Tin Hà Tĩnh

Vì sao 7 năm chưa chi trả tiền bồi thường thu hồi đất cho gia đình liệt sĩ?

Ban hành quyết định thu hồi đất năm 2011 nhưng đến nay UBND thành phố Hà Tĩnh vẫn chưa hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường cho gia đình ông Hồ Văn Toán.

Chỉ bồi thường theo giấy tờ, “phớt lờ” hiện trạng sử dụng?

Báo Gia đình Việt Nam nhận được đơn thư của ông Hồ Văn Toán (68 tuổi, trú phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Ông Toán là thương binh hạng 3/4 và đang thờ phụng liệt sĩ (anh trai ông Toán) nhưng nhiều năm qua phải chạy vạy khắp các cấp chính quyền yêu cầu xem xét, giải quyết chi trả bồi thường thu hồi đất cho gia đình ông.

Phản ánh với phóng viên, ông Hồ Văn Toán cho biết, năm 1989 ông Toán được UBND huyện Thạch Hà (cơ quan cấp huyện quản lý đất đai lúc đó) ban hành văn bản giao cho một thửa đất tại khu vực giáp bờ sông Phủ, gần cầu Nủi, xã Đại Nài (nay thuộc phường Đại Nài).

Theo đó, tại quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 5/5/1989, ông Toán được UBND huyện Thạch Hà giao 1500m2 đất hoang hóa, phía bắc giáp đường tỉnh lộ 17 (nay là đường Nguyễn Hoành Từ); phía nam giáp sông Rào Cái (nay gọi là sông Phủ); phía đông và phía tây giáp ruộng lúa màu. Thời hạn sử dụng đất tại quyết định giao đất này được ghi là “lâu dài”.

Ông Hồ Văn Toán trao đổi sự việc với phóng viên

Sau khi được giao đất, vợ chồng ông Hồ Văn Toán vay mượn tiền mua đất san lấp từ nhiều nơi về, thuê máy để san ủi, cải tạo mặt bằng. Theo thời gian, gia đình ông Toán đã trồng nhiều cây xanh và có thời gian làm nhà ở tại thửa đất nói trên để ổn định cuộc sống lâu dài.

Tuy nhiên sau đó, khi mẹ đẻ của ông Toán già yếu, ông Toán phải về chăm sóc mẹ và thờ phụng anh trai liệt sĩ nên đã cho người khác thuê lại để kinh doanh. Cả quá trình nói trên, thửa đất của ông Toán không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện và được người dân và chính quyền địa phương thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp.

Năm 2010, UBND thành phố Hà Tĩnh thực hiện “Dự án củng cố, nâng cấp đê phía Tây bờ tả sông Phủ đoạn từ cầu Nủi đến cầu Phủ, thành phố Hà Tĩnh”. Sau khi có chủ trương của nhà nước về việc thu hồi đất để triển khai dự án, gia đình ông Toán đã nghiêm túc chấp hành, nhường lại đất để xây dựng công trình phúc lợi dân sinh.

Quyết định giao đất của UBND huyện Thạch Hà giao đất cho gia đình ông Hồ Văn Toán

Ngày 8/12/2011, UBND thành phố Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 3932/QĐ-UBND về việc thu hồi đất thực hiện dự án nói trên. Ngày 31/12/2011, chính quyền sở tại ban hành Quyết định số 2770/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án.

Theo đó, tính toán của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho thấy gia đình ông Toán được bồi thường giá trị đất, tài sản trên đất số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa có đủ nguồn kinh phí chi trả nên đến năm 2012, hội đồng bồi thường đã ban hành quyết định số 603/QĐ-UBND, điều chỉnh giá trị bồi thường cho ông Toán hơn 1,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm này, cho rằng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án chưa đánh giá đúng giá trị thửa đất so với hiện trạng thực tế và áp dụng kiểm kê, áp giá sai vị trí, ông Hồ Văn Toán gửi kiến nghị, đề nghị chính quyền sở tại xem xét lại phương án bồi thường. Ông Toán cho rằng việc hội đồng bồi thường chỉ bồi thường trên diện tích 1500 m2 mà không xem xét hiện trạng thực tế (diện tích lớn hơn so với quyết định giao đất) là không thỏa đáng.

Cho rằng hội đồng bồi thường không thừa nhận hiện trạng sử dụng đất là không thỏa đáng, ông Toán đã khiến nại suốt 7 năm qua để đòi hỏi quyền lợi

Ông Hồ Văn Toán cho biết: “Theo quy định ‘tại điểm b, khoản 2, Điều 5 Quyết định 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh: “Nếu diện tích đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất do việc đo đạc trước đây thiếu chính xác hoặc do khi kê khai đăng ký trước đây người sử dụng đất không kê khai hết diện tích hay do khai hoang, nhận chuyển quyền sử dụng đất của người khác trước đó nhưng toàn bộ ranh giới thửa đất đã được xác định là không thay đổi, sử dụng ổn định, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề, không do lấn chiếm được UBND cấp xã nới có đất xác nhận thì bồi thường theo diện tích đo đạc thực tế’.

Thửa đất của gia đình tôi được UBND huyện Thạch Hà giao có quyết định giao đất, đông tây cứ cận rõ ràng. Nhiều năm liền tôi sử dụng không xảy ra tranh chấp, hiện trạng ổn định từ trước đến nay nhưng Hội đồng bồi thường chỉ tính toán giá đất theo giấy tờ mà không chịu thừa nhận hiện trạng là không thỏa đáng”.

Mòn mỏi chờ chính quyền giải quyết bồi thường thu hồi đất

Kể từ năm 2012, ông Toán liên tục “gõ cửa” cơ quan chức năng, gửi ý kiến đề nghị xem xét việc bồi thường thu hồi đất đai của gia đình mình. Ông Toán đã tìm đến trung tâm trợ giúp pháp lý đối với người có công, tham vấn của một số cơ quan thực thi pháp luật và đều nhận được kết quả tư vấn cho rằng yêu cầu xem xét hiện trạng đất đai của ông Toán là đúng quy định.

“Điều khiến tôi rất bức xúc là hội đồng bồi thường thiếu hồ sơ lưu trữ nguồn gốc thửa đất thu hồi, khi được gia đình tôi cung cấp đầy đủ cơ sở pháp lý để hỗ trợ giải quyết khiếu nại (có đơn thư tố cáo cho rằng thửa đất của ông Toán sử dụng không hợp pháp – PV) thì chính quyền lại thiếu lập trường, để việc khiếu kiện thiếu căn cứ kéo dài. Chính quyền đã trả lời khiếu nại của tôi một cách vòng vo, lảng tránh làm việc trực tiếp với gia đình tôi”, ông Toán bức xúc nói.

Trong khi ông Toán đang khiếu nại việc bồi thường thu hồi đất thì UBND phường Đại Nài "vô tư" cho phép xây dựng trạm điện trên đất của ông Toán

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc giải quyết bồi thường đất cho gia đình ông Hồ Văn Toán đã kéo dài hơn 7 năm qua nhưng đến nay vẫn “lúng túng như gà mắc tóc”. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh - đã hơn bốn lần ký văn bản chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, thanh tra thành phố soát xét thực hiện bồi thường.

Mới đây nhất, ngày 25/10/2017, ông Hà Văn Trọng đã ký văn bản số 2544/UBND-TTr giao Phòng TN&MT tham mưu quyết định thu hồi đât và hủy bỏ phương án bồi thường đất cho hộ ông Hồ Văn Toán đã được UBND thành phố phê duyệt trước đó tại Quyết định 2770/QĐ-UBND ngày 13/12/2011 và Quyết định phê duyệt bổ sung, điều chỉnh số 603/QĐ-UBND ngày 17/4/2012.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh - cho biết: “Đây là sự việc tồn tại đã nhiều năm, trước khi tôi đảm nhận chức vụ chủ tịch UBND thành phố. Trước đây là có phương án bồi thường nhưng ông Toán và cơ quan nhà nước không thống nhất được. Ủy ban thành phố đã làm việc với Thanh tra tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường theo tinh thần rất nghiêm túc, xác định đây là sự việc liên quan đến quyền lợi của người dân nên phải làm hết sức cẩn trọng, chặt chẽ. Trên cơ sở hồ sơ và thông tin liên quan, chúng tôi sẽ lập lại phương án đền bù giải phóng mặt bằng đảm bảo theo quy định”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh yêu cầu trình phương án bồi thường trước ngày 20/11 nhưng đến nay, theo ông Toán thì "chưa có động tĩnh gì"

Theo đó, tại văn bản số 2544/UBND-TTr ngày 25/10/2017, chủ tịch Hà Văn Trọng yêu cầu Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố phối hợp với Phòng TN&MT và UBND phường Đại Nài xác định lại loại đất, vị trí, mục đích, quá trình sử dụng và hiện trạng sử dụng đất (tại thời điểm triển khai dự án) của hộ ông Hồ Văn Toán để lập phương án bồi thường, trình UBND thành phố phê duyệt lại trước ngày 20/11/2017.

Cầm văn bản nói trên của UBND thành phố Hà Tĩnh, ông Hồ Văn Toán nói: “Tôi nhiều năm đi kiến nghị, khiếu nại nhưng khi UBND thành phố chỉ đạo lập lại phương án bồi thường mà tôi cũng không hề được thông báo. Thậm chí, văn bản yêu cầu hội đồng bồi thường phải hoàn thành phương án bồi thường trước ngày 20/11, đến nay đã quá thời hạn hơn một tháng mà tôi không thấy động tĩnh gì, chưa có bất cứ ai đến làm việc với tôi về phương án bồi thường mới. Nói như vậy để thấy trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ UBND thành phố Hà Tĩnh là như thế nào, vì sao tôi phải đi khiếu nại nhiều năm trời mà không được giải quyết rõ ràng?”

Tác giả: T.Hùng

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP