Xuống cấp nhanh, sửa chữa chậm
Dự án Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh có kinh phí đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, do Tập đoàn Cienco4 làm chủ đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao). Dự án được hình thành trên việc mở rộng kết cấu nền mặt đường Quốc lộ 1 cũ, riêng đoạn Km 468-Km484-Quốc lộ 8B cũ được đầu tư mới nhằm tránh đoạn Quốc lộ 1 ven sông Lam thường xuyên ngập lụt. Công trình hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 9-2013. Từ khi dự án đưa vào sử dụng, do công tác duy tu, bảo trì và sửa chữa chưa được chú trọng thực hiện, nền tuyến đường nhanh chóng xuống cấp, gây khó khăn cho các phương tiện khi phải đi qua và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Cử tri các địa phương có tuyến đường đi qua rất bức xúc, đã nhiều lần có ý kiến với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Đức Khánh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)-một trong những địa phương có tuyến đường đi qua gần 10km-cho biết: “Với chức năng của mình, chúng tôi thường xuyên báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đôn đốc nhà đầu tư kịp thời khắc phục, sửa chữa, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho tuyến đường”. Qua biên bản những buổi làm việc với các bên liên quan cho thấy: Lãnh đạo các địa phương đã ráo riết đề nghị các cơ quan quản lý vào cuộc quyết liệt, kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến đường.
Bụi mù mịt khi sửa chữa tuyến đường, đoạn qua thị trấn Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. |
Theo Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh, trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Ban ATGT, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các bên có liên quan kiểm tra, đánh giá tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời đưa ra những yêu cầu khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng có nguy cơ gây mất ATGT. Cùng với đó, Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) cũng đã có công văn yêu cầu nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án tiến hành khắc phục, sửa chữa toàn bộ vị trí mặt đường bị hư hỏng.
Sau nhiều lần bị hối thúc, nhà đầu tư đã tiến hành xử lý, nhưng tiến độ khắc phục hư hỏng mặt đường rất chậm, lỡ hẹn nhiều lần. Cụ thể, tại buổi kiểm tra ngày 4-1-2024, đồng chí Trần Báu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đã kết luận: “Đối với nhà đầu tư Cienco4 và Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, khắc phục sửa chữa triệt để các hư hỏng, hằn lún, ổ gà, bong tróc mặt đường, hệ thống vạch sơn bị mờ mất tác dụng trên tuyến đường bảo đảm ATGT trước ngày 25-1-2024... Thực hiện bảo trì (trung tu, đại tu, đột xuất, bão lũ, bảo dưỡng thường xuyên...) theo quy định trên toàn dự án BOT Nam cầu Bến Thủy tới Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh hoàn thành trước tháng 4-2024 bảo đảm mặt đường êm thuận, hệ thống an toàn... nhằm bảo đảm ATGT”. Tuy nhiên đến nay, việc khắc phục, sửa chữa chưa đáp ứng được mức độ hư hỏng thực tế, vẫn còn nhiều vị trí trên tuyến bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao.
Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm
Theo báo cáo của Văn phòng Khu Quản lý đường bộ II.3 ngày 13-5-2024: Trong thời gian vừa qua, mặc dù đơn vị đầu tư đã khắc phục, sửa chữa những hư hỏng mặt đường và thực hiện dự án trung tu đường lần hai nhưng qua kiểm tra trên tuyến, những vị trí mặt đường xuống cấp như: Nứt lưới, rạn nứt mai rùa, lún lõm, hằn lún vệt bánh xe...; nhiều đoạn tuyến, vị trí vạch sơn kẻ đường bị mòn, mờ chưa sơn hoàn trả; một số cầu hư hỏng lớp phủ mặt cầu, khe co giãn... vẫn chưa được khắc phục triệt để, chưa thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTG ngày 21-12-2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới (khu vực các trường học chưa được bổ sung đầy đủ hệ thống ATGT theo hướng dẫn tại “Sổ tay ATGT khu vực trường học”)... Những tồn tại, hư hỏng cần khắc phục trên tuyến đã được nêu tại Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 27-7-2023 giữa các bên liên quan và Thông báo số 03/TBKL-BATGT ngày 4-1-2024 của Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh; thông báo kết luận của đồng chí Trần Báu Hà.
Những chỗ bong tróc trên tuyến đường được sửa chữa qua loa, chắp vá, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. |
Chiều 16-5, sau khi thị sát tuyến đường, chúng tôi nhận thấy: Sau nhiều lần sửa chữa và trung tu lần hai, những hư hỏng nặng trên mặt đường đã được nhà đầu tư khắc phục, thảm lại nhựa; song những chỗ chưa được thảm lại, mặt đường còn hiện tượng hằn lún, bong tróc, nứt lưới, rạn nứt mai rùa.... Những chỗ lồi vệt bánh xe đã được nhà thầu dùng máy cào bằng, để lại các rảnh liền dài và sâu; những đoạn bong tróc được đổ một lượng thảm nhựa vào và lu nén lại, nhưng do lượng bê tông chỗ thiếu, chỗ lại thừa, vì vậy vô tình trở thành những “ổ voi” rất nguy hiểm, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy. Một số cầu trên tuyến bị hư hỏng khe co giãn, bong tróc... vẫn chưa được khắc phục.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ II cho biết: “Khu Quản lý đường bộ II sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp dự án tiếp tục khắc phục, sửa chữa kịp thời những hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn, bảo đảm ATGT trên toàn tuyến; đồng thời có văn bản báo cáo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam”. Văn bản Khu Quản lý đường bộ II gửi Tập đoàn Cienco 4 và Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (doanh nghiệp đảm nhiệm dự án) ngày 11-9-2023, khẳng định: “Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu có tai nạn giao thông xảy ra trên các đoạn, tuyến mà nguyên nhân do yếu tố kỹ thuật cầu, đường không bảo đảm”.
Tác giả: LÊ ANH TẦN
Nguồn tin: qdnd.vn