Quán “dân ca” ở Ngọc Sơn
Người dân ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đều gọi quán phở Vân Liêm là quán “dân ca”. Chỉ hai gian nhà nhưng bà chủ quán vừa bán tạp hóa vừa bán phở. Trước quán thêm tấm bảng “Nhận viết kịch bản dân ca”.
Quán chỉ có ba chiếc bàn cho khách tới ăn, một khoảnh nhỏ để tạp hóa còn hơn phân nửa quán chứa dụng cụ sân khấu. Một chiếc tủ kính sạch sẽ đựng những bộ phục trang đủ màu sắc. Một tấm phông sân khấu màu xanh đã ngả màu cũ kỹ. Ghé quán bạn sẽ thấy bà chủ, chị Võ Thị Hồng Vân, thường xuyên vừa làm thức ăn cho khách vừa ngân nga hát hết điệu ví này qua câu hò khác. Và chỉ cần hỏi chuyện về dân ca thôi là người phụ nữ gần 50 tuổi này sẵn sàng lôi chiếc hộp giấy trong tủ ra khoe những kịch bản dân ca mà mình đã sáng tác, những tấm hình, bằng khen mà Câu lạc bộ dân ca Ngọc Sơn đã diễn từ các xóm đến các hội thi dân ca trong tỉnh.
Thỉnh thoảng vào những buổi tối, trước gian quán bé nhỏ ấy, tấm phông sân khấu màu xanh được giăng ngang và 40 con người già trẻ gái trai cùng nhau hát một điệu ví, đối lại nhau một câu hò… Khách tới quán nhiều khi nấn ná lại chỉ để nghe mấy câu ví dặm rồi mới về.
Chị Hồng Vân là chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Ngọc Sơn từ khi thành lập năm 2009 đến nay. Nhắc đến câu lạc bộ dân ca khuôn mặt chị như giãn ra, đôi mắt lấp lánh: “Trong xã ni nhiều người mê dân ca lắm, có người hát rôm rả cả ngày. Đội văn nghệ xã chỉ tập hợp được những người có năng khiếu hát. Vậy là xã cho thành lập câu lạc bộ dân ca để tất cả mọi người mê dân ca có chỗ sinh hoạt” – chị Vân cho biết cơ duyên ra đời của câu lạc bộ. Câu lạc bộ dân ca Ngọc Sơn gồm 40 người đủ thành phần, lứa tuổi. Lớn nhất 88 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi. Có người là giáo viên, viên chức về hưu, học sinh, có người là nông dân nhưng đều có thể “hát dân ca cả ngày mà vẫn thấy sèm (thèm)” – như lời bà cụ Ba, người già nhất câu lạc bộ, nói.
Năm nay đã 88 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Ba vẫn còn nhớ và hát rất hay nhiều câu ví dặm mà ngày xưa hay hát. Lúc còn con gái, cứ mỗi lúc đi cấy, đi kiếm củi cô Ba là người được nhiều người thích đi cùng nhất vì luôn có thể hát ví, hát dặm rất hay và vui. Hiện nay cụ Ba đã có bảy người con, 30 đứa cháu, 16 đứa chắt vậy mà chỉ cần nhìn đĩa trầu là có thể hát ví gần cả tiếng mới hết ca từ. Tham gia câu lạc bộ, cụ Ba không thể đi hội diễn cùng mọi người vì chân đã yếu, nhưng buổi sinh hoạt nào của câu lạc bộ ở quán Vân Liêm cụ cũng chống gậy tới tham gia bằng được.
Thành viên nhỏ tuổi nhất của câu lạc bộ là cô bé Nguyễn Thị Thanh Xuân, năm nay 12 tuổi. Là một cây văn nghệ của Trường cấp II Ngọc Sơn, Xuân thường hay tới quán chị Vân để thuê phục trang cho các bạn diễn văn nghệ. Một lần cô bé được nghe mọi người trong câu lạc bộ ngồi ở quán hát dân ca hay quá, mê mẩn đến quên cả lấy đồ. Hôm sau Xuân mon men đến xin chị Vân tham gia câu lạc bộ. Còn nhỏ nhưng Xuân đã có thể luyến láy nhiều câu dân ca khó.
Để có kinh phí hoạt động, mọi người trong câu lạc bộ rủ nhau đi cấy thuê, gặt thuê. Số tiền quỹ ít ỏi nên nhiều lần đi biểu diễn không thuê nổi phục trang. Chị Vân bàn với chồng mở thêm dịch vụ cho thuê các dụng cụ biểu diễn sân khấu. Đó là cách để chị Vân lo phục trang miễn phí phục vụ câu lạc bộ nhiều hơn cho người ta thuê. Số tiền vốn bỏ ra ban đầu để may đồ hơn năm nay vẫn chưa thu lại được.
Trong chiếc hộp giấy chứa kịch bản những vở kịch dân ca do chị Vân sáng tác phần nhiều là cho câu lạc bộ diễn, phần còn lại là do các cơ quan, đơn vị, trường học đặt hàng. “Ở đây người ta mê dân ca lắm, ngày kỷ niệm, thành lập đều đến đây đặt hàng tui viết kịch bản dân ca. Thù lao không bao nhiêu nhưng cứ sáng tác được mấy câu ví, câu dặm là tui cứ như mới đẻ con” – chị Vân tâm sự.
Về Nghệ -Tĩnh, muốn nghe hát ví dặm hãy ghé quán “dân ca” nhỏ bé bên dòng sông Lam ấy.
Câu lạc bộ ví dặm Hồng Sơn
Hồng Sơn là tên đội văn nghệ của Xí nghiệp nông nghiệp Hồng Sơn những năm 1972-1975 khi ba xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng, Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) hợp nhất thành xã Hồng Sơn. Hồi đó, ba xã tuyển chọn được 50 “diễn viên” già trẻ, gái trai từ hàng trăm xã viên xin dự tuyển.
Năm 1976, Hồng Sơn lại tách thành ba xã như cũ nhưng các diễn viên vẫn không rời “tổ ấm dân ca” của mình, thậm chí họ còn kết nạp thêm một số diễn viên từ các xã khác và Hồng Sơn vẫn là tên chung. Mới đây, do sự lớn mạnh của phong trào nên đội văn nghệ Hồng Sơn được đổi tên là Câu lạc bộ đàn hát dân ca Hồng Sơn, thiên về dân ca và chủ yếu là ví dặm.
Đến buổi tập, người đi xe máy, xe đạp, ai cũng khoác trên người một loại nhạc cụ như nhị, hồ, líu, đàn bầu, sáo, trống, đàn tam, đàn nguyệt… Nhà văn hóa nhà xóm 11, xã Quỳnh Thuận (nơi sinh hoạt thường xuyên của Câu lạc bộ Hồng Sơn) trở nên vui nhộn tiếng ca, tiếng đàn. Ông Nguyễn Yết Niêm, chủ nhiệm câu lạc bộ, pha chuyện: “Tôi làm nghề sửa xe đạp, nghe trung tâm văn hóa huyện yêu cầu câu lạc bộ đến biểu diễn là tôi đến đây ngay”. Anh Nguyễn Sơn góp vui: “Tôi bị cắt 4/5 dạ dày, vợ nằm liệt giường 28 năm nay. Hôm liên hoan dân ca ví dặm ở trong Vinh, vợ đang nằm viện nhưng tôi đành giao cho con trông coi để tranh thủ đi thi với câu lạc bộ”.
Chị Nguyễn Thị Minh tâm sự: “Người thì nói dân ca ví dặm làm cho các nghệ nhân nghiện mê, nghiện mệt. Người nói đàn hát ví dặm không phải là nghiệp chính nhưng sao cứ mê mẩn. Bản thân tôi cũng thấy lạ là cụ Hồ Phú, hơn 70 tuổi, ở nhà thì ốm đau nhưng đi sinh hoạt câu lạc bộ là khỏi ngay. Chị Huấn đang bị ung thư nhưng vẫn đi biểu diễn phục vụ lễ hội như thường. Chồng và con, cháu chị đều là thành viên Câu lạc bộ Hồng Sơn đấy”.
Bên bát nước chè xanh xứ Nghệ, ông Niêm kể với niềm tự hào: “Thành viên câu lạc bộ tự tập ở nhà là chính. Họ học dạy dân ca trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh. Mỗi tháng hai lần đến câu lạc bộ để tập chung và lắp ráp chương trình. Có người ở gần, có người ở xa gần chục cây số nhưng khi được tin về câu lạc bộ tập là ai cũng có mặt. Có người đang làm ngoài đồng, nghe tin là dừng tay về nhà thay quần áo rồi đến ngay. Câu lạc bộ Hồng Sơn tự đi liên hệ để phục vụ nhân các ngày lễ đại đoàn kết toàn dân của xóm xã, ngày tế tổ nhà thờ họ Hồ – di sản văn hóa quốc gia (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu), ngày lễ đầu xuân. Tất cả đều phục vụ vô điều kiện. Đã thế mỗi thành viên còn tự nguyện đóng hội phí 10.000 đồng/người để trả tiền điện, nước sinh hoạt, luyện tập và thăm hỏi khi câu lạc bộ có người ốm đau”.
VŨ TOÀN – NGỌC NGA
Tuổi trẻ