Văn hoá Dân gian

Trò Kiều với hành trình phục dựng trên quê hương Nguyễn Du

Trò Kiều tìm về quê hương

Trải qua nhiều thế hệ và sự biến cố của lịch sử, trò Kiều trên quê hương Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và bảo tồn, bởi đây là nét văn hóa đáng trân trọng, đồng thời thể lòng kính trọng, biết ơn đối với Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du.
hatinh24h
Trò Kiều Tiên Điền, đang được tập diễn để phục vụ lễ kỷ niêm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới đại thi hào Nguyễn Du.

Cụ Nguyễn Du quê ở xã Tiên Điền (Nghi Xuân), là người viết Truyện Kiều, thế nhưng trò Kiều lại phát sinh ở huyện Đông Thành (phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Vào những năm 1918 – 1920, trò Kiều du nhập về xã Tiên Điền nhờ công của 3 anh em Trần Văn Lan, Trần Văn Thiều và Trần Văn Ân. Trong vòng 20 năm, từ khi được truyền về quê hương cụ Nguyễn Du, đến năm 1944 trò Kiều rất thịnh hành.

Đêm đến, dù mưa hay nắng hễ nghe tiếng trống trò Kiều của Tiền Giáp nổi lên, dân làng nơi đây lại rủ nhau đi xem nhà trò tập hát. Từ Tiên Điền, trò Kiều đã lan tỏa sang các xã Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Liên, Xuân Lĩnh,…

Thế rồi, chiến tranh diễn ra, kháng chiến chống Pháp bùng nổ phong trào hát Kiều ở Tiên Điền tạm lắng lại. Sau này, hòa bình lập lại ở miền Bắc, từ năm 1956 – 1965 trò Kiều hồi sinh tiếp tục biểu diễn phục vụ nhân dân.

Nhưng đến thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang, đánh phá miền Bắc, phong trào diễn trò Kiều một lần nữa vắng bóng cùng với sự nuối tiếc một di sản phi vật thể đã ăn sâu vào lòng dân.

Năm 1973, con cháu đội trò Kiều ngày xưa là chị Trần Thị Phượng (vai Thúy Kiều) và anh Lê Mã Lương (vai Kim Trọng) biểu diễn trích đoạn Từ biệt Kim Kiều. Rồi từ đó, chuyện cơm áo, gạo tiền làm lãng quên hoạt động biểu diễn trò Kiều.

Người có công phục dựng trò Kiều Tiên Điền

Đó là ông Nguyễn Mậu, sinh năm 1947, hậu thế tiến sỹ Nguyễn Khản và hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, cháu đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Du, hiện là trưởng tộc họ Nguyễn ở xã Tiên Điền.

Từ khi nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đi vào cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các xã đề nghị huyện khôi phục di sản hát trò Kiều.

Năm 2000, ông Nguyễn Xuân Ban lúc đó là Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nghi Xuân đã đến gặp vợ chồng ông Nguyễn Mậu và bà Trần Thị Phượng ở Tiên Điền để bàn việc cộng tác khôi phục trò Kiều. Vợ chồng ông Mậu nhất trí tham gia kế hoạch phục dựng trò Kiều.

Thế nhưng khi bước vào công tác sưu tầm kịch bản họ đã gặp nhiều khó khăn: Cả xóm không ai nhớ câu hát trò Kiều nào nữa, kịch bản đã mất mát, nhiều đoạn chưa sưu tầm đầy đủ.

Vợ chồng ông Mậu, bà Phượng phải lặn lội đi khắp nơi như Xuân Liên, Xuân Lĩnh,.. để sưu tầm kịch bản nhưng chỉ tìm được một vài trích đoạn.

 

Ông Mậu có người chị ruột vào khoảng năm 1965 từng đóng vai Thúy Kiều biểu diễn phục vụ trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Du, nay đi lấy chồng về huyện Hương Sơn.

Vợ chồng ông lại khăn gói lên miền ngược gặp chị gái sưu tầm kịch bản. Tuy nhiên, người chị chỉ nhớ được một ít câu hát trong vài trích đoạn của vở diễn. Bà Trần Thị Phượng cũng nhớ được dăm đoạn, mấy làn điệu. Các làn điệu ghi chung chung theo trí nhớ, theo lời hát của các nhân vật sắm vai Kim Trọng, Kiều, Tú Bà…Vợ chồng ông phải dựa vào hồi ức đến các gia đình là con em của đội trò Kiều ngày trước sưu tầm, ghi chép, tìm kiếm kịch bản. Không qua trường lớp đào tạo, nhưng mỗi câu kịch bản sưu tầm được ông đều đối chiếu với nguyên tác truyện Kiều, so sánh các làn điệu cẩn thận, đánh dấu những chổ thiếu để chuyển thể bổ sung từ truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.

Thế rồi “có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau 5 tháng sưu tầm, chỉnh lý, hoàn thiện kịch bản, ông Mậu tiến hành thành lập đội trò Kiều và bắt tay vào việc dàn dựng, tập hát, tập múa trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ thứ.

Vấn đề vũ đạo của trò rất quan trọng, nhưng ít người nhớ đầy đủ để hướng dẫn cho lớp trẻ. Số lượng diễn viên từ 18 đến 20 người, với cấp xã rất khó tuyển chọn dàn diễn viên tốt.

Trang phục của trò Kiều cầu kỳ, điều kiện âm thanh, ánh sáng cho biểu diễn múa hát của đội trò cơ sở nơi thôn xóm rất khó khăn. Tuy được Phòng Văn hóa – Thông tin hỗ trợ tài chính, nhưng kinh phí luyện tập, việc tổ chức tập múa hát và chế độ bồi dưỡng cho diễn viên không đủ trang trải, thế nhưng đội trò Kiều xã Tiên Điền đã cố gắng, vượt khó khôi phục, dàn dựng để công diễn ra mắt công chúng xã nhà.

Năm 2001, sau nhiều năm mất hút, lần đầu tại sân UBND xã Tiên Điền đội trò Kiều do ông Mậu sưu tầm, chỉnh lý kịch bản, dàn dựng đã tổ chức đêm diễn thành công.

Ông Mậu nhớ lại, “Ngày ấy, Viện Mỹ thuật Bộ Văn hóa –Thông tin đã về quay phim để làm tư liệu. Sau đó kênh VTV2 và VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam cũng về quay một số trích đoạn trò Kiều Tiên Điền phát sóng trong chương trình Văn hóa – Xã hội. Tiếp đó, Đài Tiếng nói Việt Nam về thu âm phát sóng toàn bộ vở diễn trò Kiều Tiên Điền”.

Từ ngày phục dựng trò Kiều đến nay, rất nhiều nhà báo về Tiên Điền gặp ông Nguyễn Mậu lấy tư liệu để viết tin, bài tuyên truyền. Năm 2005, trong dịp kỷ niệm 240 năm và năm 2010 kỷ niệm 245 ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du có diễn trích đoạn Kim Kiều hẹn ước.

Từ tháng 7/2015 lại nay, đội trò Kiều xã Tiên Điền đã tổ chức biểu diễn một số trích đoạn phục vụ chương trình Truyền hình quân đội quay phim phát sóng….

Hiện tại vợ chồng ông Nguyễn Mậu cùng anh chị em diễn viên trong đội trò Kiều đang hăng say tập múa, hát để phục vụ tuần văn hóa kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du.

Ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch UBNN huyện Nghi Xuân – cho biết: “Hiện tại xã Tiên Điền cùng với xã Xuân Liên là hai địa phương có đội diễn trò Kiều còn tồn tại.

Ở Tiên Điên, nhờ có sự đóng góp công lao to lớn của vợ chồng ông Nguyễn Mậu mà trò Kiều ở nơi đây được phục hồi, duy trì, phát triển và bảo tồn được một loại hình văn hóa phi vật thể lan tỏa từ tác phẩm truyện Kiều trên quê hương cụ Nguyễn Du”.

Huy Hiếu – Minh Thư – Viết Tường

(theo GD&TĐ)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP