|
Chiều 12-7, Văn phòng Trung ương Đảng phát tin kết quả cuộc họp của Bộ Chính trị. Theo đó, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể lãnh đạo Đảng đã xem xét kỷ luật hai ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng và Bộ trưởng Bộ TT&TT và người kế nhiệm Trương Minh Tuấn, đang là ủ̉y viên Trung ương khóa này.
Các quyết định đã được đưa ra sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vấn đề kỷ luật đảng viên cao cấp trong vụ việc MobiFone được chỉ đạo, cho mua 95% cổ phần AVG, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước.
Theo đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trương Minh Tuấn, cho ông Tuấn thôi chức bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT&TT. Về chức danh bộ trưởng mà ông Tuấn đang nắm giữ, Bộ Chính trị đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính, đảm bảo đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Với ông Nguyễn Bắc Son, Bộ Chính trị đánh giá là người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án mua cổ phần AVG không đúng quy định. Ông Son giao cho cấp dưới, trong đó có ông Tuấn - lúc đó là thứ trưởng, ký một số văn bản có nội dung trái quy định. Tuy nhiên, Bộ Chính trị không thi hành kỷ luật mà “đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh”.
Kỷ luật ông Son, vì sao phải Trung ương quyết? Về thẩm quyền kỷ luật, theo Điều lệ Đảng và Quy định 30 của Trung ương hướng dẫn thi hành điều lệ (phần công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật) thì Bộ Chính trị có thẩm quyền thi hành kỷ luật tới cảnh cáo với đảng viên là ủy viên Trung ương. Đây là thẩm quyền cao nhất của Bộ Chính trị trong thi hành kỷ luật và nay được áp dụng với ông Trương Minh Tuấn.
Còn trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, Bộ Chính trị đánh giá trong vụ việc nghiêm trọng này, ông Son là người “đầu trò”. Bởi các quyết định, chỉ đạo quan trọng mở đường cho MobiFone mua cổ phần AVG đều ở giai đoạn ông Son đang là ủy viên Trung ương, bộ trưởng, còn ông Tuấn lúc đó chỉ là thứ trưởng.
Theo quy định của Đảng, việc kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật với đảng viên đã nghỉ hưu, thôi chức, chuyển công tác khác cũng ngang bằng, bình đẳng như đảng viên đương chức. Như giải thích ở trên, với cán bộ cấp ủy viên Trung ương, dù đương hay nguyên thì Bộ Chính trị chỉ có thể thi hành kỷ luật cao nhất là cảnh cáo. Vậy trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, đến mức Bộ Chính trị phải đề nghị Ban Chấp hành Trung ương “xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh” thì có căn cứ cho thấy khả năng ông này bị đề nghị kỷ luật ở mức nặng hơn cảnh cáo.
Về chức bộ trưởng của ông Trương Minh Tuấn, chiếu theo các quy định của Đảng, thôi chức bí thư Ban cán sự đảng không phải là hình thức kỷ luật. Đây chỉ là quyết định về công tác cán bộ của Bộ Chính trị.
Trong cơ cấu cứng về nhân sự của Đảng, các bộ trưởng, trưởng ngành trong Chính phủ đều đồng thời là bí thư Ban cán sự đảng ở bộ, ngành đó. Điều đó cho thấy với việc cho ông Trương Minh Tuấn thôi chức bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT&TT thì nhiều khả năng ông Tuấn sẽ thôi không nắm giữ chức bộ trưởng.
Tuy nhiên, thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm hay cách chức bộ trưởng cũng như phê chuẩn bộ trưởng mới lại thuộc về Quốc hội, ở kỳ họp tháng 10 tới. Vậy nên từ nay đến đó, theo các nguồn tin am hiểu pháp luật về tổ chức bộ máy, nếu cần thiết, Thủ tướng sẽ “trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác” bộ trưởng. Nếu Chủ tịch nước phê chuẩn, Thủ tướng sẽ “giao quyền bộ trưởng” cho nhân sự mới do Bộ Nội vụ đề nghị. Đây là các thẩm quyền được quy định khá rõ trong Luật Tổ chức Chính phủ.
Tác giả: NGHĨA NHÂN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM