Thế giới

Trung Quốc lần đầu công khai lo ngại về hậu quả cuộc chiến thương mại với Mỹ

Bộ Chính trị Trung Quốc bày tỏ lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm chạp của đất nước và thừa nhận các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách tối cao do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, hôm 31/10 ra tuyên bố nói rằng nền kinh tế đang phải chịu "áp lực suy giảm ngày càng tăng" với "những thay đổi sâu sắc" ở môi trường bên ngoài, theo Xinhua.

Tuyên bố này là một thay đổi đáng chú ý so với ba tháng trước, khi Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ nói có những thay đổi "đáng chú ý" ở môi trường bên ngoài. Đây là lần đầu tiên giới lãnh đạo Trung Quốc công khai bày tỏ lo ngại về sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp của đất nước kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại hồi tháng 6.

Tuyên bố được đưa ra sau khi chỉ số kinh doanh sụt giảm hơn dự tính trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, kết quả của việc sụt giảm mạnh về nhu cầu xuất khẩu. Số liệu chính thức vừa công bố cho thấy GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bộ Chính trị cũng thừa nhận có "nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp và sự xuất hiện các rủi ro tích lũy trong thời gian dài". "Chúng ta cần chú trọng đến tình trạng này và tập trung phản ứng kịp thời hơn nữa", tuyên bố cho hay. "Cần phải tăng cường cải cách và mở cửa để tập trung vào những vấn đề cốt lõi với các giải pháp mục tiêu".

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi phải thúc đẩy phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo của chính Trung Quốc, nhấn mạnh tham vọng của Bắc Kinh về thống trị công nghệ này giữa các cáo buộc của Mỹ về "hành vi trộm cắp" liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Chuyên gia kinh tế Shen Jianguang nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã thay đổi quan điểm về triển vọng kinh tế đất nước và đang chuẩn bị cho sự sụt giảm kéo dài từ cuộc chiến thương mại. "Lần này họ không còn mô tả kinh tế 'ổn định với đà phát triển tốt'", Shen nói. Trong tuyên bố hôm qua, Bộ Chính trị mô tả thành tựu kinh tế trong ba quý đầu tiên là "ổn định nhưng với tiến bộ đôi chút".

Giới lãnh đạo quyết định tiếp tục "chính sách tài chính chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng", nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định việc làm, tài chính, thương mại, vốn nước ngoài, đầu tư nhưng cũng gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân. Tại cuộc họp ba tháng trước, Bộ Chính trị cũng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và không đề cập đến kinh tế tư nhân.

Mỹ hiện áp mức thuế 10% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng lên tới 25% vào năm sau, cao gấp 10 lần mức thuế trung bình mà Mỹ áp với hàng nhập khẩu từ các nước khác. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ. Trước đó, hai bên đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP