Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Ảnh: Internet) |
>> Toàn cảnh vụ dân đánh công an ở xã Bắc Sơn – Thạch Hà
Liên quan đến vụ người dân ở xã Bắc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh không đồng tình về việc lấy đất để xây dựng nghĩa trang và đã đánh bị thương 4 công an huyện Thạch Hà, trao đổi với Infonet, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH khóa VIII, IX cho rằng việc dân đánh bị thương công an là điều rất đáng tiếc cần xem lại công tác dân vận.
Tướng Thước cho biết: Việc này khởi nguồn từ người dân phản đối chính quyền xây dựng nghĩa trang, từ chỗ vụ việc rất đơn giản đã thành điểm nóng xô xát lẫn nhau.
Thưa ông, qua vụ dân đánh 4 công an bị thương ở Hà Tĩnh vừa xảy ra chiều 10/4 theo ông nguyên nhân do đâu?
Cách đây gần 20 năm lúc tôi đang làm Tư lệnh quân khu 4, có một thời gian ở Hà Tĩnh cũng đã xảy ra vụ việc trở thành điểm nóng như vụ tranh chấp đền thờ tổ ở Cẩm Đường. Để giải quyết vấn đề này, lúc ấy tất cả vấn đề gì liên quan đến dân là phải lấy công tác vận động nhân dân làm chính. Tức là lấy vấn đề chính trị đặt lên hàng đầu cho nên tôi đã gây dựng 5 phong trào của quân khu như: chính trị vững, quốc phòng mạnh, kinh tế phát triển, văn hóa xã hội tốt và chính sách hậu phương quân đội.
Như vậy sau đó trên địa bàn quân khu lúc tôi làm tư lệnh đã tổng kết được kinh nghiệm, phổ biến trên toàn quân khu phải xây dựng được cơ sở địa bàn an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, sau này toàn quân đã và đang vận dụng cuộc vận động này. Tức là xây dựng xã phường an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng xã phường vững mạnh toàn diện, hiện tại việc này cả nước đang thực hiện.
Trong thời kỳ đó, có lẽ đơn vị đầu tiên rút được kinh nghiệm và làm tốt, khắc phục được vấn đề đó là tỉnh Hà Tĩnh. Lúc đó Hà Tĩnh giải quyết được vấn đề trung ương một cách rất nhẹ nhàng. Điều quan trọng để giải quyết vấn đề để an dân đó là đi vào công tác vận động, giải thích, giác ngộ nhân dân, sau đó sự việc đã yên ổn.
Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Thạch Hà vừa qua là rất đáng tiếc. Qua sự việc này cho thấy chủ trương khi đụng đến lợi ích của dân mà dân không được bàn bạc một cách cụ thể thì rất phức tạp.
Muốn giải quyết được vấn đề này, trước hết phải lấy lợi ích của dân, lợi ích của chính trị làm đầu, vì lợi ích chung, để ổn định chính trị là vấn đề cơ bản và cốt lõi. Có lẽ công tác vận động chưa làm đến nơi đến chốn, khi dân chưa bằng lòng mà mình lại vội vàng, không tiếp tục vận động để đại bộ phận nhân dân người ta đồng tình nên công việc không hiệu quả.
Nếu một vài người nào đó mà không tốt, chống đối thì phải lấy chính người dân để giải quyết chứ không phải lấy công an để giải quyết. Tôi nghĩ việc đó có lẽ là như vậy vì không sát dân lắm, cho nên khi biết sự việc xảy ra tôi cũng đã định gọi điện cho quân khu, sao không kiểm tra lại công tác xây dựng xã, phường an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, lại để xảy ra sự việc như vậy.
Qua sự việc này cần rút kinh nghiệm gì trong công tác dân vận thưa ông?
Để xảy ra sự việc này tôi nghĩ rằng có lẽ lúc đầu chủ trương đó không được bàn bạc thống nhất một cách triệt để, lúc dân chưa đồng tình thì lấy công tác vận động, thuyết phục, lấy dân để thuyết phục dân, lấy cựu chiến binh, lấy thanh niên, lấy phụ nữ để mà thuyết phục, nếu làm được như vậy tôi tin chắc rằng sự việc sẽ xảy ra không đến nỗi như thế.
Vẫn biết rằng công việc rất gấp, nhưng gấp mà để xảy ra sự việc như vậy, muốn cho nhanh, nhưng cuối cùng lại chậm, nếu vận động được dân chấp nhận thì sẽ nhanh thôi.
Có lẽ các đồng chí vội đưa anh em công an ra để giải quyết, không dựa trên tình thần lấy dân để giải quyết cho dân. Cấp ủy chính quyền nên đứng ra chỉ đạo, anh em quân sự đứng đằng sau để vận động, nhất là lực lượng cựu chiến binh và phụ nữ đây là hai lực lượng mạnh, thêm Hội người cao tuổi nữa và lấy tiếng nói của dân để mà giải quyết thì chắc là ổn.
Để xảy ra tình trạng như thế phải nói rằng sau này cần phải rút kinh nghiệm. Có nhiều đối tượng cần kiên trì mềm dẻo, cần thời gian vận động khi người dân hiểu thì dân sẽ chấp thuận. Sự việc người dân đánh công an là chuyện không hay ho gì cả. Thứ hai nữa là dân phải ra tòa vì anh vi phạm pháp luật.
Việc người dân chống đối công an đây không phải lần đầu tiên diễn ra thưa ông?
Về vấn đề này tôi nghĩ rằng không riêng gì Hà Tĩnh mà các nơi khác nên nên lấy đó mà rút kinh nghiệm như vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Tôi cũng đã nói bài học trước kia của quân khu 4 rồi, nếu làm tốt, thì làm gì đến nỗi dân phải bố trí phòng thủ, đánh lại công an, đánh lại xã, đánh lại huyện.
Tôi nghĩ rằng qua việc này, về chính trị lâu nay chúng ta cứ yên tâm rằng quân khu 4 là địa bàn làm tốt vấn đề xây dựng xã, phường, tình hình kinh tế rất ổn định, nhưng ở đây có một cái đột biến mà do công tác bàn bạc với dân chưa được đến nơi đến chốn, không dùng dân để mà giải quyết vấn đề.
Mà lúc này đụng đến đất đai, đụng đến đời sống, môi trường là phức tạp lắm, rất nhạy cảm, chúng ta phải dùng nước để mà chữa lửa, chứ không phải dùng lửa để mà dập lửa. Nếu mình càng đưa ra áp lực, sức mạnh để giải quyết vấn đề thì nó càng kích thích cái nóng của người ta lên, lúc đó phải làm thế nào để hạ nhiệt người ta xuống bằng giải quyết vận động.
Đảng bộ và chính quyền địa phương phải đứng ra để mà chỉ đạo, vận động, thuyết phục, lấy dân để mà giải quyết cho dân có lẽ như vậy là tốt nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xuân Hải (thực hiện)