Tin Hà Tĩnh

Tréo ngoe với hai thiết bị phạt nguội ở Hà Tĩnh

Cùng một phương tiện, ở cùng một thời điểm, nhưng hai thiết bị phạt nguội của hai đơn vị lại cho kết quả khác nhau. Đó là thực trạng trái khoáy giữa camera ghi hình ảnh của CSGT với thiết bị giám sát hành trình của Bộ GTVT.

Điều đáng nói là cả hai thiết bị này đều được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định, chứng nhận nên chủ phương tiện không biết tin vào đâu. Việc này đã gây tranh cãi giữa chủ phương tiện và lực lượng xử lý vi phạm tại tỉnh Hà Tĩnh.

Cùng 1 thời điểm nhưng hai thiết bị lại cho kết quả khác nhau.

Kết quả khác xa nhau

Phản ánh với PV, ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải Thọ Lam (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết: Xe bus của công ty nhiều lần vấp phải tình cảnh trớ trêu này.

Cụ thể là vào 9h32 phút ngày 3/9, xe bus số 22, chạy tuyến huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) – TP Vinh, BKS: 38B – 008.56 của Công ty ông bị máy đo tốc độ ghi hình ảnh tại Km 469+800 QL1A đoạn qua thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chụp lại hình ảnh vi phạm tốc độ 62km/h.

Tiếp đó, vào 17h10 phút ngày 11/9, cũng tại địa điểm trên, chiếc xe bus BKS: 38B – 00860 của Công ty ông cũng bị phát hiện vi phạm tốc độ 66 km/h.

Tương tự, trước đó, vào 17h17 ngày 18/8 cũng tại điểm máy đo tốc độ này, xe buýt mang BKS: 38B – 00993 đã ghi lại vi phạm tốc độ 66 km/h.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt ở 3 chiếc xe trên, tại cùng điểm thời gian bị máy đo tốc độ ghi hình ảnh xe vi phạm tốc độ thì thiết bị giám sát hành trình lại cho kết quả là cả 3 xe không vượt quá tốc độ cho phép.

Theo ông Cường, trước đó, một số xe của Công ty ông cũng vi phạm tốc độ và đã bị camera ghi hình chụp lại, đối chiếu với thiết bị giám sát hành trình đều cho ra kết quả trùng khớp.

Công ty luôn chấp hành nộp phạt đúng quy định. Tuy nhiên, với 3 trường hợp trên, công ty mong muốn được làm rõ để phân định được thiết bị nào cho kết quả đúng.

Được biết, thiết bị giám sát hành trình của Công ty CP Vận tải Thọ Lam được lắp đặt bởi Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Bình Anh chi nhánh Hà Tĩnh.

Thiết bị này được Bộ GTVT chứng nhận đạt quy chuẩn.

Sở GTVT Hà Tĩnh yêu cầu phải lắp đặt để kiểm tra hành trình và kiểm soát tốc độ của tất cả các xe để lấy cơ sở xử lý phương tiện vi phạm tốc độ và hành trình.

Trung bình phí lắp đặt một thiết bị định vị/xe là 3 – 5 triệu đồng. Còn camera ghi hình được Cục Cảnh sát trang cấp cho Phòng Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh.

“Khi xảy ra sự việc có 2 kết quả khác nhau giữa 2 thiết bị, một bên là được Bộ GTVT chứng nhận, một bên được Cục Cảnh sát trang cấp và do Viện Đo lường Việt Nam kiểm định chất lượng khiến Công ty chúng tôi rất hoang mang vì không biết kết quả nào là đúng, kết quả nào sai”- ông Cường nói.

Hãng taxi 37 (thuộc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Văn Minh, có trụ sở tại số 37C, đường Lê Văn Hưu, phường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cũng “vấp” phải trường hợp tương tự.

Ông Nguyễn Văn Linh - Quản lý Hãng taxi 37 cho hay: Vào lúc 17h15 ngày 24/10, xe taxi mang BKS: 37A – 36698 của Công ty ông bị máy đo tốc độ ghi hình ảnh lắp đặt tại km469+800 QL1A đoạn qua thị trấn Xuân An giao với xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chụp lại vi phạm tốc độ 62 km/h, trong khi đối chiếu với thiết bị giám sát lắp đặt trên xe thì cho kết quả thời điểm đó chỉ có 40 km/h.

Ngoài ra, ông Linh cũng cho biết thêm, tại địa điểm này, trước đó, hãng taxi của ông cũng có 5 trường hợp xe không chạy quá tốc độ theo số liệu từ thiết bị giám sát hành trình, nhưng lại bị máy đo tốc độ ghi lại hình ảnh vi phạm.

“Thiết bị giám sát hành trình được Công ty chúng tôi lắp đặt ở Công ty Bình Anh. Đây là thiết bị do Bộ GTVT yêu cầu chúng tôi phải lắp đặt, thiết bị được Tổng cục Đường bộ chứng nhận đã kiểm định và được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận đúng quy chuẩn, nên khi xảy ra các trường hợp trên, chúng tôi rất hoang mang. Công ty chúng tôi phải bỏ ra chi phí không nhỏ để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho mỗi chiếc xe và thiết bị này cũng là căn cứ để sở GTVT xử lý vi phạm. Giờ Phòng CSGT nói máy đo tốc độ ghi hình ảnh của họ đúng, còn phía Công ty lắp đặt cũng khẳng định thiết bị của họ chuẩn xác nên chúng tôi không biết sai, đúng như thế nào!?”- ông Linh trăn trở.

Cái nào đúng, cái nào sai?

Sau khi xảy ra sự việc, chủ hãng taxi nói trên đã có đơn kiến nghị gửi Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh nhưng nhận được trả lời là máy đo tốc độ ghi lại hình ảnh cho kết quả chính xác, không hề có sự sai lệch nào.

Đại úy Diệp Xuân Quyền - Đội trưởng Đội xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên lý hoạt động của camera xử lý vi phạm là bắn điểm ảnh trực tiếp từ mắt camera đến phương tiện vi phạm từ 5 – 10m nên độ chính xác rất cao.

Máy đo tốc độ hình ảnh được trang cấp theo dự án của Bộ GTVT, nằm trong danh mục và được Viện đo lường Việt Nam kiểm định về an toàn kỹ thuật nên đủ cơ sở pháp lý cũng như độ chính xác để xử lý vi phạm.

Cũng theo Đại úy Quyền, từ khi triển khai xử lý vi phạm bằng hình thức phạt “nguội”, cũng đã xảy ra một số trường hợp tương tự như các chủ phương tiện phản ánh ở trên.

Trước sự việc, Phòng đã có văn bản gửi Cục cảnh sát giao thông để xin ý kiến, hướng dẫn của Cục.

Theo đó, căn cứ Nghị định 165/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, Thông tư 40/2015/TT-BCA ngày 24/8/2015 của Bộ Công an về quy định, quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường thì máy đo tốc độ ghi hình ảnh nằm trong danh mục và đã được kiểm định bởi Viện Đo lường Việt Nam theo đúng quy định.

Kết quả thu thập từ máy đo tốc độ có ghi hình ảnh được sử dụng làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính.

Mặt khác, theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 29/6/2013 của Bộ Khoa học - Công nghệ quy định về đo lường với phương tiện do nhóm 2 thì máy đo tốc độ có ghi hình ảnh thuộc danh mục phương tiện do nhóm 2 bắt buộc phải kiểm định còn thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô chỉ được đo thử nghiệm theo quy định tại QCVN 31:2014/BGTVT ngày 15/12/2014 của Bộ GTVT quy định quy chuẩn quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Viện Đo lường Việt Nam không kiểm định hiệu chuẩn thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô.

Liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, ông Hoàng Lộc Anh - Trưởng văn phòng tại Hà Tĩnh (Công ty TNHH Phát triển Công nghệ điện tử Bình Anh, có địa chỉ tại số 17, đường Hoàn Hà, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) lại khẳng định: “Thiết bị giám sát hành trình của Công ty chúng tôi đã được Cục Quản lý đường bộ cấp phép. Về mặt định vị thì sai số của nó là cộng trừ 2% vì nó được lắp đặt cố định trong xe, được niêm phong và tôi khẳng định thiết bị không thể sai”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bảo - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái - Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cũng khá bất ngờ về kết quả khác nhau giữa hai thiết bị.

Ông Bảo cho biết: “Nguyên lý hoạt động của thiết bị giám sát hành trình là tốc độ được tính từng giây, từng tọa độ, sai số là + - 5km. Thiết bị giám sát hành trình là căn cứ để Sở GTVT xử phạt các phương tiện vi phạm tốc độ, hành trình. Sở GTVT sẽ đình chỉ hoạt động của phương tiện nếu phát hiện các lỗi này. Chúng tôi chỉ xử lý về mặt quản lý nhà nước thôi. Cục Quản lý đường bộ có phần mềm cập nhật về thời gian, tốc độ lái xe, chạy sai hành trình, mất tín hiệu… của các phương tiện để lấy căn cứ xử lý”.

Khi PV hỏi phương án nào để giải quyết vấn đề này, ông Bảo cho rằng cần phải chạy test.

“Giờ cũng không biết cái nào đúng, cái nào sai nên muốn làm rõ thì chủ phương tiện và đơn vị lắp đặt phải phối hợp, cho chạy test thử nghiệm để biết thiết bị nào đúng, thiết bị nào sai”- ông Bảo nêu phương án.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP