Không tuyển được lao động trong nước thay thế?
Trong số các nhà thầu xin tuyển lao động nước ngoài (LĐNN), đáng chú ý có trường hợp của Cty TNHH máy công nghiệp Potent (Hạ Môn – TQ), đang thi công băng chuyền tại bến cảng (Cảng Sơn Dương tại dự án Formosa).
Theo như các văn bản liên quan và xác nhận của BQL KKT thì lý do DN này xin tuyển thêm 70 LĐNN là do không tuyển được lao động VN thay thế.
Một góc khu lò cao số 1 và số 2 trong DA Formosa. Để triển khai gói thầu này cần tới hàng nghìn lao động Trung Quốc – Ảnh: Duy Tuấn. |
Theo đó, ngày 16/4, Công ty này đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tuyển dụng lao động Việt Nam thay thế lao động nước ngoài, kèm phương án sử dụng lao động do Formosa xác nhận.
Sau khi được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản, công ty sẽ tổ chức, giới thiệu, cung ứng lao động. Tuy nhiên, sau 2 tháng thông báo rộng rãi nhưng công ty không tuyển dụng được lao động Việt Nam.
Lý do được công ty này đưa ra là “Gói thầu thi công lắp đặt thiết bị băng chuyền bến cảng đòi hỏi cần sử dụng các chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, thành thạo công việc và ngoại ngữ.
Công ty xin được sử dụng chuyên gia nước ngoài, cán bộ kỹ thuật di chuyển từ nội bộ Tổng Công ty sang làm, số lượng 70 người (30 quản lý, 40 giám sát). Thời gian đến hết tháng 11/2016”.
Sau khi nhận được báo cáo của BQL KKT, ngày 2/7, UBND tỉnh có văn bản đồng ý.
Đối với nhà thầu là Công ty CP kỹ thuật công trình CISDI Trung Quốc, đang thi công gói thầu lò cao số 1 và số 2 Formosa, UBND tỉnh đồng ý cho DN này tuyển dụng số lượng 1.900 người, trong đó cán bộ quản lý là 230 người; cán bộ giám sát 70 người và lao động kỹ thuật là 1.600 người.
Theo báo cáo của công ty này, trong số 1.900 người, chỉ có 100 người có trình độ đại học, 500 người là nghệ “nhân ngành nghề truyền thống”, số còn lại 1.300 người, trình độ chỉ là có “kinh nghiệm làm việc”.
Số này sẽ làm việc theo tiến độ gói thầu, kéo dài từ tháng 7/2014 đến 6/2016.
Đối với chủ đầu tư dự án là Công ty Formosa, tại văn bản giữa tháng 8 vừa qua, công ty này đã xin được tuyển dụng thêm 262 lao động nước ngoài, bao gồm giám đốc điều hành (10 người), nhà quản lý (32 người) và chuyên gia (220 người). Thời hạn số lao động tuyển thêm này làm việc đến hết năm 2016.
Đáng kể nhất, tại văn bản số 1407114 ngày 29/7 của Cty Formosa (FHS) gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận cho 28 nhà thầu (chính và phụ) tuyển dụng lao động nước ngoài. Số lượng tuyển dụng 8.426 lao động nước ngoài. Có 25 Cty đến từ TQ.
Trong số này, nhà thầu xin sử dụng lao động nhiều nhất là Công ty hữu hạn tập đoàn BaoYe Thượng Hải, xin tuyển 2.200 lao động cho gói thầu xây xưởng luyện thép và 205 người cho gói thầy xây lò vôi. Tiếp đến là Cty Hữu hạn tập đoàn luyện kim số 5 Trung Quốc, xin tuyển 1.510 người.
Trong báo cáo chi tiết số lượng lao động của từng nhà thầu của BQL KKT cho thấy, hơn 8.000 lao động của 28 nhà thầu này chỉ có chuyên gia, cán bộ quản lý, giám sát và lao động kỹ thuật.
Theo thông tin mới nhất, hiện đã có 400 lao động người Trung Quốc của nhà thầu CISDI Trung Quốc đã đến Vũng Áng. Hiện DN này đang trình hồ sơ để xin cấp phép số lao động này.
Sẽ thành lập tổ chức công đoàn trong Formosa
Một lãnh đạo BQL KKT cho biết, rút kinh nghiệm sau sự cố đáng tiếc ngày 14/5, UBND tỉnh Hà Tĩnh và BQL đã có nhiều chỉ đạo sát sao trong việc siết chặt quản lý số lao động nước ngoài. Đặc biệt là yêu cầu trực tiếp đối với chủ đầu tư là Cty Formosa.
Gần 1 vạn lao động TQ sắp đến Vũng Áng, số lượng bằng cấp cao hạn chế, chủ yếu là lao động kỹ thuật với trình độ được báo cáo có “kinh nghiệm làm việc”. Ảnh: Duy Tuấn |
Tại công văn số 2646 ngày 24/6, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Cty Formosa: “Khi các nhà thầu Trung Quốc trở lại thi công, FHS kịp thời cung cấp danh sách, địa chỉ tạm trú, nơi làm việc và đăng ký tạm trú của người lao động TQ, yêu cầu họ ở tập trung các khu vực để thuận lợi cho việc đảm bảo ANTT và an toàn tuyệt đối”.
Đối với những lao động TQ đã được cấp phép nhưng đã về nước sau sự kiện ngày 14/5/2014, BQL đã yêu cầu FHS thông báo bằng văn bản đến BQL khi những lao động này quay trở lại. Nếu không thì FHS phải chịu trách nhiệm.
Một điểm đáng chú ý nữa, trong buổi làm việc giữa BQL KKT, các ngành chức năng với Cty Formosa, đã thống nhất yêu cầu FHS phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh để thành lập tổ chức công đoàn trong Cty Formosa.
“Đề nghị Công ty Formosa tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Liên đoàn lao động tỉnh xúc tiến các thủ tục thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp hoạt động trong Dự án Formosa, trước mắt là trong Cty Formosa.
Đây là việc làm cần thiết, một mặt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, mặt khác cũng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quản lý lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp và nhận thức pháp luật của người lao động, chấp hành nghiêm túc kỷ luật lao động, các qui chế, nội qui của doanh nghiệp”, văn bản kết luận cuộc họp có ghi.
Duy Tuấn