Hôm nay 5-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trở lại Triều Tiên để tiếp tục xúc tiến các kế hoạch phi hạt nhân hóa quốc gia này |
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh: “Tôi biết một vài cá nhân đã đưa ra các mốc thời gian. Nhưng chúng tôi sẽ không cung cấp một mốc thời gian cho điều đó”.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ở Singapore hôm 12-6, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Văn kiện này không nêu cụ thể phương thức hoặc khung thời gian cho việc thực thi, để lại những chi tiết đó cho các cuộc đàm phán trong tương lai của quan chức hai bên.
Trước mắt, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tới Triều Tiên vào hôm nay 5-7 để “tiếp tục thúc đẩy tiến trình” đàm phán với Triều Tiên và xúc tiến kế hoạch phi hạt nhân hóa quốc gia này. Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng Chính quyền Trump dự kiến gửi cho phía Triều Tiên một danh sách các nhiệm vụ cụ thể họ cần thực hiện trước khi tiến trình phi hạt nhân hóa bắt đầu.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định ông sẽ không đặt một lịch trình cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, song cho biết trong quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương, Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ thường xuyên đánh giá về sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng đối với việc từ bỏ chương trình hạt nhân.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng không trả lời câu hỏi của giới lập pháp về những điều kiện phi hạt nhân hóa mà chính quyền đưa ra với Triều Tiên để họ có được sự nhượng bộ về mặt kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng điều đó là không phù hợp, hoặc nói thẳng là phản tác dụng nếu ngay lập tức áp đặt mục tiêu mà chúng ta mong muốn có được ở thời điểm này”.
Trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, Washington thường nhấn mạnh điều kiện tiên quyết đối với tiến trình bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng là Triều Tiên phải tiến hành “phi hạt nhân hóa ngay lập tức, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, sau hàng loạt cuộc gặp cấp chuyên viên hai nước, đến hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại giảm bớt mục tiêu ban đầu bằng tuyên bố phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một quá trình gồm nhiều giai đoạn và bây giờ mới là thời điểm bắt đầu của tiến trình đầy thử thách ấy trên cơ sở gây dựng lòng tin giữa hai bên. Thực tế đang chứng minh rằng việc đạt được thỏa thuận giữa hai bên sẽ là một tiến trình “có đi có lại”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình "Face the Nation" của đài CBS, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton tuyên bố Washington đã lên một kế hoạch tiêu hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên - bao gồm vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân - cùng chương trình tên lửa đạn đạo trong vòng 1 năm nếu như có sự hợp tác đầy đủ và trung thực từ phía Bình Nhưỡng. Ông cũng cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể sẽ thảo luận với Triều Tiên về đề xuất này.
Ông Bolton cũng như giới chức Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về các vấn đề tình báo, tuy nhiên nhấn mạnh rằng Mỹ “nhận thức rõ về những rủi ro, theo đó Triều Tiên có thể đang lợi dụng các cuộc đàm phán để kéo dài thời gian nhằm tiếp tục các chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học và tên lửa đạn đạo của mình”. Vì thế, thực tế không hề có một tư tưởng hão huyền nào ở những người thuộc ê kíp phụ trách vấn đề này.
Tổng thống Trump cũng như các quan chức Nhà Trắng đều hiểu rõ để phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi sự khéo léo, mềm mỏng, vừa đấu tranh vừa nhượng bộ, thậm chí có thể lùi một bước để tiến ba bước.
Tác giả: Minh Thu
Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô