Đài truyền hình trung ương Trung Quốc truyền hình trực tiếp hình ảnh AG600 cất cánh từ sân bay Chu Hải và quay lại khoảng 1 giờ sau đó trong sự chào đón của đám đông. Theo giới thiệu của hãng tin Tân Hoa Xã, AG600 là "tinh thần bảo vệ biển, đảo và các rạn san hô".
Truyền thông địa phương cho biết với động cơ 4 tua bin, AG600 có thể bay xa 4.500 km, trọng lượng cất cánh 53,5 tấn và chở được khoảng 50 người trong các nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu. Ngoài ra, nó còn có thể hút 12 tấn nước trong vòng 20 giây trong trường hợp cần chữa cháy. AG600 có khả năng cất cánh và hạ cánh cả ở trên cạn lẫn dưới nước.
Reuters cho biết Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đã mất 8 năm phát triển AG600. Chiếc thủy phi cơ có kích thước bằng chiếc Boeing 737, được thiết kế để tiến hành các cuộc cứu hộ trên biển và chống cháy rừng. Tuy nhiên, truyền thông địa phương khẳng định AG600 cũng có thể được sử dụng trên biển Đông.
Thủy phi cơ AG600 tại sân bay Chu Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Vào đầu tháng này, tờ China Daily dẫn lời nhà thiết kế chính của AG600 Huang Lingcai cho biết AG600 có thể thực hiện các chuyến bay vòng mà không cần tiếp nhiên liệu từ hòn đảo phía Nam của tỉnh Hải Nam tới bãi ngầm James.
Đây là bước đi mới nhất của Bắc Kinh trong chương trình hiện đại hóa quân đội. Nước này đang tiếp tục nghiên cứu các thiết bị quân sự tiên tiến để phục vụ cho các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ lo âu.
Đến nay, AVIC đã nhận được 17 đơn đặt hàng thủy phi cơ AG600, chủ yếu từ các cơ quan chính phủ và công ty Trung Quốc.
Tác giả: Bảo Hạnh
Nguồn tin: Báo Người lao động