Ngày 28/6, TAND Nghệ An tiếp tục phần xét hỏi trong phiên sơ thẩm vụ án Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, cựu nhân viên ngân hàng Eximbank Đô Lương, Nghệ An) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan vụ án 15 bị cáo nguyên là giám đốc phòng giao dịch và cán bộ ngân hàng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đặng Đình Hồng bị thẩm vấn. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Lam thừa nhận năm 2012-2016 khi làm nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương đã lừa khách hàng ký khống các lệnh chi và bảng kê chi tiền... Kể về việc chiếm đoạt 20 chỉ vàng của khách hàng Lê Thị Dung, Lam khai đã nói dối giao dịch viên Doãn Thị Thúy, kiểm soát viên Hồ Thanh Huyền về lệnh chi vàng và bảng kê chi vàng cho bà Dung.
Khi có được giấy tờ này, Lam đến gặp bà Dung nói dối ký để làm thủ tục đổi sổ từ tiết kiệm vàng sang giữ hộ vàng. Sau khi bà Dung ký, Lam rút 20 chỉ vàng bán lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Cũng vì quen biết, tháng 9/2015 thông qua Lam, ông Nguyễn Tiến Nam đã gửi 24 sổ tiết kiệm với số tiền hơn 51 tỷ đồng tại Eximbank Đô Lương. Một năm sau, ông Nam còn lại 13 sổ với hơn 28 tỷ đồng.
Ông Nam trình bày trước HĐXX rằng Lam đã mang giấy ủy nhiệm chi trắng không có thông tin đưa đến cho ông ký với lý do đang có chính sách hưởng tiền khuyến mại một triệu đồng một sổ. Ông tin tưởng Lam nên làm theo yêu cầu.
Khi có trong tay các ủy nhiệm do ông Nam ký khống, Lam yêu cầu giao dịch viên và kiểm soát viên “chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm của ông Nam sang tài khoản không kỳ hạn”. Tiếp đó, Lam chuyển ủy nhiệm chi đến tài khoản cá nhân cho ông Nam, song thực chất chuyển tiền đến các tài khoản cá nhân mà Lam đã nhờ trước đó.
Lam khẳng định, việc trực tiếp làm việc, chi trả tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng tại nhà đã được lãnh đạo phòng Eximbank Đô Lương cho phép.
Nguyễn Thị Lam tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Trước lời khai này, bị cáo Đặng Đình Hồng (nguyên giám đốc phòng giao dịch) thừa nhận quy định rút tiền gửi tiết kiệm của khách tại Eximbank khi đó có nhiều kẽ hở, chưa chặt chẽ do bị áp lực về chỉ tiêu. Ông đã sai khi chỉ kiểm tra chữ ký và thông tin mà không đề nghị khách hàng VIP trực tiếp đến làm thủ tục.
HĐXX công bố từ tháng 9/2013 đến 9/2016 khi làm giám đốc phòng giao dịch, ông Hồng đã chỉ đạo và chấp thuận cho thuộc cấp giải quyết để khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm khi không có mặt trực tiếp, không có giấy ủy quyền... Việc này gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
15 bị cáo khác đều thừa nhận đã thực hiện một số thủ tục trái quy định theo chỉ đạo của lãnh đạo phòng. Nguyên nhân do họ “quá tin tưởng bị cáo Lam", mặt khác nghĩ rằng làm như vậy là “linh hoạt, không cứng nhắc trong công việc” đối với các khách VIP.
Đại diện Eximbank cho rằng, cán bộ nhân viên trên đã vi phạm nhiều bước trong hoàn tất thủ tục và gửi tiết kiệm cho khách. "Đơn vị sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại song mong muốn HĐXX xem xét các khách VIP cũng có một phần lỗi bởi đã tự ký vào các lệnh chi", đại diện ngân hàng trình bày.
Chưa rõ nguồn tiền chiếm đoạt đi đâu?
Bị cáo Lam khai trong số tiền chiếm đoạt đã cho một người nước ngoài vay gần 7 tỷ đồng; anh Nguyễn Trung Hiếu (có quan hệ tình cảm) vay 12 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Mai vay hơn 6 tỷ đồng và trả một số khoản cho khách VIP...
Tuy nhiên, khi được tòa triệu tập, anh Hiếu đã phủ nhận. Trước đó, anh này khai có vay của Lam 12 tỷ đồng và đã bán tài sản của bố mẹ đẻ để lấy tiền trả.
Trường hợp của bà Mai, HĐXX xác định người này đang bị truy nã liên quan tới vụ án khác. Người đàn ông nước ngoài thì cơ quan điều tra chưa liên lạc được.
Chiều 28/6, HĐXX hội ý 30 phút và quyết định áp dụng điều 252 (Bộ luật tố tụng hình sự mới) để tạm dừng phiên tòa với lý do có "một số tình tiết chưa được làm rõ và chưa có trong hồ sơ".
Chủ tọa thông báo phiên xử tiếp tục làm việc vào ngày 5/7.
Cáo trạng nêu, năm 2012-2016, khi làm nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, Lam lợi dụng lòng tin lừa khách hàng ký các lệnh chi, ký khống bảng kê chi tiền. Tin tưởng nữ cán bộ ngân hàng nhiệt huyết, nhiều khách hàng đã tới nhà riêng của cô ta để ký hồ sơ mà không tới ngân hàng. Sau đó, sổ tiết kiệm được Lam giao tận tay họ... Lam đã rút tiền gửi của 6 khách VIP với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Nhà chức trách xác định, sự việc xảy ra do sự quản lý lỏng lẻo của giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và Eximbank chi nhánh Vinh. Những lãnh đạo này đã không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng Eximbank về rút tiền gốc và tiền lãi tiết kiệm. Bị cáo Lam bị tạm giam, 15 bị cáo khác được tại ngoại sau khi khởi tố. | |
Tác giả: Nguyễn Hải
Nguồn tin: Báo VnExpress