Những khó khăn, hạn chế
Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đội ngũ báo cáo viên (BCV) cấp tỉnh có 50 đồng chí, cấp huyện 570 đồng chí, cấp xã 1.251 đồng chí. Tuy nhiên, “Việc tổ chức hội nghị BCV đến cấp huyện, xã nhiều nơi chưa được thực hiện thường xuyên theo định kỳ. Sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền tại một số địa phương, đơn vị đối với hoạt động BCV, công tác tuyên truyền miệng chưa cao” (Báo cáo tổng kết hoạt động công tác BCV năm 2014, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
Người làm công tác tuyên truyền nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không nắm vững kiến thức, hiểu biết cụ thể về vấn đề cần trao đổi thì có thể ngoài việc không đạt mục đích định hướng tư tưởng còn làm phát sinh những vấn đề khác |
Tiếp xúc với rất nhiều cán bộ là BCV từ tỉnh đến cấp cơ sở, khi được hỏi, họ đều trả lời: tuyên truyền miệng là việc khó, thậm chí rất khó. Khó là vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Bên cạnh đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của chủ trương, chính sách còn có yếu tố năng lực, trình độ, sự hiểu biết chắc chắn về chủ trương, chính sách và phương pháp tuyên truyền; cách thức xử lí tình huống; cách kết hợp cử chỉ, điệu bộ làm tín hiệu truyền tải thông tin, thậm chí, còn phụ thuộc vào các yếu tố sinh lí cá nhân như: nội tâm, âm sắc giọng nói, diện mạo, trạng thái…
Đồng chí Nguyễn Hà Lương – Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Tĩnh cho rằng: Nếu tuyên truyền không khéo, chỉ dựa vào các văn bản cụ thể thì rất khó thuyết phục người nghe, thậm chí, bị xem là sáo rỗng; nếu linh hoạt trong bài giảng thì phải thật sự thận trọng, phải nắm thật chắc kiến thức thì mới trình bày được.
Hạn chế về trình độ, năng lực, cùng với việc nắm bắt chưa đầy đủ thông tin dư luận xã hội (do mạng lưới cộng tác viên hoạt động chưa hiệu quả, sự phối hợp giữa các ban, ngành chưa tốt) đã tác động đến chất lượng tuyên truyền, trong đó có khả năng đối thoại, định hướng tư tưởng từ trên xuống.
Cơ cấu đội ngũ BCV cấp huyện, nhất là cấp cơ sở, hầu hết đều kiêm nhiệm. BCV cấp huyện, ngoài một số công tác ở ban tuyên giáo, hầu hết là trưởng, phó các ban, phòng, ngành. Sự kiêm nhiệm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền nên tại một số huyện đã xảy ra tình trạng BCV cấp huyện được hưởng phụ cấp khá đều đặn nhưng không tham gia đầy đủ các cuộc sinh hoạt BCV do đơn vị tổ chức, thậm chí, không thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng theo định kỳ, chưa nói đến các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh. Theo tìm hiểu, tình trạng này ở một số huyện đã kéo dài nhiều năm, song, do thường trực cấp ủy và ban tuyên giáo huyện ủy chưa mạnh dạn kiện toàn, đổi mới.
Một khó khăn nữa đối với đội ngũ BCV là vấn đề phụ cấp. Tại các hội nghị BCV Tỉnh ủy mới đây, đại diện các ban tuyên giáo huyện, thị, thành đã nêu khó khăn về vấn đề phụ cấp và mong muốn được chi trả. Tuy nhiên, hiện thời câu trả lời vẫn chưa được đưa ra do phụ thuộc vào quy định của trung ương.
Linh hoạt, nhạy bén trước thềm đại hội Đảng
Cùng với những nội dung trọng tâm trong đại hội Đảng, nhất là vấn đề văn kiện và nhân sự, việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi đội ngũ BCV, cộng tác viên dư luận xã hội phải nhạy bén, bằng nhiều kênh nắm bắt cụ thể tình hình từng địa bàn, từng đơn vị. Tại cuộc làm việc mới đây với đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Phạm Hữu Bình nhấn mạnh: Hiện tại, Ban Tuyên giáo đang chỉ đạo các ban, phòng, ngành, nhất là đội ngũ BCV, cán bộ các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường khảo sát, nắm bắt dư luận xã hội, nhất là những nơi liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng như dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang, vấn đề giao đất.
Việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các báo cáo viên |
Ông Bình cũng cho biết, nếu phát hiện vấn đề khó khăn nảy sinh liên quan đến tư tưởng cán bộ, dư luận trong nhân dân, chúng tôi sẽ trực tiếp nắm bắt, trao đổi và làm rõ, đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong đảng bộ, nhân dân. “Mặc dù tình hình địa phương cơ bản ổn định, chưa thấy các dấu hiệu phức tạp nhưng chúng tôi luôn chủ động trong nắm bắt thông tin dư luận” – ông Bình nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên Hà Văn Bình cho rằng: “Trước thềm đại hội Đảng, đội ngũ BCV, tuyên truyền viên phải làm việc linh hoạt, chủ động nắm bắt tình hình, sẵn sàng đối thoại với cán bộ, đảng viên trước những vấn đề cụ thể trên cơ sở đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Trưởng ban Tuyên giáo huyện Kỳ Anh Đặng Xuân Lự chia sẻ: “Tuyên truyền nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng là việc rất khó, vì thế, chúng tôi phải tập trung cả hệ thống chính trị, trong đó, đội ngũ BCV đã sâu sát người dân thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp một cách bài bản, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”.
Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Viết Trường: Tuyên truyền là việc khó, trong đó, khó nhất là đối thoại; người làm công tác tuyên truyền nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không nắm vững kiến thức, hiểu biết cụ thể về vấn đề cần trao đổi thì có thể ngoài việc không đạt mục đích định hướng tư tưởng còn làm phát sinh những vấn đề khác; bên cạnh đó, việc nắm bắt dư luận xã hội cũng đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, cần phải phân biệt được đâu là tin đồn, đâu là dư luận xã hội.
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau khi phân công các thành viên tham gia các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Đảng ở các địa phương, hầu hết các báo cáo chính trị ở cơ sở chưa đề cập sâu tới các vấn đề tư tưởng cán bộ, đảng viên. Các thành viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã góp ý trực tiếp với các đơn vị, đề nghị bổ sung những nội dung căn bản trong công tác tư tưởng, đặc biệt là nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để làm tốt vấn đề này, lấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm tiêu chuẩn quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện.
Đại hội Đảng thực chất là đề ra các quyết sách, lựa chọn con người để thực hiện quyết sách ấy, vì thế, trên đại thể, nó bao hàm cả công tác tuyên truyền, quán triệt về mặt tư tưởng chính trị, chống âm mưu diễn biến hòa bình. Do đó, ngay trong báo cáo chính trị, vấn đề này cần được tập trung phân tích trên các khía cạnh khác nhau.
Đại hội Đảng sắp diễn ra, nhiệm vụ tuyên truyền miệng được đặt ra khá nặng nề, đòi hỏi đội ngũ BCV phải năng động, linh hoạt. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội cần vào cuộc quyết liệt, sâu sát nắm bắt thực tiễn, kịp thời cung cấp thông tin cho cấp ủy. Muốn vậy, cấp ủy các cấp cần quan tâm, động viên đối với cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền miệng; kiện toàn đội ngũ BCV theo hướng chú trọng năng lực, trình độ; tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền; tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa đội ngũ BCV và các ban, phòng, ngành, nhất là các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 100, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Mạnh Hà/ Báo Hà Tĩnh