Video Clip Hà Tĩnh

Video Clip Đất Người Nghi Xuân

Bí thư Huyện ủy (Tỉnh ủy viên) Hoàng Đình Hà, vốn kiệm lời. Hơn hai thập kỷ gắn bó với quê nhà, anh hết làm Chủ tịch rồi Bí thư của một huyện nghèo lúa gạo nhưng lại quá giàu có, phồn hoa về văn hóa.

hatinh24h hatinh24h 01
Hoàng Đình Hà bỗng sôi nổi, cảm xúc thăng hoa hẳn lên khi câu chuyện của chúng tôi xoay quanh chủ đề: “Hướng đi nào để Nghi Xuân phát triển nhanh về kinh tế?”

Miền quê địa linh nhân kiệt

Xứ Nghệ vẫn đang giữa mùa mưa lũ. Huyện nào cũng mênh mang nước ngập, chỉ riêng Nghi Xuân là huyện có số xã bị ngập úng ít nhất. Bí thư Hoàng Ðình Hà cho biết: Nghi Xuân có 7.000 ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ 11% diện tích trong số đó là chủ động nước. Vì thế để phát triển nền nông nghiệp truyền thống là bài toán khó giải, đã từng làm đau đầu bao thế hệ lãnh đạo. Thế nhưng, Nghi Xuân lại có tiềm năng, lợi thế riêng mà không phải nơi nào cũng có được.Nghi Xuân có thế đất hình chiếc mũ cánh chuồn nhìn nghiêng, ba mặt là núi, sông, biển. Tựa lưng vào dải núi Hồng Lĩnh, có tả Thanh Long, hữu Quế Hải (tên con sông Lam và biển Ðông ngày xưa) tạo nên một thế đất quý, thế đất tam hợp của núi sông và biển cả chung tụ. Với 8 cảnh đẹp (Nghi Xuân bát cảnh) nổi tiếng, thời nào cũng có nhiều người tài cao, chí cả, học giỏi, đỗ đạt cao, làm nên nhiều công nghiệp lớn. Nơi đây không chỉ có nhiều danh nhân nổi tiếng như Ðại thi hào Nguyễn Du, Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ … mà còn là nơi của các kỷ nhân giai sự như Tả Ao (Thánh sư địa lý của nước Nam), Ðinh Lễ (Tổ sư ca trù, được phong là Thanh Xà Ðại Vương), Nguyễn Lưu (có tài trị voi được phong chức Quận Công), Ðậu Vĩnh Tường (Tráng sĩ giết thuồng luồng được phong chức Tham Ðốc)… Nhiều nhà khoa học, sử học cho rằng, miền quê này đang ẩn chứa nhiều di sản văn hóa vật thể, nhiều danh lam thắng cảnh, phong phú về loại hình, độc đáo về phong cảnh và nội dung.

Trải qua dâu bể của lịch sử và thời gian, không ít di tích cũng đã bị mai một. Song, với 100 di tích còn lại (trong đó có đến 6 di tích VHLS cấp quốc gia, 1 di tích danh nhân VH thế giới) cũng đủ để minh chứng cho một vùng văn hóa có bề dày truyền thống.Suy đi ngẫm lại, linh khí của một quốc gia, một miền đất là ở sự giao hòa giữa đất và nước. La Sơn Phu Tử khi nói về Nghi Xuân địa linh nhân kiệt, đã trích dẫn câu thơ cổ nổi tiếng trong Hạnh Am thi cảo: “ Chót vót Hồng Sơn/ mênh mông Ngư Hải/ trong sáng gặp thời/ nhân tài bừng phát”.( Nguyên văn: Hồng Lĩnh sơn cao/ Song Ngư hải khoát/ nhược ngộ minh thời/ nhân tài tú phát).Tính từ người khai khoa đầu tiên của đất học Nghi Xuân là Hoàng Giáp Phạm Ngữ, người làng Phan Xá thi đậu năm Quý Mùi 1463 đến khoa cuối cùng của chữ Hán, năm 1919, huyện này đã có 22 tiến sĩ (trong đó có 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 5 hoàng giáp) 14 đồng  tiến sĩ và 1 phó bảng. Ngày nay, trong thời đại mới, sự học càng được coi trọng, mạch nguồn học vấn của Nghi Xuân vẫn ăm ắp chảy. Nhiều năm nay, mỗi năm Nghi Xuân có đến trên dưới 600 em đậu đại học.  Nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn như GS sử học Hà Văn Tấn, NSND Ðào Mộng Long, NSND Lê Ðóa, nhà toán học Lê Hải Châu, nhà lý luận tư tưởng Ðậu Ngọc Xuân, thầy thuốc Nhân dân – GSTS Hà Văn Mạo…đã được sinh ra từ mảnh đất nghèo nhưng giàu chí học hành này.

Mời bạn về thăm

Từ xa xưa, cảnh quan, sông núi Nghi Xuân như nàng Chúa Xuân ngủ quên trong lâu đài mùa đông cổ kính. Cho đến mỗi độ xuân về, cát vàng, biển bạc, sông xanh, nước biếc mới có dịp lộ diện, đẹp rực rỡ trong sắc nắng vàng mật ong. Những năm gần đây, trước trào lưu đổi mới hội nhập với bên ngoài, Ðảng bộ và nhân dân huyện Nghi Xuân cùng với việc nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ, đang có nhiều kế hoạch để phát huy giá trị của các di sản văn hóa truyền thống làm giàu cho quê hương. Ðược sự giúp đỡ to lớn của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và của tỉnh, nhiều dự án đầu tư về văn hóa, du lịch, thể thao đang được triển khai có hiệu quả. Khu lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Ðiền; Từ đường và Lăng mộ Nguyễn Công Trứ, Ðình Hội Thống, Ðình Nguyễn Xí… đã được Nhà nước đầu tư gần 20 tỷ đồng, nâng cấp, tôn tạo lại khang trang, đẹp đẽ. Các di tích khác như Ðền Củi, Ðền Huyện, huyện có chủ trương xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ mọi nguồn lực. Gần đây con em Nghi Xuân ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đang có nguyện vọng góp phần xây dựng.

Bãi biển Xuân Thành tuyệt đẹp đang trở thành tiêu điểm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. Một dự án lớn bao gồm sân gôn, hệ thống Resort, dịch vụ, vui chơi, giải trí… đến hàng trăm tỷ đồng đang được khởi động tiếp tục sau khi tạm dừng vì khủng hoảng kinh tế. Bên chủ đầu tư dành ra đến 30 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án hoàn thành sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong khu du lịch biển Xuân Thành này.Bên cạnh hệ thống di tích danh thắng khá đầy đặn về cả số lượng lẫn chất lượng, thì mảng văn hóa phi vật thể của Nghi Xuân như Chèo Kiều, hát bội, diễn trò sĩ – nông – công – thương cũng phong phú không kém. Ðặc biệt, trong đó nói lên lấp lánh ánh vàng ca trù Cổ Ðạm – một trong những cái nôi ca trù của cả nước. Ca trù Cổ Ðạm xuất hiện từ rất lâu đời, song hưng vượng nhất là giai đoạn Hậu Lê đến Triều Nguyễn. Chính giáo phường ty Cổ Ðạm năm xưa với gánh hát của gia đình đào nương Phan Thị Nga đã nhiều lần vào Huế biểu diễn cho vua quan xem và rất được ưa chuộng.

Lãnh đạo huyện Nghi Xuân sớm nhận ra cái quý giá của ca trù và có chủ trương khôi phục, phát triển bằng nhiều cách, như thành lập các CLB ca trù ở các xã Cổ Ðạm, Xuân Giang, Nhà văn hóa huyện, đưa ca trù vào trường học… Nhiều tập thể, ca nương xứ này đã được nhận huy chương vàng tại các kỳ liên hoan ca trù của quốc gia và khu vực. Bên cạnh một đội ngũ ca nương tiếp nối được đào tạo từ cái nôi ca trù này không thua kém lớp trước về cả thanh sắc, tài duyên đã và đang xuất hiện. Du khách đến với Nghi Xuân sẽ thấy thú vị, hấp dẫn hơn khi được thưởng ngoạn lối hát và giọng hát mang đặc trưng riêng biệt không hề lẫn với những vùng ca trù khác.Một tuyến du lịch TP. Hà Tĩnh – TX Hồng Lĩnh – Nghi Xuân và biển Xuân Thành theo trục đường Nam –  Bắc của hành lang Ðông – Tây ra đời. Du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp Núi Hồng – Sông Lam nên thơ, thăm nhà thờ Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ; khu lưu niệm và mộ Ðại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Ðiền và đền thờ thân phụ ông, Nguyễn Nghiễm. Xe nhập ra tuyến đường 1A chỉ một chặng ngắn theo trục Bắc – Nam bạn có thể ghé vào thăm thú và thắp hương đền thờ quan Hoàng Mười (hay còn gọi là đền Chợ Củi) sau đó trở lại bãi tắm Xuân Thành thơ mộng, đẹp hoang sơ như một thôn nữ mới tuổi dậy thì, rồi thả hồn trong tiếng sênh, tiếng phách, nhấn nhá, khoan thai của các đào Xanh, đào Hà, đào Nết, ca nương Phương Hà …. làng ca trù Cổ Ðạm.“Hồng nguyên tuấn lưu” – nguồn lớn về nhân tài, tuấn kiệt trên dải đất này đã, đang và rồi đây vẫn không ngừng tuôn chảy, góp cho đất nước, non sông những Tố Như, Uy Viễn mới trên con đường hội nhập và phát triển.Nghi Xuân đang dang rộng vòng tay mời gọi bạn bè năm châu đến với mình.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP