Xinhua dẫn lời Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo, cố vấn chính trị quốc gia, thành viên hội đồng cố vấn của hải quân về an ninh mạng, cho biết việc đóng các tàu sân bay nhằm “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo, rặng san hô, quyền lợi hàng hải và lợi ích ở nước ngoài”.
“Bảo vệ vị thế kinh tế, chính trị và sự an toàn khi lao động của người Trung Quốc ở nước ngoài có ý nghĩa tối cao, quan trọng hơn cả bảo vệ hoạt động phát triển kinh tế trong nước và cải cách, mở cửa”, ông Yin nói và thêm rằng việc bảo vệ đòi hỏi hải lực mạnh, như các cụm tàu sân bay chiến đấu.
Theo ông Yin, Trung Quốc hiện đầu tư ra 155 nước, với nhiều công dân đang làm ăn ở nước ngoài, do đó nước này cần các tàu sân bay để “bảo vệ tài sản và công dân ở nước ngoài”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm nay xác nhận nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai, cũng là tàu sân bay với công nghệ nội địa hoàn toàn.
Tuyên bố của ông Yin được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây có hàng loạt động thái làm leo thang căng thẳng tại khu vực Biển Đông, như điều tên lửa, chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, đặt hệ thống radar trên các đảo nhân tạo phi pháp nước này bồi đắp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Những hành động đó của Trung Quốc đang thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông, đe doạ hoà bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vấp phải phản ứng quyết liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Tàu sân bay duy nhất hiện nay mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc từng được điều tới diễn tập ở Biển Đông vài lần kể từ khi được bàn giao cho hải quân năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, tàu này chỉ được sử dụng chủ yếu cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu chứ không thể hiện bất cứ vai trò tác chiến thực tiễn nào.
Ni Lexiong, một chuyên gia phân tích quân sự tại Thượng Hải, cho rằng các tàu sân bay Trung Quốc ít có khả năng tới Biển Đông trong tương lai gần. “Việc điều động các tàu sân bay sẽ là tuyên bố ngoại giao mạnh mẽ. Hành động đó thể hiện sức mạnh và ý chí sử dụng vũ lực của một nước”, Ni nói.
Trọng Giáp