Trung Quốc

Trung Quốc cấm khai thác dầu trên Biển Đông: Phi lý chồng lên phi lý!

Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, việc Trung Quốc (TQ) cấm khai thác dầu trên Biển Đông là đòi hỏi cực kỳ phi lý, dựa trên một yêu yêu sách phi lý khác là chủ quyền TQ bao chiếm trong đường lưỡi bò.

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Mới đây Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố, “nếu không có sự cho phép của TQ, hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt của bất kỳ công ty nào trên vùng biển mà TQ có quyền pháp lý đều là vi pháp và vô giá trị”. Tuyên bố này nhằm chỉ trích việc công ty Forum Energy của Anh được Bộ Năng lượng Philippines gia hạn thêm 1 năm tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, tuyên bố của TQ trong trường hợp này dựa trên yêu sách phi lý của họ về chủ quyền được bao chiếm trong đường lưỡi bò 10 đoạn. Không có cơ sở pháp lý nào cho phép TQ đưa ra yêu sách này. Trong các cuộc hội thảo và trao đổi quốc tế song phương, đa phương, TQ thường xuyên nói đây là vùng nước đánh cá lịch sử của TQ. Ngay cả “vùng nước lịch sử” mà TQ sử dụng cũng hoàn toàn sai lầm và đi ngược lại luật pháp quốc tế. Trong Công ước Luật Biển 1982, không có khái niệm “vùng nước lịch sử”.

Theo thông lệ quốc tế, “vùng nước lịch sử” phải hội đủ 4 tiêu chuẩn. Một là: vùng biển phải có cấu tạo đặc biệt về địa chất, địa hình, gắn liền với quốc gia ven biển. Hai là: vùng biển phải nằm cách xa đường hàng hải quốc tế. Ba là: vùng biển phải có vai trò đặc biệt quan trọng với quốc gia ven biển. Bốn là: quốc gia ven biển ấy phải thực thi kiểm soát, quản lý chủ quyền của mình với vùng biển này.

TQ không có bất cứ tiêu chí nào cả trong số đó. Vùng nước trong đường lưỡi bò không liên quan gì đến bờ biển TQ, cũng như không liên quan đến điều kiện kinh tế, an ninh, quốc phòng của TQ. Do đó, tuyên bố của TQ về cái gọi là cấm chỉ thăm dò khai thác dầu khí một khi chưa được sự cho phép của TQ là đòi hỏi cực kỳ phi lý. Đòi hỏi phi lý này dựa trên một yêu sách phi lý khác là chủ quyền TQ bao chiếm trong đường lưỡi bò.

Ông Cương cho rằng, nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng đủ mạnh, TQ từ lời tuyên bố đến hành động vũ lực là rất ngắn. Đây là con đường lấn từng bước, từ chuyện cấm các nước thăm dò khai thác trên Biển Đông một cách phi lý như vậy, tiến tới họ sẽ dùng vũ lực, xua đuổi, thậm chí bắt tàu các nước, phá hoại cơ sở kinh tế các nước thăm dò trong vùng biển của mình.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP