Văn hoá Dân gian

Truyện Kiều mãi là dòng chảy văn hoá nhân văn trong tâm thức người Việt

Hội viên của Hội Kiều học không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, tôn giáo…, có điểm chung là yêu mến Truyện Kiều, có nguyện vọng tìm hiểu, nghiên cứu làm phát lộ những giá trị tinh tuý của tác phẩm Truyện Kiều, qua đó để quảng bá, tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá của Đại thi hào Nguyễn Du, của dân tộc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, ông Võ Hồng Hải nhận định.



Từ đầu thế kỷ XX, học giả Phạm Quỳnh đã có câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Trải qua hàng trăm năm với biết bao dâu bể từ khi Đại Thi hào Nguyễn Du viết ra, Truyện Kiều vẫn mãi lay động tâm trí hàng triệu triệu người trên khắp thế giới. Có thể nói chưa có một áng văn thơ nào của Việt Nam được truyền tụng, thấm đẫm nhân văn trong đời sống xã hội như Truyện Kiều.


Sau rất nhiều năm những người yêu Truyện Kiều vận động, mới đây Hội Kiều học Việt Nam đã chính thức được thành lập do Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học), GS Phùng Lệ (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) và ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh làm Phó hội trưởng. Nhân sự kiện này, phóng viên CAND cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hồng Hải – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam.


PV: Truyện Kiều của Nguyễn Du đã ra đời hơn 200 năm nay được coi là tác phẩm gắn bó với rất nhiều người Việt Nam từ khi mới cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày tận thế. Sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều đã vượt qua mọi không gian, thời gian. Vì vậy việc thành lập Hội Kiều học là hết sức cần thiết thưa ông?


Ông Võ Hồng Hải: Sau thời gian vận động thành lập, Hội Kiều học Việt Nam đã được Bộ Nội vụ cho phép thành lập theo Quyết định số 1400/QĐ-BNV vào ngày 14/7/2011. Sáng 3/11, tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Kiều học Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập với sự có mặt của hơn 200 hội viên và nhiều quan khách.


– Hơn 200 năm qua, Truyện Kiều với vị trí là “tập đại thành của văn học cổ điển nước nhà” đã tồn tại xuyên suốt với chiều dài lịch sử văn hoá dân tộc. Đúng như suy nghĩ của bạn, Truyện Kiều gắn bó với mỗi người dân Việt ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời trong tiếng ru à ơi của bà, của mẹ… Truyện Kiều cũng là tác phẩm không phân biệt người đọc, vừa mang tính bác học, hàn lâm, vừa dân dã, gần gũi. Người nông dân vừa cày cấy vừa say sưa trích đoạn ít câu Kiều; chàng lính trẻ chao mình trên cánh võng Trường Sơn ngâm Kiều trong những năm chiến tranh lửa đạn; bao thế hệ giáo viên, học sinh vẫn miệt mài giảng dạy, học tập Truyện Kiều… Có một câu chuyện hết sức cảm động là trong nhà lao trước ngày xử án, Lý Tự Trọng đã xin một cuốn Kiều để đọc, để ngâm; gần đây, tại Bình Dương có một người làm nghề chăn nuôi lợn đã dành dụm vốn liếng xây dựng một “Vườn Kiều” “có cây cổ thụ, có hoa bốn mùa”…


Thời gian qua, rất nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu Truyện Kiều, có những người gần như dành hẳn cả cuộc đời cho Truyện Kiều. Vì vậy, việc ra đời một tổ chức của những người yêu Truyện Kiều, theo tôi là một tất yếu, đáng ra có thể làm sớm hơn rất nhiều. Từ ba năm nay, đã có một số người dành trọn tâm huyết tích cực vận động để thành lập Hội Kiều học như TS Phan Tử Phùng, nhà nghiên cứu Bùi Thiết, Lê Xuân Lít, Nguyễn Khắc Bảo, GS Phong Lê, GS Trần Đình Sử, nhà thơ Vũ Quần Phương… Hội viên của Hội Kiều học không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, tôn giáo…, có điểm chung là yêu mến Truyện Kiều, có nguyện vọng tìm hiểu, nghiên cứu làm phát lộ những giá trị tinh tuý của tác phẩm Truyện Kiều, qua đó để quảng bá, tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá của Đại thi hào Nguyễn Du, của dân tộc Việt Nam.


PV: Về tác phẩm Truyện Kiều từ trước tới nay đã được rất nhiều học giả dày công nghiên cứu, có người đã dành cả cuộc đời để đi tìm cái hay cái đẹp trong 3.254 câu Kiều. Sức lan toả của Truyện Kiều trong đời sống xã hội rất mãnh liệt. Và do quá trình tam sao thất bản nên nhiều bản Kiều hiện nay có chỗ câu, chữ còn khác nhau. Bên cạnh đó nhiều học giả cũng đã có cách hiểu khác nhau đối với nhiều đoạn trong Truyện Kiều. Vậy Hội Kiều học có ý kiến gì đối với những vấn đề này?


Ông Võ Hồng Hải: Ngay sau khi thành lập, Hội đã nhất trí tập trung khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu phục dựng một bản Kiều gần với nguyên tác nhất để truyền bá rộng rãi (công việc này trước đây đã có một số học giả tên tuổi như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn… triển khai nhưng hiện vẫn còn dang dở). Hội cũng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hoá tiêu biểu của nhân loại. Có thể nói, cho đến nay ở nước ta chưa có một tác phẩm văn học nào có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Truyện Kiều. Do yêu Truyện Kiều mà nảy sinh nhiều loại hình nghệ thuật, văn chương như tập Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều…; thậm chí còn dùng Truyện Kiều để bói toán vận hạn tốt xấu (bói Kiều). Truyện Kiều được dựng thành phim, đưa lên sân khấu tuồng, chèo, cải lương và cả hợp xướng nữa; một số họa sĩ, kiến trúc sư còn minh họa bằng thiết kế, tranh vẽ; lại có cả một cuốn từ điển để học giả, người đọc tra cứu điển tích, ngữ nghĩa…


Mặc dù Truyện Kiều ra đời cách đây mấy trăm năm nhưng các nhà xuất bản hàng năm đều in với số lượng lớn và được nhân dân đón đọc thích thú. Truyện Kiều đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc… Năm 1926, dịch giả người Pháp Rơ-ne-cry-sac khi dịch Truyện Kiều đã viết bài nghiên cứu dài 96 trang, có đoạn: “Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ thời đại nào” và ông kết luận: “Sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc”.


Lãnh đạo Hội Kiều học trong ngày ra mắt.


PV: Đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều đã được thế giới vinh danh. Năm 1964, tại Berlin, Hội đồng Hòa bình thế giới họp từ ngày 6 đến ngày 9-12 đã ra Quyết nghị lấy năm 1965 là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trên toàn thế giới cùng với 8 danh nhân khác đã có những đóng góp lớn cho nền văn hóa của nhân loại. Vậy tại quê hương ông, chúng ta đã, đang xây dựng thế nào để khu di tích xứng danh với tên tuổi của Đại thi hào?


Ông Võ Hồng Hải: Cách đây 45 năm, trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng cùng với quyết nghị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du của Hội đồng Hoà bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào một cách trọng thể, cả trong và ngoài nước, đặc biệt là ở quê hương Hà Tĩnh. Đây là một dấu mốc lớn trong việc nghiên cứu, đánh giá và khẳng định, tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ đó đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, văn học của Nguyễn Du vẫn được tiến hành và thu nhiều kết quả mới.


Đối với di sản văn hoá Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn – Tiên Điền, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đang chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tổng thể Khu Văn hoá – Du lịch Nguyễn Du, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng đề án Không gian văn hoá Nguyễn Du và cố gắng tập trung mọi nguồn lực để triển khai, tạo thành một trọng điểm của du lịch quốc gia, đáp ứng được phần nào ước nguyện tha thiết của nhân dân và bạn bè thế giới. Các công việc chính là tiếp tục bảo tồn có hiệu quả quần thể di tích, xây dựng thêm một số không gian, hạng mục mới như Thư viện Nguyễn Du, không gian Truyện Kiều; tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản các ấn phẩm; bảo tồn, phục dựng các loại hình nghệ thuật diễn xướng gắn với Truyện Kiều…


PV: Ông có thể cho biết sức lan toả của Truyện Kiều hiện nay ở chính quê hương của thi hào Nguyễn Du?


Ông Võ Hồng Hải: Truyện Kiều đã ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh. Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Đại thi hào. Qua các hoạt động này, Truyện Kiều lại được vinh danh, quảng bá, lan toả.


Hai hội thảo khoa học lớn đã được tổ chức vào năm 2005, 2010; nhiều câu lạc bộ Trò Kiều do các nghệ nhân dân gian chủ trì tổ chức đã được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng; nhiều cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều được tổ chức và thu hút sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh; đã xuất bản thêm nhiều ấn phẩm như sách, băng đĩa về Nguyễn Du, Truyện Kiều…


Tới đây, kỉ niệm ngày sinh Nguyễn Du đã được Bộ VH,TT&DL chính thức đưa vào chương trình Năm Du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ – Huế 2012 với nhiều hoạt động có ý nghĩa như đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng cho quần thể di tích Đại thi hào Nguyễn Du, chính thức phát động các hoạt động hướng tới kỉ niệm 250 năm ngày sinh của Danh nhân văn hoá đất Việt và nhân loại – năm 2015…


PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.


Theo cách tính của một số nhà nghiên cứu, đến nay Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt nhiều “kỷ lục” thế giới: Thú chơi tập Kiều; Mười bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp; Bảy cuốn Hậu Truyện Kiều; Truyện Kiều đọc ngược; Văn hóa Kiều; và nhiều “kỷ lục” Việt Nam như: quyển truyện thơ duy nhất dùng để bói; quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Vịnh Kiều”; tác phẩm tạo ra nhiều câu đố nhất; quyển sách tạo ra nhiều giai thoại nhất; tác phẩm có số sách viết nhiều nhất ở Việt Nam; bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam là từ Truyện Kiều; quyển sách nặng nhất, dài nhất ở Việt Nam… Ngoài ra còn có rất nhiều điểm độc đáo khác ở Truyện Kiều, như: sách bằng chữ Nôm được in đi in lại nhiều lần nhất; tác phẩm có số lượng các bài báo viết về nó nhiều nhất; trong 4 năm gần đây đã có thêm 20 quyển sách nghiên cứu về Truyện Kiều; Truyện Kiều là quyển sách có đời sống thăng trầm nhất; tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam làm điểm tựa cho một luận án Tiến sĩ của người nước ngoài và cũng là cơ sở cho nhiều luận án Tiến sĩ nhất; tác phẩm được đưa lên sân khấu với nhiều thể loại nhất; tác phẩm văn học qui tụ được nhiều nhất sự quan tâm của các danh họa hàng đầu; văn bản mà người ta cãi nhau về chữ nghĩa nhiều nhất…; thậm chí vì yêu Truyện Kiều, tranh luận về câu chữ mà 2 nhà nghiên cứu đáng kính là Đào Thái Tôn và Nguyễn Quảng Tuân còn đem nhau ra toà!



Dương Sông Lam (thực hiện)

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP