PGS. TS., Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự T.Ư |
PGS. TS., Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự T.Ư - người có hơn 20 năm làm thẩm phán chia sẻ, nếu vẫn tìm thấy ở bị cáo xứng đáng nhận án tử một lý do đáng để được sống, ông luôn muốn cho họ một cơ hội làm lại cuộc đời.
Đau đáu xây dựng pháp luật mang tính hướng thiện
Khi đến gặp vị Trung tướng tại nhà riêng, thấy ông đang miệt mài bên chiếc máy tính và một đống tài liệu luật, ông nói rất bận rộn với lịch trình được mời đi giảng dạy và làm các đề án khoa học. Ông chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/8, nhưng ông nói vui rằng, về hưu có lẽ còn bận hơn cả lúc đi làm.
Sinh năm 1954 ở Hà Tĩnh, Trung tướng Trần Văn Độ sớm là một học sinh học giỏi nổi trội, ngay khi vừa tốt nghiệp cấp 3 ông có giấy gọi đi học đại học ở nước ngoài, nhưng ông đã quyết bỏ cơ hội ấy để lên đường nhập ngũ trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh. Sau đó, ông được cho đi học quân y, vì người ta nói tính ông nhẹ nhàng, rất hợp với nghề này. Nhưng có lẽ, cơ duyên với ngành luật “bén” vào ông ngay từ những lúc ấy, nên theo học quân y được vài tháng, ông lại được cử đi học luật tại Liên Xô. Vậy là, ông “bỏ Y theo Luật”.
Ông học tiếng Nga trong một năm và trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên được chọn vào học Luật tại trường Lomonoxop. Sau 5 năm, ông trở về rồi tiếp tục sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Cũng lại là một trường hợp đặc biệt khi ông là người đầu tiên được tuyển thẳng từ sinh viên thành nghiên cứu sinh. Sau 10 năm học tập và nghiên cứu về Luật tại ngôi trường Luật danh giá ở Liên Xô, năm 1986 ông về nước.
Ban đầu, ông làm việc tại Tòa án quân sự T.Ư từ vị trí trợ lý, Thư ký tòa án, Thẩm phán và sau này làm Chánh án Tòa án quân sự T.Ư, Phó chánh án TAND Tối cao. Ông chia sẻ, thời gian học tập ở Liên Xô đã cho ông những kiến thức pháp lý hàn lâm toàn diện phục vụ cho quá trình làm việc, nghiên cứu sau này và có giá trị áp dụng thực tiễn cao. Đặc biệt, ông luôn có một quan điểm tiến bộ về phòng ngừa tội phạm theo hướng coi trọng phòng hơn chống, ông luôn đau đáu xây dựng các quy định pháp luật mang tính hướng thiện, giáo dục con người.
Chính sách càng nhân đạo, tội phạm càng ít
Từng dành phần lớn thời gian nghiên cứu rất nhiều hệ thống luật pháp và các chính sách hình sự của các nước khác nhau, Trung tướng Trần Văn Độ rút ra một triết lý, với các nước phát triển về KT-XH thì tội phạm ít, còn những nước càng ít phát triển hơn, quản lý xã hội lạc hậu hơn tội phạm lại cao.
“Tôi nghiên cứu và thấy rằng, nước nào có chính sách hình sự càng nhân đạo thì tội phạm càng ít. Chúng ta là một trong những nước có chính sách hình sự quá nghiêm khắc, nghiêm khắc chứ không phải nghiêm minh. Nó đã tạo ra một bối cảnh xã hội căng thẳng, con người sống trong bối cảnh ấy dễ có hành vi bức xúc, mất kiểm soát, dẫn đến phạm tội”, ông chia sẻ và nhấn mạnh rằng, pháp luật phải lấy con người, lấy sự phát triển và cuộc sống của con người làm gốc.
Cũng chính vì thế, ông cho rằng cần có hệ thống chính sách pháp luật chung, hướng thiện, nhân văn, bảo vệ con người một cách tốt nhất và quan trọng là phải đề cao tính phòng ngừa, xử nghiêm minh chứ không phải nghiêm khắc. “Nhiều người nói rằng phải xử nặng là để răn đe, nhưng tôi cho rằng không răn đe được”, Tướng Độ nói.
Có lẽ cũng chính vì thế, trong hơn 20 năm làm thẩm phán, ông chưa từng quyết một án tử nào, trong bất cứ vụ án nào ông cũng tìm được những lý do để cho các bị cáo một cơ hội làm lại cuộc đời, và quan trọng, chưa bao giờ ông phải hối hận về những quyết định của mình.
Chứng minh cho quan điểm của mình, ông đưa ra nhiều dẫn chứng. Điển hình như khi vụ án ma túy lớn đầu tiên của Việt Nam được đem ra xét xử, có 6 bị cáo chịu mức án tử hình vì mua bán 15 bánh heroin, Trung tướng Trần Văn Độ cho đó là một bản án vô cùng nghiêm khắc, ai cũng nói sau vụ này thì không ai dám buôn bán heroin nữa.
Nhưng thực tế, tình hình mua bán heroin lại ngày càng phức tạp, thậm chí có người buôn tới hàng nghìn bánh, có vụ đã xử tới 30 án tử. “Như vậy, xử nghiêm có ngăn ngừa được đâu. Vấn đề nằm ở chỗ phải phòng ngừa, Nhà nước phải có biện pháp quản lý xã hội, làm sao để người ta đủ công ăn việc làm, để họ không lao đầu vào con đường ma túy chứ không phải cứ để người ta lao vào rồi xử thật nặng, như thế thì hiệu quả ở đâu?”, ông phân tích.
Luôn tìm lý do để “cứu vớt” được một con người
Ông cũng kể về một vụ án khác khiến ông khá ấn tượng, là vụ án về một người lính trẻ mới bước qua tuổi vị thành niên. Cậu lính trẻ này thường xuyên bị lính cũ bắt nạt, tính đến khi xảy ra vụ việc, cậu đã bị đánh tới lần thứ 8.
Hôm đó, vào một buổi tối, khi đang canh gác, cậu nhìn thấy người bạn thân của mình bị 5 người lính cũ hay đánh mình đuổi đánh. Vì đang đứng gác, có súng trên tay, cậu bóp cò bắn chết 3 người, làm bị thương 2 người. Tòa án cấp sơ thẩm xử cậu mức án tử hình. Đến giai đoạn phúc thẩm, Trung tướng Trần Văn Độ được giao xét xử vụ án.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông nhận thấy, cậu lính gây thảm án một phần do lỗi rất nghiêm trọng của các bị hại và do lỗi quản lý quân nhân của đơn vị; Xét thấy bị cáo còn có thể cải tạo, giáo dục trở thành người lương thiện, ông đã thuyết phục các thành viên HĐXX quyết định sửa án sơ thẩm, tuyên cậu mức án chung thân. “Sau 16 năm chấp hành án, cậu lính ấy được tha tù trước thời hạn. Cậu ấy đã làm lại cuộc đời, trở thành một doanh nhân thành đạt”, ông tâm sự.
Trung tướng Trần Văn Độ làm việc ở Tòa án quân sự T.Ư được 30 năm cho đến khi nghỉ hưu. Trong suốt quá trình công tác ở các vị trí khác nhau, từ Thẩm phán đến lãnh đạo Tòa án quân sự, là ĐBQH, ông luôn trăn trở về tính nghiêm minh, nhân đạo của pháp luật.
Khi sửa Bộ luật Hình sự năm 1999, với tư cách một ĐBQH, ông đã ủng hộ phương án bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh. Ông cũng là người khởi xướng đề xuất “cần truy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân” khi mà trước đó tội phạm gây ô nhiễm môi trường của một số công ty gây thiệt hại vô cùng lớn cho người dân không thể xử lý được vì luật không quy định.
Không những là nhà chuyên môn, nhà quản lý, là vị tướng trong quân đội, PGS. TS. Trần Văn Độ còn là một nhà khoa học, nhà giáo thực thụ. Là phó giáo sư, tiến sỹ luật lâu năm, ông cũng đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học, đề án; công bố hàng trăm công trình khoa học các loại; đào tạo hàng nghìn thẩm phán.
Với ông, ông cho rằng quyền sống của con người là cao nhất, chỉ nên tử hình khi con người không thể cải tạo thành công dân bình thường, còn không, hãy cho họ một cơ hội làm lại cuộc đời.
Hay như vụ 4 cán bộ, có cả cán bộ trong quân đội, bị bắt khi đánh bạc lần đầu tiên với số tiền 7 triệu đồng. Khi ấy, ông là Chánh án Tòa án quân sự T.Ư, một thẩm phán đã gặp xin ý kiến ông, vì thẩm phán đó cho rằng đây là vi phạm lần đầu, số tiền cũng không lớn, nếu bỏ tù thì cũng băn khoăn, nhưng không xử tù thì “e dư luận phản đối”.
Trung tướng Độ khi ấy đã hỏi thẩm phán: “Chúng ta có luật, có chế tài, với mức nhẹ sao không xử phạt hành chính mà cứ nhất thiết phải phạt tù?”. Sau đó, 4 cán bộ này được xử phạt hành chính, họ đã có cơ hội sửa sai và phấn đấu rất tốt trong công việc. “Sau này gặp tôi, họ cảm ơn tôi và nói rằng, nhờ có tôi mà cuộc đời họ thay đổi.
Bởi khi ấy, chỉ cần xử phạt án treo thôi, là họ đã mất tất cả sự nghiệp. Sau khi bị phạt hành chính, họ nói quyết tâm sửa sai và phấn đấu, không bao giờ sờ vào quân bài hay đánh bạc nữa, vì như thế là vô ơn với tôi, với Tòa quân sự”, ông kể lại và cho rằng, xử nặng chưa chắc đã mang tính răn đe tốt. Ông nhấn mạnh, phải để người ta cảm nhận được sự khoan dung của pháp luật để người ta sống tốt hơn.
Tâm sự trong suốt quãng thời gian trong ngành Tòa án, với tư cách người đứng đầu, ông cũng phải chịu không ít áp lực từ dư luận mỗi khi xét xử một vụ án, cũng như sự giằng xé, băn khoăn trước khi đưa ra phán quyết về sinh mạng của một con người, nhưng Trung tướng Trần Văn Độ vẫn luôn được người ta nhắc đến một cách đầy kính mến qua những vụ án được xét xử nghiêm minh nhưng vẫn thấm đẫm tình người.
Không chỉ thành công trong sự nghiệp, Trung tướng Trần Văn Độ còn có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Cả gia đình 4 thế hệ cùng chung sống đầm ấm trong ngôi nhà ở ngõ Cổ Nhuế, hai con trai ông đều giỏi giang, thành đạt. Vợ ông, bà Trần Thị Lan cũng từng là một giảng viên Đại học Ngoại ngữ. Từ năm 1986, khi ông bảo vệ luận án tiến sỹ về nước và công tác ở Tòa án quân sự T.Ư, họ đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Những năm tháng đó, ngoài giờ làm việc, bà lại cùng ông cắt may thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi dạy các con nên người.
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: Báo Giao thông