Trung tâm thương mại hiện có khoảng 200 ki-ốt kinh doanh. Mấy ngày vừa qua, BQL sữa chữa các quầy hàng nằm trong khu vực thương mại, nhưng do phương pháp tiến hành sửa chữa thiếu khoa học, không đồng bộ, lại vào thời điểm cận tết. Nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân, khiến cho các tiểu thương vô cùng bức xúc và phản đối quyết liệt.
Theo phản ánh của các tiểu thương, sáng 22/1 Ban quản lý tổ chức lực lượng vào trung tâm thương mại phá dỡ các ki-ốt cũ để làm ki ốt mới, nhưng lại thực hiện vào đúng thời điểm giáp tết, ki-ốt bị tháo dỡ khiến cho vật liệu nằm ngổn ngang cùng với tiếng máy hàn, máy cắt bốc mùi bay khét lẹt, tiếng kêu inh ỏi. Thỉnh thoảng những vết hàn kéo theo những đốm lửa rơi xuống nền nhà, bay vào hàng hoá.
Thợ hàn đang thi công ngay sát hàng hóa của tiểu thương
Mọi người cho rằng đây là một việc làm liều lĩnh, thiếu thận trọng của BQL, vì chợ thì vẫn họp bình thường, hàng hoá của tiểu thương vẫn bày bán. Trong khi đó, “thợ vẫn cứ hàn, máy cắt nhôm vẫn cứ cắt”nếu không may lửa rơi vào các vật dụng dễ cháy như quần, áo, vải vóc thì hoả hoạn xẩy ra là điều không tưởng. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm vi phạm nghiêm trọng qui tắc về phòng cháy, chữa cháy, cần phải được ngăn chặn! Cuối ngày 22/1 khi các tiểu thương đóng quầy về nghỉ thì một số ki ốt bị tháo dỡ trong đêm. Và số hàng hoá “chăn, ga, gối, đệm” của anh Nguyễn Tuấn Chung- chủ ki-ốt tại trung tâm thương mại đã bị chuyển đi đâu không rõ…
Khi chúng tôi vào làm việc trực tiếp với các hộ kinh doanh. Bà Lê Thị Phấn và một tiểu thương phàn nàn: “Trước đây ở khu đình cũ, ki-ốt rộng gấp đôi, nay vào đình mới thì bị thu hẹp lại, không có chỗ để hàng hóa nên phải mua thêm một ki-ốt bên cạnh nhưng không có hợp đồng và phải nộp 7 triệu đồng tiền trao tay cho ông Quế của Ban quản lý, không có chứng từ thu tiền”. Bà Phạm Thị Vân bức xúc:” Đình mới làm đã bị xuống cấp, ki-ốt bị thấm dột từ ngay khi mới dọn hàng vào để kinh doanh, các cửa đình đều bị nước mưa tạt vào ướt hết hàng hóa, tiểu thương phải tự đóng góp một người 1,7 triệu đồng để làm mái che”. Một số tiểu thương khác phân trần:” Không biết Ban quản lý và nhà thầu thi công kiểu gì mà thấy chất lượng công trình xuống cấp một cách nghiêm trọng như thế?”
Các mối hàn được thi công một cách cẩu thả tại ki-ốt mới
Từ tháng 4 âm lịch đến nay, các hộ kinh doanh đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được sửa chữa. Một điều khó hiểu ở đây là các ki-ốt ở dãy ngoài đang được đóng kín cửa, chúng tôi hỏi tại sao thì đồng thanh của các tiểu thương cho biết đó là các ki-ốt dành cho ban quản lý…? Ông Nguyễn Văn V – một tiểu thương đã có nhiều năm kinh doanh buôn bán tại trung tâm này bức xúc:”Quy hoạch tổng thể của trung tâm bất hợp lý ở chỗ: Nhà vệ sinh công cộng đặt ngay giữa khu vực 2 đình chính, khi mở cửa nhà vệ sinh thì gió lùa toàn bộ mùi hôi thối vào các quày hàng, nhất là khu vực hàng tươi sống. Gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Trước đó, cả hệ thống nhà 2 tầng được xây dựng có đầy đủ các trang thiết bị đã bị phá dỡ một cách khó hiểu. Tốn kém hàng tỷ đồng của nhà nước. Nay lại cải tạo các ki-ốt ở đình chính một cách không hợp lý.”
Ki-ốt đang kinh doanh của một tiểu thương
Chúng tôi đưa những ý kiến của các tiểu thương lên trao đổi với ông Nguyễn Quang Thể (cán bộ phụ trách trung tâm thương mại) về việc quy hoạch sửa chữa, giải quyết các vấn đề về xây dựng, bố trí, thu nhận các khoản phí đóng nộp của các tiểu thương cho Ban quản lý, việc các tiểu thương bị mất hàng hoá trong đêm thì ông này tỏ thái độ bất hợp tác, trả lời một cách thiếu trách nhiệm với vị trí quản lý của mình (“Không biết, không được phát ngôn…”,”Đang trình, đã trình nhưng chưa được. Các anh thấy hợp lý không? tôi thấy hoàn toàn hợp lý…”). Đang ngồi làm việc với chúng tôi, bỗng dưng ông Thể rút trong túi quần ra một điếu thuốc hút phì phèo, sau đó đứng dậy bước ra khỏi phòng không nói một lời. Với thái độ làm việc và giọng điệu đầy hách dịch của một công chức lộng hành thời @,thì tiểu thương ở trung tâm thương mại Tây Sơn vẫn còn khổ mãi!
Khu vệ sinh công cộng nằm chình ình giữa trung tâm thương mại
Rời khỏi trung tâm thương mại, chúng tôi lần theo đường 8A đến Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cách đó không xa, vào cơ quan liên hệ làm việc, thì một nữ nhân viên văn phòng thông báo “Lãnh đạo hôm nay đi họp ở Hà Tĩnh, chỉ còn xếp Long ở nhà”,nhưng đang bận tiếp khách? Ngồi chờ khá lâu, chúng tôi chủ động vào phòng làm việc của phó ban thì thấy ông Long đang ngồi chuyện trò với một người đàn ông (bận tiếp khách theo kiểu này), thấy chúng tôi vào, ông Long liền hất cằm hỏi “các anh vào đây có việc gì?”, PV: “Báo cáo anh, chúng tôi từ thành phố Hà Tĩnh lên xin gặp anh mấy phút, trao đổi về việc: Các tiểu thương đóng cửa, ngừng hoạt động buôn bán, phản đối việc quy hoạch, sửa chữa Trung tâm thương mại Tây Sơn.”. Vừa nói chưa dứt lời, thì ông phó ban này đã vội trả lời “Việc đó tôi không biết, các anh muốn biết thì gặp người phát ngôn (gặp lãnh đạo)?!” Thế mới biết sao thời nay vẫn còn tồn tại lắm công bộc của dân kiểu này đến thế!
Sau sự cố xẩy ra, tình hình buôn bán tại trung tâm thương mại Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vẫn diễn ra hết sức căng thẳng, tâm trạng bức xúc trước việc làm khó hiểu của Ban quản lý, dẫn đến việc kinh doanh, buôn bán gặp nhiều khó khăn. Các tiểu thương đã tập trung viết đơn khiếu nại gửi đi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Theo quán sát tại hiện trường và phản ánh của các hộ kinh doanh, chúng tôi thấy những vấn đề bất cập đang diễn ra trong công tác sửa chữa, đó là:Việc sửa chữa, cải tạo các ki ốt làm không đúng lộ trình, chủ quan, thiếu đồng bộ, xem nhẹ lợi ích kinh doanh, buôn bán của người dân.
Cơm không thịt, hàng hoa quả không người mua
Thời điểm giáp tết, hầu hết các hộ tiểu thương đã tập trung kinh phí, tập kết hàng hoá về để kinh doanh trong dịp tết.Nhưng Ban quản lý lại quyết định phá dỡ các ki-ốt để sửa chữa vào thời điểm làm ăn của bà con tiểu thương là không hợp tình, hợp lý.
Việc thiết kế chiều cao ki-ốt trước đây đã được phê duyệt là 3.5m, một ki-ốt được bố trí 2 cửa ra vào, xung quanh ki-ốt được gắn bởi hàng rào B40, vừa đảm bảo được độ bền, đẹp, thoáng mát lại vừa chống được trộm cắp, thuận tiện trong việc phòng chống cháy nổ. Nay làm mới, chiều cao chỉ được 3m và một cửa, dùng ván ép để làm ki-ốt là việc làm thiếu khoa học: Khi hạ độ cao xuống và bớt đi một cửa kết hợp với việc dùng ván ép che kín xung quanh sẽ gây ra sự chật chội, ảnh hưởng đến tầm nhìn, không khí đối lưu từ trong ra ngoài (và ngược lại) sẽ không đảm bảo và gây ra sự nóng nực cho mỗi ki-ốt và cả khu vực chợ. Nguy cơ cháy nổ là rất cao.Việc hạ độ cao còn làm cho tiểu thương không sử dụng hết công năng không gian là một thiệt thòi lớn. Các mối hàn được thi công một cách quá sơ sài, cẩu thả thì làm sao đảm bảo được độ bền, chứ chưa nói đến việc phòng chống trộm cắp! Tất cả các ki-ốt đang sử dụng tại trung tâm vẫn đảm bảo độ bền, đẹp, đúng tiêu chuẩn qui hoạch, đi lại mua bán thuận lợi. Nay Ban quản lý làm mới ki-ốt, số vật liệu cũ phải vất bỏ. Đành rằng: Việc Ban quản lý đưa dự án về thay thế, làm mới, nâng cấp sửa chữa, tạo sự khang trang, sạch đẹp là việc cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh. Nhưng phải phù hợp với việc buôn bán của các tiểu thương, hiện nay dự án đang gây ra sự lãng phí, tốn kém tiền của nhà nước và nhân dân.
Các tiểu thương về việc thi công, sửa chữa ki-ốt mới
Trao đổi với một cán bộ lãnh đạo của thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, được ông chia sẻ:”Sự việc lộn xộn ở trung tâm Thương mại do Ban quản lý sửa chữa ki-ốt khi chưa được sự đồng thuận của nhân dân, thiếu tính hợp lý, nên các tiểu thương phản đối là điều có thật. Hiện chúng tôi đã nhận được đơn thư của các hộ kinh doanh trình báo bị mất hàng hoá trong khu vực trung tâm. Chúng tôi đang giao cho các ban, ngành chức năng điều tra làm rõ, đồng thời phối hợp với ban quản lý có biện pháp tích cực, ổn định tình hình. Đưa trung tâm vào hoạt động có hiệu quả, xứng tầm với một Trung tâm thương mại, kinh tế trọng điểm của khu vực.”
Xuân Lộc – Minh Lý