Thể thao

V-League là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam đi xuống?

Đội tuyển quốc gia là bộ mặt của cả nền bóng đá, còn giải quốc nội là nền tảng của nền bóng đá đấy. Một khi các đội tuyển Việt Nam liên tiếp gây thất vọng, thì cần xem lại phần nền tảng là giải V-League.

Nhìn lại bối cảnh trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019, vào tối 5/9. Trận đấu ấy diễn ra khi mà V-League đã tạm ngưng đến 2 tháng trời.

Tức là trong vòng 2 tháng đấy, gần hết các tuyển thủ quốc gia không được thi đấu đúng nghĩa. Và hậu quả của 2 tháng không đá bất cứ trận chính thức nào là các tuyển thủ Việt Nam không đủ thể lực để đá một trận cầu trong khuôn khổ vòng loại giải châu Á, với hình ảnh hụt hơi ở cuối trận đấu và rất vất vả bảo vệ tỷ số, cho dù đối thủ chỉ là Campuchia bị đánh giá yếu hơn.

2 tháng không có bất cứ trận đấu đúng nghĩa nào cũng khiến cho cảm giác bóng của gần hết các tuyển thủ Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khâu phối hợp trước Campuchia từ đó mà lạc lỏng, vì cầu thủ còn cảm giác đâu mà tìm thấy sự liên lạc với nhau trên sân.

Đội tuyển Việt Nam bị chịu ảnh hưởng không tốt từ một giải V-League được tổ chức thiếu khoa học

Chẳng có bất cứ nền bóng đá tiến bộ nào trên thế giới có lịch thi đấu lạ lùng như giải V-League của bóng đá Việt Nam: Giải đấu đá xong lượt đi, các đội nghỉ 2 tháng, đá lại 3 trận trong vòng ít ngày, rồi nghỉ thêm 2 tháng nữa.

Cũng chẳng có nền bóng đá tiến bộ nào trên thế giới người ta dừng giải vô địch quốc gia khi các đội trẻ thi đấu quốc tế như giải V-League: Đầu tiên V-League dừng 2 tháng sau lượt đi để đội tuyển U20 Việt Nam đá World Cup U20, sau đó lại dừng thêm 2 tháng để đội tuyển U22 đá SEA Games.

Hậu quả của việc dừng thi đấu quá thiếu khoa học đó là các tuyển thủ quốc gia bị thiệt thòi so với mọi đối thủ ở đấu trường quốc tế, khi họ phải làm nhiệm vụ tại vòng loại Asian Cup.

Và kết quả của việc dừng giải V-League như trên cũng đã rõ: Bóng đá Việt Nam sẵn sàng dừng V-League cho đội tuyển U22 đá SEA Games, nhưng chính đội tuyển U22 đấy vẫn thất bại bẽ bàng nhất lịch sử bóng đá nội tại các kỳ SEA Games.

Ngược lại, Thai-League vẫn đều đặn diễn ra khi đội tuyển U22 Thái Lan thi đấu tại SEA Games 29, và đội bóng U22 Thái Lan chỉ cần 1 tuần tập trung trước SEA Games đấy lại đoạt HCV, sau khi loại đội tuyển U22 Việt Nam tập ròng rã 2 tháng trời ở vòng bảng.

Đấy cũng chính là lý do mà bóng đá Việt Nam bị đánh giá là thụt lùi so với nhiều nền bóng đá thuộc nhóm trên của khu vực Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia, cũng như bị rút ngắn khoảng cách bởi các nền bóng đá thuộc nhóm dưới trong khu vực, điển hình như Campuchia.

Bóng đá Việt Nam không thể bứt lên trên, lại bị níu kéo bởi nhóm dưới bởi chúng ta điều hành giải quốc nội quá thiếu khoa học, cũng chẳng theo thông lệ của bất cứ nền bóng tiến bộ nào cả.

Đấy là chưa nói đến chuyện V-League dừng quá nhiều quãng còn ảnh hưởng đến tài chính, quỹ lương của các CLB, đến việc điều chỉnh phong độ cho các cầu thủ của các nhà chuyên môn. Mà một khi đã ảnh hưởng đến chuyên môn, tức là ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nền bóng đá, ảnh hưởng đến tài chính, tức là ảnh hưởng đến sức sống của nền bóng đá đấy!

Thành ra, không chấn chỉnh V-League, bóng đá Việt Nam có nguy cơ tiếp tục tụt hậu về mặt nền tảng, có nguy cơ tiếp tục thụt lùi thêm nữa!

Tác giả: Trọng Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: bóng đá nam , V-League , việt nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP