Gần 50 năm kể từ ngày độc lập (1965), từ một làng chài nhỏ bé được tách ra từ Malaysia và gần như không có tài nguyên thiên nhiên, nhân lực ít, Singapore đã vươn mình trở thành “con rồng kinh tế” châu Á. Ngoài TM-DV, sự thịnh vượng của đảo quốc Singapore còn thể hiện trên lĩnh vực cảng biển…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự (thứ hai phía bên phải) dẫn đầu đoàn cán bộ, doanh nghiệp thăm và làm việc với lãnh đạo cảng Jurong trong chuyến xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh tại Singapore tháng 11/2014. |
Trong chuyến xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh tại Singapore vừa qua, mặc dù lịch trình làm việc dày đặc, nhưng đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự dẫn đầu vẫn dành thời gian để trực tiếp tìm hiểu về hoạt động của cảng Jurong, thuộc hệ thống cảng biển Singapore. Mặc dù đã được xem trước những thông tin hoạt động về cảng qua video clip và lời giới thiệu của đại diện cảng Jurong, nhưng khi trực tiếp ra cảng, chúng tôi vẫn thấy choáng ngợp trước quy mô, sự hoạt động nhộn nhịp.
Jurong là một trong 6 cảng của hệ thống cảng Singapore, chuyên phục vụ bốc xếp container, sắt thép, xi măng và các mặt hàng rời khác. Với mực nước sâu tự nhiên đến -16m và ở một vị trí rất lý tưởng cho việc chuyển tải hàng hóa, cảng Jurong cũng như hệ thống cảng Singapore kết nối tới hơn 600 cảng của 123 quốc gia trên thế giới.
Hệ thống bốc xếp container tự động tại cảng Singapore (Ảnh: Internet) |
Theo lời giới thiệu của vị đại diện cảng Jurong thì tại đây luôn có hơn 2.000 nhân viên làm việc, nhưng điều bất ngờ là trên bến cảng gần như không thấy bóng người. Hệ thống băng chuyền xi măng rời từ tàu vào các kho chứa có đường kính 10-15m và chiều cao 20-30m được thực hiện tự động, khép kín; mỗi ngày, xuất, nhập hàng chục nghìn tấn xi măng rời nhưng không hề có bụi lọt ra ngoài. Các khâu kiểm soát xe ô tô ra vào cảng, bốc xếp hàng hóa đều được tiến hành tự động.
Hệ thống kiểm soát xe ra vào cảng có đến vài chục cửa ở một khu vực, nhưng mỗi xe qua cửa hoàn thành thủ tục không đến 25 giây. Bất kỳ xe ô tô nào ra vào cảng đều được các camera tự động nhận diện nhờ thiết bị gắn trên xe (thiết bị này là bắt buộc với tất cả các ô tô ở Singapore, phục vụ cho việc tính phí giao thông tự động). Các camera ở trạm kiểm soát sẽ tự động quay, chụp số xe, nhận diện lái xe, ghi nhận, xử lý các thông số ghi trên container trong khi hệ thống cân tự động kiểm tra trọng tải mà hoàn toàn không cần người điều khiển và thủ tục giấy tờ.
Các cầu trục, cần cẩu ở đây cũng bốc xếp hàng hóa hoàn toàn tự động, được điều khiển từ xa và có thể xếp đến 9 tầng container. Thông tin của các container khi đến cảng như: loại hàng hóa, xuất xứ, trọng lượng, nơi đến… đều được tiếp nhận, xử lý một cách tự động theo lập trình của hệ thống máy tính để phục vụ việc phân loại, bốc xếp hàng hóa lên tàu.
Trung tâm điều hành, xử lý bốc xếp, xuất nhập hàng hóa tại cảng Jurong |
“Việc ứng dụng hình thức cấp phép điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc xếp dỡ, vận chuyển, lưu trữ hàng hóa đã làm cho tốc độ giải phóng tàu nhanh hơn và cảng Singapore trở thành một trong những hệ thống cảng biển container nhộn nhịp nhất thế giới” – vị đại diện cảng Jurong khẳng định.
Nghĩ về Vũng Áng – Sơn Dương
Vũng Áng – Sơn Dương là những cảng biển nằm trong hệ thống cảng biển khu vực miền Trung, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi. Cảng Vũng Áng có độ sâu từ -11m đến -13m. Cảng Sơn Dương có độ sâu -23 đến -25m. Các cảng này có thể tiếp nhận tàu từ 50.000 – 300.000 tấn. Từ cảng Vũng Áng – Sơn Dương theo tuyến hàng hải quốc tế dễ dàng đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới.
Cảng Vũng Áng |
Cảng Sơn Dương đang được Tập đoàn FORMOSA đầu tư xây dựng thành cảng chuyên dụng hiện đại với quy mô 32 cầu cảng (2 giai đoạn), tổng chiều dài các bến hơn 8,6 km. Cảng Vũng Áng cũng đã được đầu tư xây dựng 2 cầu cảng và do Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào quản lý, khai thác từ năm 2001.
Theo quy hoạch, toàn bộ khu vực cảng Vũng Áng có tổng diện tích 505 ha, trong đó có 123 ha quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng (logistics) và có thể đầu tư xây dựng trên 20 bến với tổng chiều dài khoảng 4,5 km (diện tích cảng Singapore 600 ha). Ngoài 2 bến đã được Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào quản lý, khai thác, nơi đây đang còn “khoảng trống chờ được lấp đầy”, một mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có đủ tiềm lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển và hậu cần cảng biển vào đầu tư. Lợi thế của cảng Vũng Áng không chỉ là độ sâu, gần tuyến hàng hải quốc tế, nơi đây còn có hệ thống giao thông đường bộ nối tuyến Bắc -Nam; đường 8, đường 12 nối với Lào và các tỉnh vùng Đông bắc Thái Lan – cửa ngõ gần nhất để ra biển Đông.
Cảng Sơn Dương đang được Tập đoàn FORMOSA đầu tư xây dựng thành cảng chuyên dụng hiện đại với quy mô 32 cầu cảng |
Với những tiềm năng, thế mạnh riêng có của Vũng Áng, trong chuyến xúc tiến đầu tư tại Singapore vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác đã dành thời gian để tìm hiểu về hoạt động của cảng; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp Singapore có kinh nghiệm về xây dựng, quản lý, khai thác cảng biển đến Hà Tĩnh nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực cảng biển như: Jurong International, Jurong Port cũng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến Khu kinh tế Vũng Áng nói chung và cảng Vũng Áng nói riêng.
Theo lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, đối với Singapore hiện nay, việc đầu tư phát triển cảng biển, công nghiệp là rất khó do quỹ đất hạn hẹp, vì vậy, đầu tư ra nước ngoài đang là giải pháp tối ưu của quốc đảo này.
Mong muốn về một hải cảng Vũng Áng sầm uất, phát triển xứng tầm luôn thường trực trong suy nghĩ của những người đứng đầu tỉnh.
Thanh Hoài/baohatinh.vn