Từ chuyên môn…
Công tâm mà nói, việc tướng Phúc nhận đội tuyển, và U23 Việt Nam trong thời điểm mà không ai dám nhảy vào, đó là sự dũng cảm cần phải đáng ghi nhận của ông thày người Hà Nội.
Và cũng cần phải thẳng thắn một điều, những “thủy thủ đoàn” mà thuyền trưởng của tuyển U23 Việt Nam có trong tay ở chuyến hải trình tại SEA Games 27 không thật sự tốt nhất của bóng đá nước nhà.
Tuy nhiên dù có thông cảm thế nào đi chăng nữa, như mọi thất bại khác người chịu trách nhiệm lớn nhất vẫn là HLV trưởng. Mà ở đây không ai khác là tướng Phúc.
U23 Việt Nam thất bại ở SEA Games 27 có lỗi không nhỏ của HLV Hoàng Văn Phúc. Ảnh: SN |
Năng lực cầm quân của HLV trưởng U23 Việt Nam có tốt hay không khi gần như chẳng tạo được dấu ấn nào cho lối chơi của đội tuyển trong suốt thời gian qua?
Câu trả lời đã được người hâm mộ, hay giới chuyên môn nhìn thấy, và cũng không đơn giản chỉ là việc đội tuyển bị loại ngay từ vòng đấu bảng như vừa qua.
3 tháng trời ròng rã, đá đủ giải, đi tập huấn khắp nơi nhưng xem U23 Việt Nam đá không thấy được đường ra. Tức, rối rắm cũng như quá ít những pha phối hợp mạch lạc.
Đọc trận đấu cũng là một vấn đề lớn, những sự thay đổi người của tướng Phúc gần như chẳng mang lại sự thay đổi nào về lối chơi, cũng như thay đổi thế trận cho U23 Việt Nam.
Đòi hòi thay đổi lối chơi, hay sự đột biến cũng là khó, bởi thật ra những con người mà thuyền trưởng người Hà Nội thay thế, chẳng cần nhìn cũng biết sẽ thay ai, và chơi ở vị trí nào…
Thủy thủ đoàn kém, thuyền trưởng lạc hướng đi để khiến U23 Việt Nam chẳng khác gì con tàu Titanic trước đây. Có nghĩa hào nhoáng, hy vọng rồi chìm trong thất bại, và ê chề.
…và bảo thủ
Tướng Phúc yếu về chuyên môn đã đành, tuy nhiên sự bảo thủ của thuyền trưởng U23 Việt Nam mới là điều đáng để bàn. Và đây, cũng chính là một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của đội nhà.
Thuyền trưởng của U23 VN không chỉ yếu về chuyên môn mà còn bảo thủ. Ảnh: SN |
Thử hỏi rằng, suốt 3 tháng tập trung dài dằng dặc, danh sách triệu tập mà ông thày người Hà Nội trình lên với Tổng Cục TDTT lẫn VFF chỉ đóng khung đúng 25 cầu thủ.
25 con người ấy theo tướng Phúc chinh phục Đông – Tây, và liên tục dính chấn thương. Nhưng, gần như mỗi lần hỏi về vấn đề có bổ sung hay không, thuyền trưởng U23 Việt Nam đều lắc đầu, hoặc nói rằng “vẫn mở cửa” nếu cần thiết.
Nhưng cuối cùng, chẳng có thêm bất cứ ai được gọi lên để thay thế, bổ sung cả, dù ở lứa tuổi dự SEA Games còn khá nhiều những cái tên xuất sắc, điển hình như Tấn Tài (ĐT.LA), Khắc Ngọc, Đình Bảo (SLNA).
Cách làm bảo thủ của tướng Phúc càng trở nên tệ hơn, khi ông nhất quyết giữ Hoàng Thịnh – người bị chấn thương suốt đợt tập huấn ở Hungary, cho tới BTV cup mà không hề có phương án thay thế.
Đương nhiên, Hoàng Thịnh là một cầu thủ tốt, nhưng rõ ràng chấn thương kéo dài, và hoàn toàn không thể hồi phục. Thậm chí hồi phục đi chăng nữa cũng khó dự SEA Games vì thể lực, cũng như không tập cùng đội nhiều.
Giữ cầu thủ người xứ Nghệ tới tận ngày chốt danh sách cuối cùng để đi Myanmar, nhiều người hơi “choáng” vì chẳng hiểu ông Phúc nghĩ gì, và muốn gì ở chấn thương của Hoàng Thịnh.
Cũng bởi cách làm bảo thủ, không có tính cạnh tranh cao ấy, thành ra khi trận đấu đầu tiên sắp diễn ra rồi chấn thương vẫn hành hạ U23 Việt Nam, với Thanh Hào, Mạnh Hùng hay Huy Hùng.
Mang tới giải đấu một đội hình với quá nhiều “thương binh”, và cũng quá trễ để thay thế thử hỏi rằng U23 Việt Nam thất bại có xứng đáng hay không chắc cũng không cần trả lời nữa.
Duy Nguyễn (từ Nay Pyi Taw)