Chăm sóc sức khỏe

Viện phí tăng, bệnh nhân ‘càng nằm viện lâu càng lợi’

Theo tính toán của các chuyên gia, khi giá dịch vụ y tế tăng, các bệnh nhân mãn tính như suy thận, ung thư, thời gian điều trị lâu dài và chi phí cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Trao đổi với Zing, đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện, bác sĩ điều trị trực tiếp đều khẳng định việc điều chỉnh viện phí lần này ít ảnh hưởng tới bệnh nhân.

Tăng viện phí, bệnh nhân nào hưởng lợi?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết” “Lần điều chỉnh này dành cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, nhưng mức ảnh hưởng không đáng kể”.

Khi tham gia bảo hiểm xã hội, mức trần người bệnh phải chi trả mỗi năm là 6 tháng lương cơ bản, tức gần 7 triệu, khi người bệnh đóng đạt mức này sẽ được hưởng BHYT 100%. Điều này khá có lợi với các bệnh nhân mãn tính như suy thận, ung thư, bởi  thời gian điều trị lâu dài và chi phí cao.

Trong trường hợp chưa đóng BHYT đủ 5 năm, chẳng hạn với bệnh nhân chạy thân nhân tạo sẽ có mức 1,5 triệu/tháng chuyển lên 1,7 triệu, tức mỗi tháng mất thêm 200.000 đồng, một năm là 2,4 triệu.

Đối tượng được hưởng 95%, mỗi lần chạy thận có giá 460.000 đồng, nay tăng lên 543.000 đồng, tức tăng thêm 83.000 đồng. Bệnh nhân đồng chi trả 5%, tức chỉ mất khoảng 4.000 đồng/1 ca chạy thận nhân tạo. Một năm với khoảng 144 lần chạy thận, người bệnh phải đóng thêm 600.000 đồng (mỗi tháng chỉ 50.000 đồng). Như vậy dù có tác động nhưng con số này không lớn.

Trong khi đó người bệnh sẽ được hưởng lợi từ việc tăng chất lượng kỹ thuật, chuyên môn. Việc tính đúng, tính đủ, bù đủ giá sẽ giúp các cơ sở ít bị lỗ để yên tâm chữa bệnh. Đặc biệt, người bệnh có thể được thực hiện một số kỹ thuật mà trước đây không được dùng.

Tăng viện phí – chất lượng dịch vụ tăng?

Theo TS Dũng, trước đây, các bệnh viện nhỏ không cần làm gì hàng năm vẫn được Nhà nước rót xuống để trả lương, còn bây giờ các bệnh viện phải tự mình làm ra tiền để trả lương cho nhân viên. Những bệnh viện nào trước đây tốt sẽ là cơ hội cho họ phát triển tốt hơn, còn những bệnh viện chưa tốt sẽ buộc phải nâng cao chất lượng để tồn tại. Điều này có ý nghĩa trong việc giảm tải tuyến trung ương và chi phí đi lại cho bệnh nhân vùng xa.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Dù có tăng giá hay không thì hướng tới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vẫn là mục tiêu của bệnh viện từ trước đến nay. Do vậy, nếu không có tăng giá lần này vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng, chứ không phải vì tăng giá mà chất lượng tốt hơn. Nếu chúng ta có những điều kiện thuận lợi thì chúng ta tới đích nhanh hơn. Nếu không có điều kiện thì lâu hơn”.

Viện phí tăng, bệnh nhân 'càng nằm viện lâu càng lợi'
Nhóm bệnh nhân được hưởng lợi nhiều nhất là mắc bệnh mãn tính, điều trị kéo dài hàng ngày như chạy thận, ung thư, chi phí hóa chất điều trị lớn

. Ảnh: Việt Hùng.

Vì sao đồng loạt tăng 1.887 dịch vụ y tế

Theo Thông tư 37, hơn 870 dịch vụ y tế đã được chia nhỏ thành 1.887, giúp việc tính giá được chính xác hơn và giám sát được thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết thêm: “Trước đây, khi viện phí chưa tính đúng, tính đủ, nhiều trang thiết bị, vật tư không được tính trong danh mục BHYT chi trả. Do đó, người bệnh phải mua thêm ở ngoài, tốn kém nhưng không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, các gói dịch vụ đã được tính đủ các chi phí, đủ vật tư nên người bệnh không phải mua ngoài mà vẫn đảm bảo được điều trị tốt nhất”.

Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, trong số các dịch vụ điều chỉnh có thay đổi theo hướng tăng lên và sự điều chỉnh là đảm bảo quyền lợi người bảo hiểm. “Chẳng hạn, những dịch vụ không có danh mục soi thực quản, nhưng có danh mục soi dạ dày, tá tràng. Thực tế, không bao giờ, người ta gây mê rồi chỉ soi thực quản mà phải soi hết đường tiêu hóa”.

Tuy nhiên, hiện các danh mục kỹ thuật tại các Thông tư 03, 04 và 50 của Bộ Y tế chưa có sự thống nhất dẫn đến khó khăn khi thực hiện mức giá mới của các dịch vụ y tế. Bộ Y tế cho biết, toàn ngành đang trong quá trình rà soát khoảng 1.200 dịch vụ y tế chưa được đề cập trong Thông tư 37 để xem dịch vụ nào là tương đương thì sẽ áp dụng mức giá mới, còn lại sẽ xây dựng giá để điều chỉnh tăng trong những lần sau theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá.

Tăng giá chỉ bù vào vật tư tiêu hao

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho hay để xây dựng một cơ cấu giá rất khó, chẳng hạn cơ cấu giá chạy thận phải gồm  toàn bộ vật tư tiêu hao, bảo hành vận hành máy móc, tiền lương, tiền trực, hành chính, trông xe… Do đó, ở nước ngoài giá một ca phải đến 250-300 USD (khoảng 6 triệu VNĐ).

Ở Việt Nam, cơ cấu một giá trước đây là 7 khoản, nay là 9, thậm chí 11 khoản. Song trong khung giá hiện tại chỉ mới tính 3 khoản đầu trong 7 khoản cũ, 4 khoản sau mặc nhiên nhà nước bao cấp. Trong khi đó, 3 khoản đầu chỉ là vật tư tiêu hao, và khoản mới này chỉ bù vào khoản đó. Các vật tư tiêu hao luôn luôn biến động giá, thường là tăng lên ít khi giảm.

“Chẳng hạn giá chạy thận nhân tạo từ 460.000 đồng, tăng lên 543.000 đồng. Bản chất từ 2012-2016 chỉ tăng 83.000 đồng, như vậy giá mới còn chưa đáp ứng nổi khoản xê dịch giá. Về lương, chế độ của bác sĩ vẫn không hề thay đổi”, tiến sĩ Dũng cho hay.

Hà Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP