Những tình huống bạo lực nhất vòng 23 V-League đều được tạo ra bởi các cầu thủ hiện đang khoác áo của những đội bóng có các ông chủ tịch CLB là uỷ viên BCH VFF.
Hành động ẩu đả gây phản cảm nhất trong trận SHB Đà Nẵng gặp CLB Quảng Nam trên sân Hoà Xuân ở vòng 23 thuộc về Đỗ Merlo của CLB SHB Đà Nẵng. Dư luận lên án hành động này, nhưng Ban kỷ luật VFF không hề có hình thức kỷ luật bổ sung với ngôi sao gốc Argentina.
Trong khi đó, ở sân Nha Trang, có đến 2 cầu thủ thuộc đội SL Nghệ An đánh chỏ rõ ràng các cầu thủ Khánh Hoà, được băng ghi hình ghi chi tiết, đó là trường hợp của tiền đạo Olaha và hậu vệ Mạnh Hùng. Tuy nhiên, cả hai đều không bị phạt gì cả, riêng trường hợp của Olaha còn được trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường “cứu” bằng tuyên bố đấy không phải là hành vi bạo lực.
Ông trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường làm sao dám xử lý các đội bóng được điều hành bởi các uỷ viên BCH VFF, trong khi BCH VFF là nơi có thể miễn nhiệm vị trí của ông Hường? |
Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng, ông Bùi Xuân Hoà là một uỷ viên trong BCH VFF. Chủ tịch CLB SL Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Thanh cũng là uỷ viên BCH VFF.
Trước nữa, những vị và những đội bóng phản ứng trọng tài dữ dội nhất, thường đưa ra những phát biểu thiếu kiềm chế nhất, làm xấu hình ảnh của giải đấu và hình ảnh của bóng đá Việt Nam nhiều nhất lại là các thành viên của chính BCH VFF.
Bầu Đức dù là phó chủ tịch VFF nhưng biết bao nhiêu lần công kích trọng tài, từng nhận định rằng HA Gia Lai của ông này bị “đánh hội đồng” năm 2015. Còn ông Lê Nguyên Hồng ở đội Quảng Nam trong mùa giải năm nay từng ví trọng tài được đào tạo ở trường mù.
Điểm chung của tất cả các phát biểu thiếu kiểm soát của các vị nêu trên là họ chẳng bị xử lý gì cả! Để đến giờ, cầu thủ của các đội bóng do những ông uỷ viên BCH VFF đấy đóng vai quan chức có hành vi bạo lực trên sân cũng không được xử lý nghiêm minh.
Câu chuyện Ban kỷ luật VFF có khách quan hay không khi đối diện với vấn đề kỷ luật hoặc không kỷ luật cầu thủ thuộc các đội bóng có các uỷ viên BCH VFF làm quan chức CLB, kỷ luật hay không kỷ luật chính các uỷ viên BCH VFF khi những vị này phát biểu thiếu kiềm chế về giải đấu, về các bộ phận làm nhiệm vụ tại giải rất khó nói rõ?
Nhưng đừng quên rằng, ghế của trưởng các ban chức năng tại VFF do BCH VFF quyết định. Cụ thể, các ông trưởng ban như ông Nguyễn Hải Hường hay trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi hoàn toàn có thể bị các uỷ viên BCH VFF bỏ phiếu miễn nhiệm. Thành ra, dù muốn dù không, các đội bóng có quan chức là uỷ viên BCH VFF vẫn lợi thế hơn so với những đội bóng không có người trong BCH VFF.
Đây là điều đi ngược lại tinh thần của FIFA, bởi nếu vừa là uỷ viên BCH VFF, vừa lại là quan chức điều hành các CLB thì chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi, khó đảm bảo tính khách quan, khiến cho Ban trọng tài và Ban kỷ luật không thể nào độc lập hoàn toàn với các đội bóng tham gia giải vô địch quốc nội, dẫn đến chuyện khó xử lý khi xảy ra sự cố.
Mà một khi Ban kỷ luật hay Ban trọng tài VFF khó có sự khách quan trong việc xử lý các vi phạm của các đội bóng được điều hành bởi các uỷ viên BCH VFF, thì ngược lại, VFF cũng làm sao có sự khách quan khi xử lý những ban chức năng vừa nêu, vì hoạt động và quyền lợi của các bên cũng không độc lập với nhau?!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí