Tin Hà Tĩnh

Dân “phát khóc” vì tiêu hủy 40 tấn cá thối mất hàng trăm triệu đồng

Liên quan đến việc đoàn kiểm tra liên ngành tạm đình chỉ việc tiêu hủy 40 tấn cá khô bị hỏng do bão số 10 vì “chưa xác định được nguồn gốc”. Hiện người dân không biết xử lý số hàng hỏng này như thế nào nên đành vận chuyển về nhà để chờ được tiêu hủy.

Phải để ngoài bờ đê vì thối quá

Như PV đã thông tin, vào chiều ngày 19/12, khi 2 hộ dân thuê xe chở 40 tấn cá khô đã bị thối đến lò xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân thì bị đoàn liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Tân, Công an huyện Kỳ Anh lập biên bản yêu cầu dừng việc tiêu hủy.

40 tấn cá khô thối của 2 hộ dân do không được tiêu hủy nên phải trả về.

Trong biên bản được lập tại hiện trường, lý do để không cho người dân tiêu hủy vì “việc xử lý chất thải sau sản xuất (hải sản chưa rõ nguồn gốc) do Công ty CP tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh chưa đúng theo quy định”.

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chiều 20/12, chúng tôi đã tìm về thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà (T.X Kỳ Anh) để tìm gặp 2 "khổ chủ" đang lâm vào cảnh khốn đốn vì 40 tấn hải sản bị hư hỏng đã bốc mùi hôi thối.

Bà Trần Thị Thịnh, chủ cơ sở HTX Mạnh Cường đang cùng gia đình bốc số hàng từ xe tải xuống kể: “Sự cố môi trường làm cho người dân điêu đứng thời gian dài, sau đó lại đến bão tàn phá, sản xuất kinh doanh đình trệ, bạn hàng bỏ chúng tôi đi kiếm mối khác. Giờ cơ sở tôi có 26 tấn hàng thối bị hư hỏng do thiên tai ước tính vài trăm triệu đồng.

Về số hàng bị thối, tôi đã làm đơn trình báo với các cấp chính quyền và họ nói sẽ cùng với chúng tôi tìm phương án hợp lý để tiêu hủy. Sau đó, thông qua UBND xã Kỳ Hà, chúng tôi có thuê xe chở số hàng trên tới lò đốt rác của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh để xử lý".

"Mới đốt được hơn 1 tấn thì bị đoàn liên ngành cho dừng vì họ cho rằng số hải sản này chưa rõ nguồn gốc. Họ yêu cầu chúng tôi phải đem về nhà để chờ thông báo. Giờ, chúng tôi tạm để số hàng bị hỏng này ngoài bờ đê chứ không thể bỏ vào kho chứa được nữa. Thối quá rồi!” – bà Thịnh than thở.

Chúng tôi tạm thời hướng dẫn họ đem hàng về nhà

Theo bà Thịnh, vì số hàng này đã bốc mùi hôi thối nên bà không thể tiếp tục cất vào kho chứa được nữa. Tạm thời để ngoài bờ đê để chờ cơ quan chức năng xem xét và xử lý.

Cùng chung tâm trạng, hộ gia đình anh Trần Đình Lăng cho biết: "Nhà tôi có gần 20 tấn hàng cũng bị hư hỏng, bốc mùi giống nhà bà Thịnh. Nay số hàng này họ không cho tiêu hủy lại trả về cho chúng tôi".

Trước đó, theo anh Lăng, tại xã Kỳ Tân có 2 công ty có chức năng tiêu hủy số hàng này. Một công ty “to” (lời anh Lăng - PV) họ đòi tiêu hủy 1 tấn hủy phải trả 8 triệu đồng tiền kinh phí. Anh Lăng cho rằng, gia đình anh đã mất một số tiền lớn bởi hàng hóa bị hư hỏng nay lại phải mất thêm một số tiền kha khá để tiêu hủy như thế thì không được.

Theo tính toán của anh Lăng, "nếu xử lý tại lò đốt rác của công ty “to” đó, chúng tôi phải mất 320 triệu đồng cho 40 tấn hàng bị thối. Sau đó, chúng tôi đưa hàng đến lò của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh đóng gần đó để đốt vì họ chỉ lấy tiền vận chuyển và tiền cho công nhân đốt lò".

Ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thông tin: "Nếu đoàn liên ngành cương quyết không cho người dân xử lý tại lò đốt rác của Công ty Môi trường Kỳ Anh thì chúng tôi tạm thời hướng dẫn họ đem hàng về nhà".

Theo ông Vĩnh, nếu đốt số hàng này tại Nhà máy xử lý rác thải rắn công nghiệp thì người dân không có tiền. "Hiện chúng tôi đang giao cho UBND xã Kỳ Hà tìm phương án xử lý ngay tại địa bàn xã", ông Vĩnh thông tin thêm.

Tác giả: Hà Vũ - Đặng Sơn

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP