh đó, để cạnh tranh tốt và tăng thị phần, công ty này cho biết sẽ giảm giá cước. Cụ thể giá cước bình quân từ 16.000 đồng một km sẽ giảm xuống còn 15.000 đồng một km và điều chỉnh theo tình hình thực tế. Cùng với đó, VinaSun sẽ gia tăng khách hàng sử dụng thẻ thanh toán online trên tất cả các địa bàn, phối hợp với các ngân hàng và các trung tâm thanh toán để phát hành các loại thẻ thanh toán đa dạng cùng việc phát hành thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng.

Năm 2015, doanh thu của Vinasun đạt 4.252,1 tỷ đồng, tăng 12,78% so với 2014, lợi nhuận sau thuế đat 328 tỷ đồng, tăng gần 5% so với 2014.

Thi Hà

  Từ khóa: Vinasun , Grabtaxi , Uber , thiệt hại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP